Bịt lỗ hổng hành lang pháp lý lĩnh vực đất đai có ngăn ngừa hành vi biến đất công thành đất tư?

Nếu lỗ hổng hành lang pháp lý không được bịt lại thì việc ngăn ngừa hành vi tương tự trong tương lai rất khó khăn.

Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có nhiều quan chức ở các địa phương bị đưa ra truy tố liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai. Hệ lụy của những vụ án này là không hề nhỏ và nó đã tác động, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, an ninh xã hội cũng như niềm tin của người dân.

Nhiều quan chức lãnh đạo tỉnh Bình Thuận bị bắt liên quan đến dự án Tân Việt Phát 2
Nhiều quan chức lãnh đạo tỉnh Bình Thuận bị bắt liên quan đến dự án Tân Việt Phát 2

Ngày 10/2, Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Hai (sinh năm 1962, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Đồng thời, cơ quan điều tra bắt tạm giam 4 cựu cán bộ của tỉnh gồm ông Lương Văn Hải (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh), Hồ Lâm (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), Lê Nguyễn Thanh Danh (cựu Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) và Ngô Hiếu Toàn (Phó giám đốc Sở Tài chính).

Bộ Công an cho biết việc khởi tố 5 bị can trên diễn ra trong quá trình thực hiện quyết định của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về phân công giải quyết nguồn tin về tội phạm tại 9 dự án đất đai, đầu tư phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vụ án khởi tố hình sự với tội danh “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại các dự án đất đai, đầu tư phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Gần đây, ngày 13/4, sau 6 ngày xét xử, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên án đối với 7 bị cáo là các cựu quan chức địa phương này về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo quy định tại khoản 3, Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức án từ gần 3 năm đến hơn 5 năm tù giam.

Đây là vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại khu vực Núi Chín khúc, thuộc địa bàn TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Trong thời gian từ năm 2012-2015, các bị cáo đã có các hành vi giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trái pháp luật tại 2 dự án trên cho Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa làm chủ đầu tư.

Đáng nói hơn, trong số các bị cáo có tới 2 cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa của 2 nhiệm kỳ. Là những người đứng đầu địa phương, sở ngành liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý đất đai, họ nắm bắt được quy hoạch đất đai, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh nhưng đã ký nhiều quyết định giao đất, sử dụng đất, cấp GCNQSDĐ, miễn tiền thuê đất trái pháp luật.

Việc vi phạm các quy định về quản lý đất đai không chỉ gây thất thoát tài sản của Nhà nước mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhân dân đối với chủ trương chính sách, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; khiến môi trường đầu tư kinh doanh kém minh bạch.

Theo Luật Đất đai 2013, Nhà nước trao quyền sử dụng đất bằng quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định GCNQSDĐ… Việc quyết định quyền sử dụng đất (là một quyền tài sản) bằng một quyết định hành chính do một người là đại diện cơ quan hành chính Nhà nước ban hành. Lợi dụng quy định này, nhiều lãnh đạo dễ rơi vào thế trận của cơ chế xin - cho, nảy sinh tình trạng tham nhũng.

Thực tế, Luật Đất đai chỉ quy định việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất chứ chưa quy định, bắt buộc phải đấu giá đối với đất do doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng khi chuyển mục đích sử dụng đất. Do đó, hiện có rất nhiều địa phương tìm cách lách luật bằng cách cho thuê đất, lập dự án cho hoạt động thương mại dịch vụ, có thời hạn sử dụng đất là 50 năm rồi sau một, hai năm cho phép sử dụng lâu dài, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, để tránh phải đấu giá đất.

Chưa hết, quy định về đối tượng được giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá chưa cụ thể. Đây cũng là “lỗ hổng” tiếp tay cho những sai phạm của các quan chức trong việc ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền, không qua đấu giá đấu thầu, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên, tài sản và ngân sách Nhà nước.

Hiện tượng nhiều dự án “xí chỗ” để chiếm đất tại các vị trí đắc địa và hàng loạt dự án lên tới hàng trăm ha để hoang hoá nhiều năm cũng không còn là cá biệt. Nhiều dự án treo, sử dụng sai mục đích đang phải thanh kiểm tra ở các địa phương.

Để tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai nhất là những cá nhân, doanh nghiệp có quỹ đất nhưng không có tài chính có thể kết hợp với những cá nhân doanh nghiệp có nguồn tài chính dồi dào nhưng lại không có quỹ đất cùng nhau phát triển sản xuất kinh doanh.

Như vậy, tài sản là quyền sử dụng đất có thể dùng để góp vốn vào doanh nghiệp, quyền sử dụng đất đó được chuyển từ người góp vốn sang cho doanh nghiệp và trở thành tài sản của doanh nghiệp, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chính điều này là kẽ hở lớn để nhóm lợi ích biến đất công về tay của tư nhân với giá rẻ thông qua chiêu thức phổ biến là góp vốn thành lập những doanh nghiệp liên doanh công - tư, rồi thoái vốn bằng cách chuyển nhượng cổ phần.

Hàng loạt vụ án lớn liên quan đến đất đai thời gian qua cho thấy, rất khó ngăn ngừa hành vi tương tự xảy ra trong tương lai nếu như không bịt được “lỗ hổng” của pháp luật và việc sửa đổi Luật Đất đai càng trở nên cấp bách.

Việc hoàn thiện hành lang pháp lý lĩnh vực đất đai sẽ là công cụ đảm bảo sự vận hành của các quan hệ kinh tế, dân sự theo pháp luật, đồng thời bịt lỗ hổng đang bị lợi dụng trục lợi trong lĩnh vực đất đai.

T.L

Theo Chất lượng và cuộc sống