Bình Thuận: Dự án khu đô thị 11.000 tỷ đồng tìm chủ đầu tư
UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản mời gọi các nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị thương mại, dịch vụ mới Hàm Tiến - Mũi Né (khu III).
Theo đó, khu đô thị thương mại, dịch vụ mới Hàm Tiến - Mũi Né (khu III) được xác định là khu đô thị mới với các khu nhà ở riêng lẻ, nhà phố kết hợp thương mại dịch vụ có công năng phục vụ hỗn hợp, chung cư (nếu có), nhà ở xã hội... (để bán, cho thuê, cho thuê mua) đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hệ thống hạ tầng xã hội với các công trình công cộng, công trình thương mại - dịch vụ, y tế, giáo dục, công viên cây xanh; các công trình dịch vụ lưu trú, khách sạn để kinh doanh bất động sản.
Quy mô đầu tư của khu đô thị với dân số dự kiến khoảng 15.000 người và đầu tư xây dựng khu đô thị mới với tổng diện tích sử dụng đất gần 220ha. Phía Bắc khu đất giáp khu nông nghiệp, lâm nghiệp thuộc xã Thiện Nghiệp; phía Nam giáp khu đất nông nghiệp hiện trạng, dự án bùn khoáng Sao Mai, phường Hàm Tiến; phía Tây Nam giáp dự án Sealinks Mũi Né - Việt Nam; phía Đông Nam giáp đường Võ Nguyên Giáp, phường Hàm Tiến.
Về hiện trạng khu đất, đất do Nhà nước quản lý (đã giải phóng mặt bằng) diện tích 51,47 ha; đất có nguồn gốc do Nhà nước quản lý (chưa giải phóng mặt bằng) diện tích 17,55 ha; đất có nguồn gốc của dân chưa giải phóng mặt bằng diện tích gần 150ha.
Thời hạn, tiến độ đầu tư dự kiến 10 năm kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc quyết định chấp thuận nhà đầu tư. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Tiến độ đầu tư kéo dài 10 năm kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn hoặc quyết định chấp thuận nhà đầu tư. Để tham gia dự án, nhà đầu tư cần đáp ứng yêu cầu vốn chủ sở hữu tối thiểu là 1.811,57 tỷ đồng, tương đương 15% tổng mức đầu tư của dự án.
Về kinh nghiệm, nhà đầu tư phải từng tham gia các dự án có trị giá tương đương với 50-60% tổng mức vốn tại Khu đô thị thương mại, dịch vụ mới Hàm Tiến – Mũi Né (tùy vào từng loại dự án mà nhà đầu tư đã tham gia).
Trước đó, tỉnh Bình Thuận cho biết sẽ tiến hành đấu thầu để tìm nhà đầu tư. Đơn vị trúng thầu có trách nhiệm lập phương án phân kỳ hoặc phân chia dự án thành phần, đảm bảo hiệu quả đầu tư, tính khả thi và phù hợp với quy hoạch.
UBND Tp.Phan Thiết phải phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án; chủ trì, phối hợp với nhà đầu tư trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và hoàn thiện các thủ tục về đất đai, xây dựng.