Các 'ông lớn' năng lượng tái tạo toan tính gì?

Được phê duyệt đúng “mùa” ĐHĐCĐ thường niên, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã “hâm nóng” những cuộc thảo luận xung quanh chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp năng lượng tái tạo. Vào thời điểm mang tính “bước ngoặt” này, mỗi doanh nghiệp đã có cho mình một hướng đi riêng để giành lợi thế trong cuộc đua chuyển dịch năng lượng.

Lật mở kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII

Sau gần một năm ngóng đợi, ngày 1/4 vừa qua, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Bản kế hoạch này đã thiết lập cơ sở xây dựng lộ trình tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án/dự án đáp ứng các mục tiêu đã đề ra của Quy hoạch điện VIII, đó là chuyển dịch từ các nguồn điện truyền thống như điện than sang các nguồn điện sạch hơn, nâng tỷ lệ đóng góp của năng lượng tái tạo đạt mức 30,9 - 39,2% vào năm 2030 và lên đến 67,5% - 71,5% vào năm 2050.

Cụ thể, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện III đã đưa ra con số công suất nguồn điện năng lượng tái tạo của các địa phương/vùng và danh mục các dự án nguồn điện tới năm 2030. Trong đó, đứng đầu là thuỷ điện nhỏ với tổng công suất 29.346 MW. Theo sau là điện gió với tổng công suất điện gió ngoài khơi là 6.000 MW, tổng công suất điện gió trên bờ (điện gió trên đất liền và gần bờ) là 21.880 MW. Kế tiếp là điện sinh khối với tổng công suất 1.088 MW rồi điện rác với tổng công suất 1.182 MW. Đáng chú ý, tổng công suất điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) chỉ tăng thêm 2.600 MW. Các tổ chức tài chính đánh giá, điều này đồng nghĩa với việc, từ nay tới năm 2030, “đất” cho các doanh nghiệp phát triển thêm điện mặt trời là rất ít và “miếng bánh” thị phần của ngành năng lượng tái tạo cũng sẽ được phân chia lại.

Bên cạnh đó, việc kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII nêu rõ các dự án nguồn điện, đường dây truyền tải và trạm biến áp cần thực hiện trong 2 giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 đã thể hiện sự ưu tiên và tính quan trọng của từng dự án. Theo các tổ chức tài chính, bản kế hoạch ưu tiên xây dựng đường dây truyền tải điện và trạm biến áp trước khi áp công suất nguồn điện tái tạo vào là tín hiệu cho thấy bước chuẩn bị cho việc ban hành cơ chế giá điện chính thức cho điện tái tạo trong thời gian tới.

Được phê duyệt đúng vào “mùa” ĐHĐCĐ thường niên, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII với những thông tin nói trên đã “hâm nóng” những cuộc thảo luận xoay quanh chiến lược hoạt động của các doanh nghiệp. Thực tế, theo quan sát, tại kế hoạch kinh doanh năm 2024, cả những doanh nghiệp thuần khai thác và vận hành các dự án năng lượng tái tạo như Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (HoSE: TTA), Công ty Cổ phần Helio Energy (UPCoM: HIO) hay những tập đoàn đa ngành như Công ty Cổ phần Bamboo Capital (HoSE: BCG), Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (HoSE: REE), Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (HoSE: ASM), Công ty Cổ phần PC1 (HoSE: PC1)… đều đề cập tới việc sẽ tiếp tục đầu tư và triển khai các dự án mới. Trong đó, điện gió và điện mặt trời vẫn là hai lĩnh vực được ưu tiên. Tuy nhiên, đối với từng lĩnh vực, mỗi doanh nghiệp lại có những mục tiêu và lối đi cho riêng mình.

