Bộ trưởng Bộ GTVT: Nhượng quyền thu phí, đấu giá quyền thu phí dự án giao thông
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, để thu hút đầu tư PPP cho các dự án hạ tầng giao thông cần đẩy mạnh thu hút nguồn vốn doanh nghiệp thông qua triển khai hình thức nhượng quyền thu phí và đấu giá quyền thu phí.
Phát biểu tại phiên chất vấn của ĐBQH sáng 7/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng, để thu hút đầu tư PPP, điều quan trọng là cần thay đổi tư duy khi mời gọi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chuẩn bị hoàn thiện các điều kiện để cùng các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thu hút nguồn vốn doanh nghiệp thông qua triển khai hình thức nhượng quyền thu phí và đấu giá quyền thu phí.
"Đây là một nội dung đã đặt ra và thực tế nhiều dự án hiện nay chúng ta có khả năng để đấu giá quyền thu phí để doanh nghiệp tham gia vào đoạn sau và Nhà nước rút vốn ra để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông", ông Thắng cho hay.
Để thu hút đầu tư tư nhân trong các dự án PPP, đại biểu Phạm Thúy Chinh bày tỏ không đồng tình với ý kiến cho rằng, chỉ cần nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP là sẽ thu hút được các nhà đầu tư tư nhân.
Theo đại biểu, nếu quá tập trung vào việc nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP sẽ dễ trở thành một hình thái khác của đầu tư công. Một trong những việc Nhà nước cần làm là đảm bảo thực hiện đúng những cam kết của mình trong các dự án PPP.
Các nghĩa vụ này được thực hiện thông qua việc Nhà nước sẽ mua lại dự án trong trường hợp do lỗi của nhà nước, bảo đảm cam kết cân đối vốn, chia sẻ khi giảm doanh thu. Các vấn đề này đã được quy định tại luật PPP, khi và chỉ khi nhà nước thực hiện đầy đủ các cam kết của mình thì mới thu hút được đầu tư tư nhân.
Trả lời về vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua, Luật PPP đã được ban hành, tuy nhiên cũng chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân thứ nhất do hiện nay, đầu phương tiện cả nước chỉ có 5,2 triệu ô tô và phân bố không đồng đều. Riêng Hà Nội và TP. HCM đã chiếm xấp xỉ 50%, 61 tỉnh, thành phố còn lại chiếm khoảng hơn 40%. Đây là một yếu tố dẫn đến việc thu hút các dự án PPP cũng khó khăn hơn.
Nguyên nhân thứ hai, trong giai đoạn 2016, có 70 dự án PPP, tuy nhiên hiện nay có rất nhiều dự án đang có những vướng mắc mà chưa thể tháo gỡ được và cũng ảnh hưởng đến niềm tin của các doanh nghiệp.
Ông Thắng dẫn chứng, rất nhiều những hợp đồng, những dự án BOT đến thời điểm được tăng phí theo hợp đồng nhưng mà cũng chưa được phép tăng phí vì liên quan đến những vấn đề điều hành giá và điều hành chỉ số CPI.
Cũng theo Bộ trưởng, đằng sau các doanh nghiệp chính là các ngân hàng. Khi các ngân hàng thấy được những rủi ro thì rất khó để khuyến khích các ngân hàng tham gia vào các dự án. "Nếu không có ngân hàng tham gia thì chắc chắn các doanh nghiệp không thể triển khai thực hiện được vì các dự án PPP đều là những dự án có nguồn vốn đầu tư rất lớn.
Về giải pháp, Bộ trưởng Thắng cho biết hiện đang phối hợp với các bộ, ngành để từng bước tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội. Một trong những yếu tố thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào các dự án PPP là tăng tỷ lệ vốn nhà nước, tuy nhiên đó không phải là yếu tố quyết định.
"Theo kinh nghiệm từ một số quốc gia, nhiều nước không khống chế tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án. Còn đối với những dự án mà tốt mà có khả năng thu hồi được vốn cao, lưu lượng cao thì thậm chí Nhà nước chỉ tham gia 20-30%", ông Thắng nói.