BCG Energy, Trungnam Group, Sunshine VNE và loạt ông lớn chậm thanh toán lãi trái phiếu
Thống kê trên chuyên trang trái phiếu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, loạt ông lớn như BCG Energy, Trungnam Group... cùng nhiều doanh nghiệp khác liên tục thông báo chậm thanh toán gốc/lãi trái phiếu đến hạn.
Báo cáo thị trường trái phiếu của Công ty Chứng khoán MB (MBS) vừa phát hành cho biết, tính đến ngày 21/11/2023, có khoảng 100 doanh nghiệp thông báo về việc chậm, hoãn thanh toán lãi/gốc trái phiếu đến hạn.
MBS ước tính tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệm chậm các nghĩa vụ thanh toán khoảng 192 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 19% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường. Trong đó, nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 70% giá trị chậm trả.
Thống kê trên chuyên trang trái phiếu của Sở Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, loạt ông lớn trên thị trường như Trungnam Group, BCG Energy, Tập đoàn Hưng Thịnh... đã liên tiếp công bố thông tin chậm trả gốc, lãi trái phiếu trong thời gian qua.
Chẳng hạn, gần đây nhất, Công ty Cổ phần BCG Energy, đơn vị phát triển mảng năng lượng tái tạo của Công ty Cổ phần Bamboo Capital (HoSE: BCG) đã công bố loạt thông tin về việc chậm các nghĩa vụ thanh toán đối với hai lô trái phiếu đang lưu hành là EBCCH2124002 và EBCCH2124003.
Cụ thể, BCG Energy chậm thanh toán số tiền gốc/lãi trị giá 70,2 với trái phiếu EBCCH2124002 và 105,9 tỷ đồng với trái phiếu EBCCH2124003. Công ty cho biết sẽ thu xếp thanh toán trước ngày 31/12/2023 và đang chuẩn bị phương án đàm phán với nhà đầu tư về thời hạn thanh toán mới đối với phần lãi chậm. Liên quan đến lô trái phiếu EBCCH2124003, hồi tháng 6 năm nay, BCG Energy cũng đã chậm thanh toán hơn 104 tỷ đồng tiền lãi.
Được biết, hai lô trái phiếu trên có tổng giá trị 2.500 tỷ đồng, đều được bảo đảm bằng 6,4 triệu cổ phần của các cổ đông Công ty Cổ phần Điện gió BCG Khai Long 1 và toàn bộ quyền và lợi ích phát sinh từ Nhà máy điện gió Khu du lịch Khai Long - Cà Mau giai đoạn 1.
Là một trong những doanh nghiệp sở hữu dư nợ trái phiếu khủng nên khi thị trường khó khăn, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) phải đối diện với các nghĩa vụ thanh toán trái phiếu đến hạn. Mới đây, Trungnam Group không thể thanh toán số tiền lãi gần 107 tỷ đồng đến hạn của lô trái phiếu TNGCB2124001. Theo các điều kiện, điều khoản quy định, nếu tiếp tục chậm thanh toán, Trungnam Group sẽ phải thanh toán bổ sung cho các trái chủ số tiền phạt 10%/năm trên số dư lãi chậm trả.
Được biết, lô trái phiếu TNGCB2124001 trị giá 2.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào ngày 18/5/2024. Ngoài ra, Trungnam Group còn hai lô trái phiếu khác đáo hạn trong năm 2024 là TNGCH2224005 (100 tỷ đồng) và lô TNGCB2224003 (2.000 tỷ đồng). Trong đó, lô trái phiếu TNGCB2224003 đã được doanh nghiệp lên kế hoạch mua lại.
Tính đến thời điểm 31/12/2022, tổng dư nợ trái phiếu của Trungnam Group đạt 24.285 tỷ đồng, chiếm 25% tổng tài sản. Nợ phải trả tại ngày kết thúc năm 2022 đạt 68.110 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 27.914 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (D/E) đạt 2,44 lần.
Năm 2022, tình hình kinh doanh của Trungnam Group đi xuống khi lợi nhuận sau thuế suy giảm tới 84% so với năm 2021, còn 255 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu chỉ 0,91% trong khi năm 2021 đạt 5,85%.
Tương tự, một công ty liên quan đến Sunshine Group là Công ty Cổ phần Đầu tư, Thương mại và Phát triển Xây dựng Sunshine VNE mới đây đã công bố chậm thanh toán gốc và lãi đến hạn. Cụ thể, ngày 27/11/2023, do chưa thu xếp được nguồn tiền nên Sunshine VNE không thể thanh toán số tiền gốc 256 tỷ đồng và số tiền lãi 28,2 tỷ đồng của lô trái phiếu VNECH2123001.
Về tình hình kinh doanh, bán niên năm 2023, Sunshine VNE chỉ có 84 triệu đồng lợi nhuận sau thuế. Tổng tài sản tại ngày kết thúc quý II/2023 đạt 2.293 tỷ đồng; chiếm 92% là nợ phải tả (2.106,3 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu đạt 187 tỷ đồng.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, trong quý IV/2023, số lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn khoảng 57 nghìn tỷ đồng, đã trừ các khoản mua lại, trong đó bất động sản chiếm 47%. Tuy nhiên, áp lực đáo hạn năm 2024 tương đối lớn với hơn 297 nghìn tỷ đồng trái phiếu tới hạn, trong đó nhóm bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn./.