Bí ẩn 'hệ sinh thái' và nhà đầu tư đề xuất dự án Chân Mây LNG vốn đầu tư lên đến 6 tỷ USD

Theo quy định pháp luật hiện hành, chủ đầu tư dự án LNG Chân Mây cần ít nhất 15% vốn tự có - vào khoảng 900 triệu USD, tương đương chừng 20.000 tỷ VND. Do vậy, cái tên CTCP Chân Mây LNG, cùng các cổ đông góp vốn vẫn còn là ẩn số với phần đa công chúng.

Thừa Thiên - Huế đoán nhận siêu dự án 6 tỷ USD

Dự kiến vào 2021 tới, Dự án Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Chân Mây sẽ chính thức khởi công xây dựng. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 6 tỷ USD Mỹ với tổng công suất thiết kế 4.000 MW dự kiến được đặt tại Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, và vận hành thương mại giai đoạn 1 vào năm 2024.

Theo thông tin công bố, dự án do CTCP Chân Mây LNG đề xuất nghiên cứu đầu tư và phát triển. Đây là dự án điện tư nhân (IPP), có vốn sở hữu 60% của Mỹ và 40% của Việt Nam. Khi đi vào hoạt động, dự tính hàng năm nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình 24 – 25 tỷ kWh.

Phối cảnh dự án quy hoạch chung khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. 
Phối cảnh dự án quy hoạch chung khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. 

Với nhiên liệu từ điện khí thiên nhiên, dự án này đã gây được thiện cảm với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vì có tính bảo vệ môi trường. Ông Phan Ngọc Thọ Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tỉnh rất quan tâm đến lĩnh vực môi trường, do vậy, các dự án thân thiện với môi trường luôn được ưu tiên. Ông cũng đánh giá cao tính khả thi của dự án, nhất là các đối tác của dự án máy điện khí LNG Chân Mây do tiềm lực mạnh và có kinh nghiệm trong thực hiện các dự án điện khí.

Với tổng mức đầu tư dự án ước tính 6 tỷ USD được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều đột phát cho ngành năng lượng trong nước, thúc đẩy mạnh phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm sau thời kỳ dịch Covid, góp phần tăng trưởng quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam, Hoa Kỳ.

Nhà đầu tư đề xuất siêu dự án thuộc Tập đoàn Wealth Power Việt Nam

Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, Tập đoàn Wealth Power Việt Nam (Wealth Power Group Vietnam) được thành lập vào cuối năm 2018, đóng trụ sở TP Huế.  Ban đầu, công ty có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Bà Trần Thị Hương Hà (35%) – bà cũng đồng thời là Người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc, ông Nguyễn Văn Quý Ngọc (35%) và cổ đông ngoại đến từ Thái Lan, ông Chotianan Phutpornchanan (30%).

Chỉ sau 2 năm, Wealth Power Group Vietnam đã cho thấy sự lớn mạnh bởi sở hữu được hệ sinh thái đa dạng với tiềm lực thực sự, khi tập đoàn này cùng các công ty thành viên đã sở hữu hàng loạt dự án năng lượng tái tạo có quy mô và vốn đầu tư lớn. Cụ thể, như: CTCP Chân Mây LNG, CTCP Năng Lượng BS Việt Nam, CTCP Đầu tư Đoàn Sơn Thủy, CTCP Năng Lượng Tái Tạo Việt Nam, CTCP Năng Lượng Tái Tạo Việt Nam Việt, CTCP Đầu tư Sơn Thủy ,…

Điều đặc biệt, nữ doanh nhân Trần Thị Hương Hà là hạt nhân của hệ sinh thái Wealth Power Group Vietnam khi góp vốn và/hoặc nắm giữ vị trí cấp cao tại hàng loạt công ty thành viên.

Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, năm 2019 Wealth Power Group báo lỗ thuần ở mức 1,58 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này cùng đạt 21,4 tỷ đồng, tăng gấp 2,14 lần so với thời điểm đầu năm.

Do vậy, để hiểu rõ hơn về tiềm lực Wealth Power Group phải đề cập đến tình hình tài chính của các doanh nghiệp cốt lõi.

Bí ẩn 'hệ sinh thái' và nhà đầu tư đề xuất dự án Chân Mây LNG vốn đầu tư lên đến 6 tỷ USD - Ảnh 1

CTCP Đầu tư Sơn Thủy: Đây là cái tên nổi danh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khi sở hữu Nhà máy điện mặt trời Phong Điền 2 với tổng vốn đầu tư  khoảng 120 tỷ đồng. Nhưng trong 2019 vừa qua công ty này ghi nhận không có doanh thu và  lỗ thuần hơn 389 triệu đồng. Tính đến hết 2019, vốn chủ sở hữu (299,4 tỷ) chiếm 73,4%, phần còn lại 26,6% là nợ phải trả.

CTCP Năng lượng Tái tạo Việt Nam: Doanh nghiệp này cũng hoạt động trong lĩnh vực về sản xuất và kinh doanh điện, đầu tư nhà máy điện mặt trời. Trong năm 2019, doanh nghiệp này ghi nhận khoản lỗ thuần 482,5 triệu đồng, khiến tổng tài sản/vốn chủ sở hữu Năng lượng Tái tạo Việt Nam giảm xuống còn hơn 249 tỷ đồng.

