Cá nhân góp vốn 500.000 tỷ: Bất thường, phi thực tế

Nhận định đều cho rằng, việc một cá nhân có khả năng huy động tới 500.000 tỷ trong 90 ngày là phi thực tế, khó thuyết phục.

Cẩn trọng

Liên quan tới việc Nguyễn Vũ Quốc Anh, sinh năm 1986 vừa nộp hồ sơ đăng ký chứng nhận kinh doanh tại nhiều doanh nghiệp, với tổng số vốn điều lệ lên đến 525.100 tỷ đồng trong một ngày, Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM đã báo cáo Bộ Công an và Công an TP.HCM. Cơ quan này cũng khẳng định, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, mọi người đang cực kỳ bận rộn để khắc phục hậu quả thì sự cố tình làm sai để đùa giỡn pháp luật rất vô ý thức.

Cá nhân góp vốn 500.000 tỷ: Bất thường, phi thực tế - Ảnh 1
Ngôi nhà được cho là của giám đốc 8X góp vốn khủng đang ở. ảnh: TPO

Bình luận thêm về vụ việc, các luật sư cũng lên tiếng cảnh báo cẩn thận với các chiêu lừa đảo, mượn danh doanh nghiệp để khuếch trương thanh thế.

Trao đổi với Đất Việt, LS Trương Xuân Tám cho biết, việc một cá nhân đứng tên thành lập hàng loạt các công ty, trong đó có công ty lên tới 500.000 tỷ đồng là một hiện tượng bất thường.

Hiện tượng này từng xảy ra vào cuối năm 2020, với một doanh nghiệp ở Hà Nội khi đăng ký số vốn điều lệ lên tới 144.000 tỷ đồng gây xôn xao. Sau đó, những cá nhân liên quan đã phải đính chính việc góp vốn trên là do nhầm lẫn, ký trong lúc say rượu.

Ở trường hợp này, vị LS cho biết, Luật Doanh nghiệp quy định các cổ đông khi đăng ký góp vốn không bắt buộc phải góp vốn ngay, không bắt buộc phải chứng minh có khả năng tài chính để thực hiện việc góp vốn. Đây là các quy định nhằm khuyến khích quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Do không quy định bắt buộc ngày góp vốn cụ thể mà chỉ quy định góp đủ trong vòng 90 ngày, nên điểm d, khoản 3, Điều 113 Luật Doanh nghiệp quy định thêm là trong thời hạn 30 ngày tiếp theo, nếu không góp đủ thì doanh nghiệp phải đăng ký giảm vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp. Đây chính là kẽ hở để thời gian vừa qua nhiều doanh nghiệp đã đăng ký vốn điều lệ lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng trong khi khả năng tài chính thực sự của doanh nghiệp không đủ.

"Quản lý trật tự xã hội là trách nhiệm của nhiều ban ngành. Sở KH-ĐT không có lý do để từ chối một cá nhân hay tổ chức đăng ký thành lập, góp vốn thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ khả năng có những cả nhân sử dụng giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy thành lập doanh nghiệp để khuếch trương thanh thế, thậm chí có ý định lừa đảo. Do đó, việc Sở KH-ĐT TP.HCM đã có động thái báo cho cơ quan công an là rất cần thiết.

Bản thân việc báo cáo này không khẳng định hành vi trên là sai nhưng để giám sát, theo dõi những động thái liên quan tới cá nhân, doanh nghiệp này là rất cần thiết. Ví dụ, có thể có động thái muốn góp vốn hoặc tham gia đầu tư dự án nào... mà mượn danh giấy chứng nhận để đứng ra huy động vốn thì đó là hành vi cần được cảnh báo để các đối tác, nhà đầu tư thận trọng, cân nhắc", ông Tám nói.

Ông Tám cũng nói thêm, từ thông tin ghi nhận của báo chí, ngoài 2 doanh nghiệp trên, cá nhân 8X này, còn đồng đứng tên 3 công ty khác là: Công ty CP Tập đoàn Công cụ Tự động Toàn cầu (GAT Group - lập trình máy tính) vốn điều lệ 100 tỷ đồng (Quốc Anh góp 55% vốn); Công ty CP Tập đoàn Qùa tặng Cao cấp Toàn cầu (GLG Group - bán buôn đồ dùng cho gia đình) vốn điều lệ 50 tỷ đồng (Quốc Anh góp vốn 96%) và Công ty TNHH E-Commerce Headhunter (E-Commerce Headhunter VN - môi giới lao động) vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Trong khi đó, gia thế cá nhân này được cho là bình thường... là thông tin cần phải lưu tâm.

