Nhiều dự án bất động sản tại TP.HCM chuẩn bị tái khởi động
Theo báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC), nhiều dự án bất động sản tại TP.HCM đang có dấu hiệu tái khởi động. Sự hồi phục của thị trường này cũng trở nên rõ ràng hơn sau một thời gian dài bị siết chặt.
HSC phân tích về ngành bất động sản cho thấy thị trường bất động sản TP.HCM bắt đầu có nhiều dự án khởi động trở lại. Năm nay, nhu cầu về bất động sản tiếp tục gia tăng trong khi nguồn cung mới hạn chế, và tình trạng này có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong 2 - 3 năm tới do thủ tục pháp lý bị siết chặt. Tuy nhiên, do TP.HCM đang phát triển nhiều dự án quy mô lớn cho nên đơn vị này dự báo nguồn cung căn hộ có thể tăng với tốc độ gộp bình quân năm là 30% trong giai đoạn 2021 - 2022 và tỷ lệ hấp thụ có thể ở mức cao trên 90%.
Nhiều dự án lớn dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trở lại gồm Bason (số 2 Nguyễn Hữu Cảnh), Vinhomes Grand Park (Quận 9), Gem Riveside (Quận 2), Mesa Thạnh Mỹ Lợi (Quận 2) và dự án Long Beach (Huyện Cần Giờ).
Ngoài ra, một số nhân tố vĩ mô tích cực cũng đang hỗ trợ nhu cầu trên thị trường bất động sản trong tương lai. Các sản phẩm nhà ở sẽ trở thành những khoản đầu tư ngắn hạn hấp dẫn dành cho nhiều nhóm nhà đầu tư.
Trên thực tế, thị trường bất động sản TP.HCM những ngày gần đây bắt đầu rục rịch khởi sắc trở lại với nhiều dự án bung hàng mở bán dịp cuối năm, thậm chí cả những thị trường vùng ven TP.HCM đang diễn ra khá sôi động, và cũng là những khu vực đem lại nguồn cung chính cho thị trường.
Báo cáo của HSC cũng cho rằng, trước đây, nhiều doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM tập trung vào phân khúc cao cấp và hạng sang có tỉ suất sinh lời cao. Thông thường phân khúc căn hộ cao cấp đem lại tỉ suất lợi nhuận gộp 30 - 50%.
Nguyên nhân là do nhu cầu ở phần khúc trung cấp rất cao nhờ tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng tại các thành phố lớn, tốc độ đô thị hóa cao và đáng chú ý là nhu cầu căn hộ dịch vụ dành cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng tăng mạnh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của đơn vị này, nguồn cung phân khúc nhà ở bình dân và trung cấp vẫn chưa được đáp ứng đủ nhu cầu. Bởi theo các số liệu thống kê, trong 10 năm qua, tổng số hộ gia đình tại TP.HCM đã tăng thêm 734.092 hộ.
Với giả định số hộ gia đình trung lưu chiếm 28,4% tổng số hộ gia đình tại TP.HCM thì nhu cầu nhà ở của các hộ gia đình trung lưu trong 10 năm qua là khoảng 208.482 căn. Tuy nhiên, tổng nguồn cung nhà ở phân khúc trung cấp (theo thống kê của CBRE) chỉ là 105.830 căn (bằng 50% tổng nhu cầu ước tính).
Đáng chú ý, khoảng cách giữa nhu cầu và lượng cung ở phân khúc bình dân thậm chí còn lớn hơn với tổng nhu cầu là 700.000 - 800.000 căn trong khi tổng nguồn cung trong 10 năm qua chỉ đạt khoảng 46.651 căn.
Do đó, sức hấp thụ tại thị trường TP.HCM, đặc biệt là phân khúc bình dân và trung cấp sẽ vẫn khả quan trong vài năm tới.
Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, việc kiểm soát thành công đại dịch đang khiến các nhà đầu tư chuyển từ sự tò mò sang việc quan tâm nghiêm túc, với nhu cầu và lượng giao dịch thị trường vốn đang gia tăng. Trong trung hạn, nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản, cụ thể, Ngân hàng đang hành động tích cực đối với nợ xấu và quy trình đấu giá đất của Nhà nước đang ngày càng định hình rõ ràng hơn. Các yếu tố này sẽ góp phần tăng tính thanh khoản và tạo một thị trường bất động sản năng động hơn.
Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, thực tế đây là thời điểm thích hợp để vào thị trường với những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, lý do hiện có khá nhiều tài sản của nhà đầu tư khác đang bị áp lực tài chính và cần bán ra. Họ hi vọng những tài sản được mua lại này khi thị trường phục hồi thanh khoản sẽ tốt.