Tương tự, CTCP Năng Lượng Tái Tạo Việt Nam Việt, với khoản lỗ thuần gần 253,5 triệu đồng đã đẩy tài sản/vốn chủ sở hữu công ty xuống hơn 199,7 tỷ đồng vào cuối năm ngoái.

Về thẩm định năng lực tài chính của nhà đầu tư, theo quy định pháp luật hiện hành, chủ đầu tư dự án LNG Chân Mây cần ít nhất 15% vốn tự có - vào khoảng 900 triệu USD, tương đương chừng 20.000 tỷ VND. Do vậy, cái tên CTCP Chân Mây LNG, cùng các cổ đông góp vốn vẫn còn là ẩn số với phần đa công chúng.

Với tình hình kinh doanh trên cho thấy, để được chấp thuận đầu tư dự án LNG Chân Mây, nhóm Wealth Power Group cùng đối tác Mỹ sẽ còn rất nhiều việc phải làm, một trong số đó là phải chứng minh được năng lực tài chính.

CTCP Chân Mây LNG và nữ "đại gia" đứng sau dự án điện khí 6 tỷ USD 

Về CTCP Chân Mây LNG, Tính đến ngày 20/5/2020, Chân Mây LNG gồm 2 cổ đông đến từ Hoa Kỳ là Tran Si Chuong (9%) và ông Rockhold John Paul France (51%). Một dữ liệu ít ỏi cho thấy cách đó vài ngày (cụ thể là ngày 7/7/2020), Wealth Power Group Vietnam nắm 29% vốn Chân Mây LNG.

Trước đó, ngày 7/5/2020, cơ cấu cổ đông của Chân Mây LNG có sự xuất hiện của một pháp nhân trong nước là CTCP Tập đoàn Wealth Power Việt Nam (Wealth Power Group Vietnam) với tỷ lệ sở hữu 29% VĐL. Được biết, Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật hiện nay của Wealth Power Group Vietnam cũng do bà Trần Thị Hương Hà đảm nhiệm.

Bà Trần Thị Hương Hà  
Bà Trần Thị Hương Hà  

Không loại trừ khả năng con số sở hữu của nhóm Wealth Power Group Vietnam có thể lớn hơn, bởi lẽ dự án của Chan May LNG được đầu tư dưới hình thức đầu tư tư nhân với vốn sở hữu 60% Hoa Kỳ, 40% Việt Nam.  Do đó, không loại trừ khả năng phần vốn còn lại (11%) của Chân Mây LNG sẽ thuộc sở hữu bởi các cá nhân/pháp nhân có liên quan đến nữ "đại gia" Trần Thị Hương Hà.

Không dừng lại ở năng lượng tái tạo, hệ sinh thái của Wealth Group Vietnam còn bao gồm lĩnh vực địa ốc với CTCP Đầu tư Bất động sản Wealth Land. Đây là doanh nghiệp 2 tháng tuổi (cụ thể ra đời vào tháng 7/2020), vốn điều lệ 20 tỷ đồng, được góp vốn bởi nhiều cổ đông quen mặt: Trần Xuân Hậu (15%), Nguyễn Văn Quý Ngọc (30%), Tống Phan Long (15%), Trương Bửu Ngọc (30%) và Trần Thị Hương Hà (25%).  

Được biết, bà Trần Thị Hương Hà là một nhà đầu tư và nhà phát triển có kinh nghiệm thực hiện 3 dự án năng lượng mặt trời ở miền Trung Việt Nam. Đồng thời bà có kinh nghiệm dồi dào trong việc khởi tạo và hoàn thành các dự án năng lượng ở cấp địa phương và quốc gia. Bà Hà có hơn 20 năm kinh nghiệm làm kế toán trưởng Tập đoàn VNPT và tốt nghiệp Đại học Bưu chính Viễn thông.

Ngoài các doanh nghiệp trên, bà Trần Thị Hương Hà còn đứng tên một số công ty khác như: CTCP Thương mại và Xây dựng Đoàn Sơn Thủy, CTCP Năng lượng Hà Linh Gia Lai.

Dự án điện khí Chân Mây được triển khai qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 nhà đầu tư sẽ xây dựng 3 tổ máy với tổng công suất 2.400MW, và dự kiến đưa vào vận hành thương mại giai đoạn 2024-2026.

Giai đoạn 2 sẽ xây dựng 2 tổ máy với tổng công suất 1.600MW, vận hành thương mại giai đoạn 2026-2028. Sản lượng điện trung bình hằng năm cho 1 tổ máy 4.800 triệu kWh.

Theo kết quả nghiên cứu, đánh giá của đơn vị tư vấn, dự án dự kiến được đặt ở vị trí hết sức thuận lợi về mặt hạ tầng. Có cảng biển nước sâu Chân Mây được đầu tư 3 bến cảng với độ sâu khoảng 15m và đê chắn sóng dài 450m, kết cấu nền móng vùng nước cảng biển đảm bảo cập tàu 100.000 tấn; nhà máy dự kiến được đặt giữa bến cảng nước sâu và các mạch đường dây 500kV, trong tổng khoảng cách dưới dưới 10km. Các chuyên gia cho rằng, đây là một trong những dự án có hiệu quả kinh tế, tính khả thi rất cao khi được phép triển khai. 

Hà Lê

Theo Sở hữu trí tuệ