Ảnh minh hoạ  
Ảnh minh hoạ  
Dồn lực cho điện gió

Là một trong những doanh nghiệp tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên sớm, tại cuộc họp diễn ra ngày 29/3, REE của “nữ tướng” Nguyễn Thị Mai Thanh cho biết sẽ không đầu tư nhiều vào điện mặt trời mà sẽ tập trung vào điện gió. Chủ tịch HĐQT Cơ điện lạnh thông tin nhà máy điện gió ở Trà Vinh của doanh nghiệp này hiện đang hoạt động hơn 90% công suất, trong khi các nhà máy ở miền Trung cũng có được lượng gió tốt. Kết quả 2 tháng đầu năm được đánh giá là khá tốt khi sản lượng của Thuận Bình tăng 76% còn Trà Vinh cũng vượt cùng kỳ.

Xác định điện gió sẽ là mũi nhọn trong việc chuyển đổi năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới, Cơ điện lạnh sẽ tìm kiếm thêm dự án để hợp tác, trong đó sẽ tìm kiếm các đối tác nước ngoài có kinh nghiệm xây dựng dự án, có thể mạnh về tài chính để hợp tác.

Trong khi đó, tại Tập đoàn PC1, định hướng chủ yếu của doanh nghiệp này đó là đảm bảo vận hành phát điện các nhà máy điện gió; tối ưu, an toàn và theo sát tình hình phụ tải hệ thống. Theo đó, trong năm 2024, PC1 sẽ triển khai vận hành phần mềm dự báo công suất các nhà máy này.

Tại Bamboo Capital, điện gió cũng được xác định là một trong số hai mũi nhọn trong mảng năng lượng của tập đoàn này. Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Bamboo Capital cho hay, trong danh mục các dự án nguồn điện được ưu tiên thực hiện tới năm 2030, BCG Energy – đơn vị phụ trách mảng năng lượng của tập đoàn này, hiện đang sở hữu tổng cộng 8 dự án điện gió trên đất liền, gần bờ với tổng công suất lên đến 925 MW nằm tại nhiều địa phương trên cả nước như Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh… Năm nay, doanh nghiệp cũng đang gấp rút triển khai xây dựng 550 MW điện gió trên bờ và ngoài khơi, gồm các các dự án Đông Thành 1 (80 MW), Đông Thành 2 (120 MW), Khai Long 1 (100 MW)… nhằm đưa vào vận hành thương mại (COD) ngay từ năm sau.

Không buông “miếng bánh” điện mặt trời

Đối với mảng điện mặt trời, mặc dù dư địa phát triển không còn nhiều song đây vẫn được xem là “miếng bánh” hấp dẫn đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị nắm nhiều thị phần.

Tại Bamboo Capital, cùng với điện gió, điện mặt trời cũng được xác định là một động lực tăng trưởng của doanh nghiệp. Về các dự án điện mặt trời, tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Bamboo Capital nêu rõ, giai đoạn 1 của dự án Krong Pa 2 (21 MW) đã hoàn thiện thi công và đưa vào danh sách các dự án được hưởng khung giá điện chuyển tiếp. Theo đó, tập đoàn này dự kiến sẽ hoàn thiện công tác đàm phán giá cho dự án Krong Pa 2 và dự án Phù Mỹ (114 MW) trong năm nay. Trong khi đó, đơn vị phụ trách mảng năng lượng của tập đoàn là BCG Energy hiện đang triển khai thêm 23 dự án điện mặt trời áp mái với mục tiêu nâng tổng công suất mảng này lên gấp đôi vào cuối năm nay. Doanh nghiệp này cũng đang được Bamboo Capital “sửa soạn” đưa lên sàn, với mục tiêu trở thành 1 đơn vị năng lượng mạnh trong nước. Cần biết, Bamboo Capital - với “cánh tay năng lượng” BCG Energy - đang nắm giữ 2% thị phần năng lượng tái tạo, nhiều nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết.

Tương tự, một tập đoàn đa ngành khác là Sao Mai cũng cho biết sẽ đẩy mạnh mảng năng lượng tái tạo với mục tiêu nâng doanh thu mảng này lên gấp đôi, vượt mức 1.000 tỷ đồng/năm trong thời gian tới với trọng tâm là phát triển mới các dự án điện mặt trời và điện gió. Được biết, tập đoàn này hiện đang khai thác 2 nhà máy điện mặt trời An Hảo (210 Mwp) tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang và nhà máy điện mặt trời Euriplast Long An (50 Mwp) tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.