"Hiện tại chưa thể chất vấn, xử lý nhưng có thể nêu lên để khuyến cáo, cảnh báo các đối tác, nhà đầu tư phải cẩn trọng khi lựa chọn hợp tác, làm ăn trong thời điểm doanh nghiệp chưa góp đủ vốn.

Về phía cơ quan chức năng sẽ tiếp tục theo dõi việc góp vốn của doanh nghiệp này như: có khả năng huy động vốn không? Có thể huy động vốn ở đâu? Tài sản bảo đảm là gì?", ông Tám nói.

Ông Tám nhấn mạnh, phải coi đây là hiện tượng đặc biệt cần lưu ý. Ngay cả khi dựa danh các mối quan hệ làm ăn lớn, quan hệ với các tập đoàn uy tín thì cũng không dễ huy động được vốn.

"Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn muốn họ góp vốn phải có chứng nhận đầu tư rõ ràng, được pháp luật chứng nhận và những cam kết, bảo lãnh đúng quy định pháp luật", ông Tám nhận định.

Phi thực tế

Phân tích thêm, LS Trương Anh Tú cho biết, theo hệ thống pháp luật về đăng ký doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay, chỉ có một số ít ngành nghề (khoảng 55 ngành nghề) có quy định về vốn pháp định khi thành lập doanh nghiệp.

Trong số đó, Nhà nước quy định vốn pháp định với số tiền lớn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực tài chính ngân hàng, còn lại doanh nghiệp tự chủ trong vấn đề đăng ký kinh doanh cũng như góp vốn vào doanh nghiệp.

Điều đó dẫn tới hiện tượng chủ doanh nghiệp có xu hướng “thổi phồng” vốn góp vào công ty do mình thành lập. Thông thường, mục đích chỉ là "lấy tiếng", "ra oai", nhưng không loại trừ một số doanh nghiệp có động cơ vụ lợi hoặc là lừa đảo, nhằm tạo niềm tin cho các đối tác trong các giao dịch phi pháp của họ.

Trường hợp doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng này rất đặc biệt. Tất nhiên, ở thời điểm doanh nghiệp đăng ký, Nhà nước không có trách nhiệm phải xác nhận tính chính xác, trung thực của hồ sơ đăng ký mà đó là nghĩa vụ của doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, cơ quan nhà nước phát hiện sai phạm thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Bản thân các tổ chức cá nhân khi làm ăn với những doanh nghiệp có vốn điều lệ rất lớn cũng nên lưu ý: số tiền đó có thực tế không, động cơ, mục đích của ông chủ doanh nghiệp đó là gì để chúng ta có những cách ứng xử cho phù hợp.​

Ông Tú cũng nói thêm về khả năng huy động vốn từ các mối quan hệ với tập đoàn lớn là phi thực tế

"Anh muốn huy động được vốn, anh muốn vay thì anh phải có tài sản đảm bảo. Anh có 10 đồng thì tại thời điểm anh thế chấp tài sản đó người ta chỉ cho anh vay đến 7 đồng thôi. Trong khi, doanh nghiệp mới khởi nghiệp thì lấy đâu ra tài sản lớn như vậy để mà đảm bảo cho khoản vay ngân hàng?

Còn gọi vốn từ các quỹ tín dụng hoặc các quỹ đầu tư mạo hiểm, số tiền thu được tối đa đối với một startup ở Việt Nam như tôi biết cũng khoảng 1.000.000 USD chưa có ai huy động được hơn.

Cho nên trong tình huống này nói rằng có thể huy động 90 ngày mà ra hơn 20.000.000.000 USD là một điều phi lý phi thực tế", vị luật sư phân tích.

Nói về biện pháp xử lý, cả hai vị LS đều cho rằng, quy định hiện nay mới quy quy định mức xử phạt hành chính với hành vi không góp đủ vốn trong 90 ngày. Mức phạt từ 5-10 triệu, đây là mức phạt hướng tới số đông là những doanh nhân trong quá trình làm ăn bị chậm thủ tục, sai thủ tục, chưa hướng tới những trường hợp góp vốn bất thường lên tới hàng trăm nghìn tỷ như trường hợp này.

Lam Lam

Theo Đất Việt