Bên trong ‘siêu thành phố’ gần 100 tỷ USD của siêu cường châu Á, là mô hình kiểu mẫu được Thủ tướng nhận xét ‘Việt Nam cần tham khảo’

Tân khu này được kỳ vọng sẽ là nơi chữa lành căn bệnh thành phố lớn của thủ đô đông dân hàng đầu thế giới.

Tân khu Hùng An, Trung Quốc được thành lập vào ngày 1/4/2017 ở tỉnh Hà Bắc, cách Thủ đô Bắc Kinh 100km về phía Tây Nam. Với diện tích 1.770km², khu vực này có nhiệm vụ chính là "giảm tải" cho thủ đô, đồng thời thúc đẩy phát triển vùng Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc.

Sau 6 năm phát triển, cơ sở hạ tầng ở Tân khu Hùng An đã được đầu tư, xây dựng đồng bộ và hiện đại, với một số dự án trọng điểm đang được tiến hành khẩn trương. Đây được đánh giá là khu vực mới có "ý nghĩa quốc gia", sau đặc khu kinh tế Thâm Quyến và Tân khu Phố Đông, Thượng Hải.

Tính đến cuối năm 2022, Tân khu Hùng An đã thu hút tổng vốn đầu tư ấn tượng lên đến 74,2 tỷ USD, phân bổ cho 240 dự án lớn. Chính phủ Trung Quốc dự kiến triển khai thêm 270 dự án trọng điểm khác trong năm nay, với tổng vốn đầu tư dự kiến đạt 96,7 tỷ USD.

Đến tháng 3/2022, gần 4.000 công ty đã đăng ký hoạt động tại Hùng An, trong đó hơn 80% là các doanh nghiệp khoa học và công nghệ chuyển đến từ thủ đô. Điều này không chỉ làm tăng tính cạnh tranh của khu vực mà còn biến Hùng An thành trung tâm công nghệ mới của Trung Quốc. Khu vực này cũng trở thành nơi đặt trụ sở của nhiều trường đại học, bệnh viện và cơ quan nhà nước vốn trước đây tọa lạc tại Bắc Kinh.

Theo quy hoạch tổng thể, đến năm 2035, Tân khu Hùng An sẽ phát triển thành một thành phố hiện đại, xanh, thông minh và đáng sống, tương tác hài hòa giữa con người và môi trường, đồng thời có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ.

Bên trong ‘siêu thành phố’ gần 100 tỷ USD của siêu cường châu Á, là mô hình kiểu mẫu được Thủ tướng nhận xét ‘Việt Nam cần tham khảo’ - Ảnh 1

Một góc tân khu Hùng An nhìn từ trên cao. Ảnh: Xinhua

Không chỉ đóng vai trò hỗ trợ Thủ đô Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc còn kỳ vọng Tân khu Hùng An sẽ trở thành một trung tâm quốc tế mới, mở ra cánh cửa cho hợp tác và giao lưu quốc tế. Các chuyên gia Trung Quốc đã ca ngợi khu vực này là một mô hình phát triển chất lượng cao, một động cơ mới thúc đẩy hệ thống kinh tế hiện đại.

Lãnh đạo Trung Quốc coi việc xây dựng Tân khu Hùng An là một nhiệm vụ trọng tâm, không chỉ để nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn để đổi mới và phát triển đô thị. Đây sẽ là biểu tượng cho sự phát triển bền vững, sáng tạo và chất lượng cao của quốc gia trong tương lai gần.

Theo trang Project China, Hùng An sẽ là nơi chữa lành "căn bệnh thành phố lớn" của Bắc Kinh, giúp thủ đô Trung Quốc giải quyết các vấn đề như quy hoạch không bắt kịp tốc độ phát triển, ô nhiễm và tắc đường.

Trong chuyến thăm Tân khu Hùng An (Khu mới Hùng An) ở Hà Bắc, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc và dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Thiên Tân vào ngày 28/06/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá khu Hùng An đã giải quyết được 3 "căn bệnh" cơ bản mà các đô thị lớn thường gặp: quá tải về hạ tầng, ô nhiễm môi trường sống, và thiếu nhà ở cùng điều kiện sinh hoạt đủ tiêu chuẩn cho người dân.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định: "Đây là mô hình mà Việt Nam cần tham khảo trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước."

Với danh xưng "đô thị tương lai", Hùng An được định hướng trở thành khu vực phát triển dựa trên đổi mới và công nghệ. Quy hoạch và thiết kế thành phố tích hợp những yếu tố hàng đầu như Internet Vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và điện toán đám mây, đưa Hùng An trở thành khu vực phát triển nổi bật trong kỷ nguyên số.

Hùng An sẽ chủ yếu sử dụng năng lượng sạch. Nhà máy điện tại đây là một phần của cơ sở hạ tầng truyền tải điện từ các trang trại gió ở Trương Gia Khẩu, phía Bắc tỉnh Hà Bắc.

Một quận của tân khu Hùng An về đêm. Ảnh: Xinhua
Một quận của tân khu Hùng An về đêm. Ảnh: Xinhua

Một trong những khu phức hợp đầu tiên được xây dựng ở Tân khu Hùng An là "trung tâm dịch vụ công dân", chú trọng vào yếu tố hiệu quả và tinh gọn. Hùng An đang được quảng bá là nơi mà các công nghệ kỹ thuật số mới sẽ mang lại chất lượng cuộc sống cao hơn và các dịch vụ công tốt hơn.

Bên cạnh đó, Hùng An hiện đang trở thành một trung tâm thử nghiệm cho đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền Trung Quốc. Mục tiêu của sáng kiến này là đưa đồng tiền số này trở thành một lựa chọn thực tiễn không chỉ để thay thế đồng USD mà còn để cạnh tranh với các nền tảng thanh toán phổ biến như WeChat và Alipay. Chính quyền địa phương đang khuyến khích việc sử dụng đồng tiền số này trong việc trả lương cho người lao động, cũng như trong các giao dịch thanh toán thuế và tiện ích hàng ngày của cư dân.

Đặc biệt, để có thể trở thành "trung tâm sáng tạo toàn cầu", thành phố xác định mục tiêu thu hút lượng lớn nhân tài. Gần đây, chính quyền Trung Quốc đã công bố nhiều ưu đãi đặc biệt để thu hút chuyên gia đến Hùng An, như cấp nhà, miễn phí vé phương tiện giao thông công cộng cùng nhiều đặc quyền khác.

Thùy Dung

Theo Chất lượng và cuộc sống