Biến động nhà cựu Thứ trưởng Kim Thoa: Nhận về triệu USD, bay mất trăm tỷ
- Hàng loạt biến cố xảy ra trong năm 2017 khiến gia đình cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thị Kim Thoa biến động mạnh. Tài sản nhà bà chủ Bóng đèn Điện Quang cũng trồi sụt liên tục, có thời điểm mất hàng trăm tỷ đồng.
Tỷ lệ chi phối, kiếm triệu USD
Diễn biến trái ngược với thị trường chứng khoán (TTCK), cổ phiếu CTCK Bóng đèn Điện Quang (DQC) lại thêm những phiên giảm điểm. Thêm một lần nữa, tài sản nhà bà Hồ Kim Thoa trồi tụt trăm tỷ.
Theo báo cáo quản trị mới nhất, năm 2017, nhà cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa vẫn nắm giữ hơn 34% cổ phần tại CTCK Bóng đèn Điện Quang (DQC). Trong đó, bà Hồ Thị Kim Thoa nắm giữ gần 1,7 triệu cổ phần DQC (4,91%).
Em trai bà Thoa - ông Hồ Quỳnh Hưng, chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Điện Quang - hiện nắm giữ 7,33%. Mẹ ông Hưng và bà Thoa - bà Trần Thị Xuân Mỹ - sở hữu 3,56%.
Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa
Hai con gái của bà Hồ Thị Kim Thoa vẫn nắm giữ các vị trí quan trọng tại Bóng đèn Điện Quang và một lượng lớn cổ phiếu tại doanh nghiệp này. Bà Nguyễn Thái Nga hiện là thành viên HĐQT kiêm phó TGĐ và nắm giữ hơn 12% cổ phần DQC. Bà Nguyễn Thái Quỳnh Lê sở hữu gần 6,5% cổ phần và là giám đốc dự án của DQC.
Ngay trong những ngày đầu năm mới 2018 và cuối năm cũ Đinh Dậu, nhà bà Hồ Thị Kim Thoa nhận một lượng cổ tức trị giá hàng chục tỷ đồng.
Thông tin từ Sở GDCK TP.HCM (HOSE) cho biết, DQC tạm ứng cổ tức đợt 1 trong năm 2017 bằng tiền mặt với tỷ lệ là 15% (mỗi cổ phiếu nhận 1.500 đồng). Nhà bà Thoa đang nắm giữ gần 11,8 triệu cổ phần DQC, do vậy sẽ thu về khoảng 18 tỷ đồng. Thời gian thanh toán vào ngày 29/1/2018.
Như vậy, với 5 thành viên chính, gia đình cựu thứ trưởng Thoa mỗi người thu về một vài trăm ngàn đô trong đợt chi trả cổ tức này. Trong năm 2016, nhà gia đình Thứ trưởng Kim Thoa vẫn nhận hàng chục tỷ đồng cổ tức từ DQC.
Kinh doanh khó khăn, mất vài trăm tỷ
Mặc dù chia cổ tức vẫn khá ấn tượng, tạm ứng đã được 15%, nhưng tình hình kinh doanh của Bóng đèn Điện Quang kém tươi sáng so với trước đây.
Báo cáo DQC vừa gửi Sở GDCK TP.HCM cho thấy, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của doanh nghiệp giảm gần 50% xuống còn 110 tỷ đồng. Giá cổ phiếu DQC cũng giảm khoảng 36% trong 1 năm qua, trái ngược với xu hướng tăng như vũ bão của TTCK. Tài sản của nhà bà Thoa giảm mạnh từ khoảng 650 tỷ đồng cách đây 1 năm xuống còn 410 tỷ đồng.
Trên thực tế, kết quả kinh doanh ủa Bóng đèn Điện Quang được dự báo từ trước. Một số công ty chứng khoán đã cảnh báo về những khó khăn mà doanh nghiệp này đã và đang đối mặt, bao gồm sự canh trạnh gay gắt từ sản phẩm Trung Quốc giá rẻ và nguồn thu từ Cuba sụt giảm.
Cả 2 dòng sản phẩm đèn truyền thống và đèn LED đều phải giảm giá để cạnh tranh với các sản phẩm Trung Quốc giá rẻ hơn nhằm giữ thị phần. Đây là lý do khiến doanh thu của Điện Quang dù vẫn tăng trưởng nhưng lợi nhuận lại giảm sâu.
Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động tài chính còn chưa tới 18 tỷ, giảm 60% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là doanh thu tài chính từ khách hàng Cuba không còn và không còn được ghi nhận trong năm 2017.
Những biến động bất lợi của Bóng đèn Điện Quang và giá cổ phiếu DQC thời gian qua cũng gắn liền với những biến cố liên quan với bà Thoa.
Trong năm 2017, xu hướng chủ đạo của cổ phiếu DQC là đi xuống. Tốc độ giảm mạnh nhất là trong tháng 7, sau khi giới đầu tư đón nhận thông tin kỷ luật bà Hồ Thị Kim Thoa. Đến ngày 16/8/2017, bà Thoa chính thức nghỉ chức Thứ trưởng.
Với tình hình kinh doanh khó khăn như hiện tại, tỷ lệ chia cổ tức 15% (mới chỉ là tạm ứng) được cho là khá cao. Tổng số tiền chi trả cho đợt tạm ứng cổ tức này rơi vào khoảng 48 tỷ đồng.
Tuy nhiên, câu chuyện tương lai và giá của cổ phiếu DQC biến động như thế nào mới là điều được nhiều người quan tâm.
2017 là một năm khó khăn với CTCP Bóng đèn Điện Quang. Cổ phiếu này giảm một nửa trong khi đó, chỉ số VN-Index tăng 50%. Gần đây, DQC cũng mua thêm gần 660 ngàn cổ phiếu quỹ (giá trị khoảng 26 tỷ đồng), nâng tổng số lên 3,1 triệu cổ phiếu. Đây là động thái nhằm nâng đỡ giá cổ phiếu, song đây chỉ là biện pháp tạm thời nếu kết quả kinh doanh chưa được cải thiện.
Bài toán tăng trưởng trong ngắn hạn vẫn là thách thức đối với doanh nghiệp này. Khó khăn lớn nhất là khả năng cạnh tranh suy giảm, nhất là với DN Trung Quốc có năng lực sản xuất quy mô lớn và tính chuyên môn hóa cao.
Cơ hội còn lại đối với DQC chính là thị trường đèn LED tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Nếu mở rộng được quy mô và giảm được giá thành, DQC vẫn có thể gia tăng mạnh doanh thu và qua đó cải thiện được lợi nhuận.
Theo H. Tú
Vietnamnet
Link nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/bien-dong-nha-cuu-thu-truong-kim-thoa-nhan-ve-trieu-usd-bay-mat-tram-ty-426846.html