BIC năm 2025: Lợi nhuận trên 700 tỷ, tăng vốn điều lệ vượt 2.000 tỷ
Bảo hiểm BIC dự kiến tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đặt mục tiêu lợi nhuận 2025 đạt 710 tỷ đồng, cùng với đó phát hành thêm 84 triệu cổ phiếu để tăng vốn hơn 72%
Ngày 8/5, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BIC) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 với nhiều nội dung quan trọng về mục tiêu kinh doanh, chia cổ tức, phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ…
Cụ thể, trên cơ sở xem xét các kết quả năm 2024 và các năm trước đó, HĐQT bảo hiểm BIC đặt mục tiêu doanh thu phí bảo hiểm 2025 đạt 5.600 tỷ, tăng trên 10% so với năm 2024. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế tiếp tục được HĐQT kỳ vọng, giao cho ban điều hành mức 710 tỷ đồng, tăng thêm 9,2% so với con số 650 tỷ năm 2024.
“Chúng tôi luôn đặt mục tiêu cao cho ban điều hành, chỉ tiêu năm sau cao hơn năm trước, dự là các anh chị sẽ rất áp lực và vất vả để thực hiện được”, ông Trần Xuân Hoàng, Chủ tịch HĐQT BIC chia sẻ.

Về việc tăng vốn, Ban lãnh đạo BIC chia sẻ đây là một đòi hỏi cấp thiết nhằm tăng năng lược cạnh tranh, mở rộng thị trường, tăng năng lực tài chính, và đặc biệt đáp ứng quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm trong thời gian sắp tới.
Theo đó, BIC sẽ phát hành gần 84,8 triệu cổ phiếu với tổng giá trị phát hành dự kiến là hơn 847,9 tỷ đồng. Dự kiến, khi thực hiện xong phương án này vốn điều lệ của BIC sẽ tăng từ 1.173 tỷ lên hơn 2.020 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 72%.
Nguồn phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu của công ty theo báo cáo tài chính năm 2024 bao gồm thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Thời gian thực hiện trong năm 2025, sau khi được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
Cũng tại đại hội, ban lãnh đạo BIC cho biết dự kiến sẽ bỏ ra gần 176 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt, tương ứng với tỷ lệ 15% từ nguồn các quỹ, lợi nhuận còn lại năm 2024 BIC là gần 424 tỷ đồng, sau khi đã trích lập.
Ngoài ra, BIC dự kiến chi trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10% trong năm 2025 với mức vốn sử dụng tương ứng.
Chia sẻ về mục tiêu kinh doanh 2025 đề ra với các cổ đông, ông Trần Hoài An, Tổng Giám đốc BIC đánh giá, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ sẽ cạnh tranh gay gắt hơn với sự tham gia của các ngân hàng VPBank, Techcombank và đây là kết quả tất yếu trong sự phát triển hệ sinh thái tài chính bảo hiểm.
Tuy nhiên, ông An tự tin đối với BIC, chúng tôi đi theo lộ trình, các sản phẩm bảo hiểm khách hàng cá nhân, so với mọi năm tăng trưởng có thể không bằng, nhưng vẫn ghi nhận tăng trưởng hơn so với cùng kỳ. Chưa kể, sau thời gian chững lại của bancassurance, BIC sẽ tập trung vào mảng bán lẻ (sức khoẻ, vật chất xe) và tài sản kỹ thuật. Kết quả 4 tháng đầu năm 2025, các chỉ số kinh doanh liên quan đến các mảng nghiệp vụ này đều tốt.
“Quan điểm xuyên suốt của ban lãnh đạo chúng tôi là tăng trưởng chậm, đều qua các năm nhưng bước đi chắc chắn”, ông An nói thêm.

Trước câu hỏi của cổ đông về vấn đề nổi cộm gần đây đó là trục lợi bảo hiểm, CEO của BIC cho rằng, đây là vấn đề được công ty rất quan tâm nhằm bảo vệ quyền lợi của các khách hàng tham gia bảo hiểm chân chính và chính DN bảo hiểm.
Ông An phân tích, với mảng bảo hiểm sức khoẻ cứ mỗi 6 tháng BIC lại rà soát một lần với các cơ sở y tế, bệnh viện trong hệ thống bảo lãnh của công ty, nếu phát hiện có dấu hiệu, thì kiên quyết loại ra khỏi hệ thống bảo lãnh. Tương tự với mảng bảo hiểm vật chất xe, các garage sửa chữa cũng được hệ thống kiểm tra, rà soát sớm để có biện pháp cảnh báo và xử lý.
“Biện pháp cuối cùng nếu phát hiện chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ qua cơ quan Công an để tiếp tục làm rõ. Trong năm qua BIC chưa phát hiện vụ việc nào trục lợi bảo hiểm”, ông An khẳng định.
Trả lời thêm về vấn đề trục lợi, ông Trần Xuân Hoàng, Chủ tịch HĐQT BIC cho biết, công ty triển khai song song giải pháp. Thứ nhất, thường xuyên rà soát, kiểm tra các quy trình bồi thường, khác thác bồi thường để chủ động nắm bắt và điều chỉnh. Thứ hai, đề cao công tác hậu kiểm, nhằm sớm phát hiện các hồ sơ nghi vấn trục lợi giữa người tham gia và cán bộ bảo hiểm.