Trong khi đó, Helio Energy gây chú ý với kế hoạch M&A để mở rộng thị phần điện mặt trời. Cụ thể, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 diễn ra ngày 15/4, cổ đông doanh nghiệp này đã thông qua kế hoạch mua lại tối đa 60% cổ phần Công ty Cổ phần SD Trường Thành - chủ dự án nhà máy điện mặt trời Thuận Minh 2 công suất 50MWp tại tỉnh Bình Thuận. Chia sẻ về kế hoạch này, ông Phan Thành Đạt - Tổng giám đốc Helio Energy, cho hay đây là một cơ hội tốt để công ty có thể tiếp nhận một dự án đã hoạt động, thay vì đầu tư xây dựng một dự án mới.

Trong khi đó, đối với REE, như đã đề cập ở trên, doanh nghiệp này không đầu tư nhiều vào điện mặt trời. Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh lý giải, do chủ trương của nhà nước là tự sản, tự tiêu, điện mặt trời phụ thuộc hoàn toàn vào người tiêu thụ điện. Những dự án mà doanh nghiệp thực hiện từ năm 2021-2022 đến nay mới có thể hoàn vốn, trong 1-2 năm đầu vận hành đều thua lỗ trong tình trạng nhà máy không có đơn hàng đầy đủ, công suất tiêu thụ điện giảm. Vì vậy, việc đầu tư vào mảng này ở thời điểm hiện tại đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng từ ban lãnh đạo doanh nghiệp. Theo đó, thay vì bơm vốn cho các trang trại điện mặt trời (solar farm), doanh nghiệp này sẽ dành tiền cho các dự án hiệu quả hơn, cụ thể là điện mặt trời trên hồ thuỷ điện (solar floating).

“Thử sức” với các lĩnh vực mới

Bên cạnh điện gió và điện mặt trời, các doanh nghiệp năng lượng tái tạo cũng tìm kiếm cơ hội trong các lĩnh vực khác.

Trong đó, Bamboo Capital “thử sức” với điện rác. Đây được đánh giá một lĩnh vực thu hút đầu tư do công nghệ mới giải quyết được các vấn đề về môi trường, đồng thời đóng góp vào việc tăng nguồn cung điện. Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, hiện tại, Bamboo Energy – công ty con của Bamboo Capital hiện đang sở hữu danh mục điện rác gồm 5 nhà máy tại Củ Chi, Long An, Kiên Giang, Huế và Hà Nam. Năm nay, doanh nghiệp dự kiến triển khai xây dựng nhà máy điện rác đầu tiên tại huyện Củ Chi, TP. HCM. Nhà máy có tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, xây dựng trên tổng diện tích 20ha, công suất xử lý đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày đêm. Ngoài hiệu quả xử lý rác thải, nhà máy sẽ tạo ra công suất phát điện dự kiến 40 MW. Sau khi hoàn thành xây dựng, giai đoạn tiếp theo, nhà máy đốt rác phát điện tại TP. HCM có thể nâng công suất xử lý lên đến 5.200 tấn rác/ngày và công suất phát điện lên tới 130 MW.

Song song với dự án trên, BCG Energy sẽ triển khai một dự án nhà máy điện rác khác tại Long An với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.586 tỷ đồng. Tại nhà máy này, công suất xử lý rác dự kiến là 500 tấn/ngày, tương đương công suất phát điện là 10 MW.

Trong khi đó, về phía REE, theo tiết lộ của Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh, doanh nghiệp này đang bắt đầu tiếp cận tới mảng hydrogen - một giải pháp quan trọng trong chuyển dịch năng lượng, giúp thay thế nhiệt điện than và khí, thông qua lời mời chào của một số công ty. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, REE vẫn đang cân nhắc thêm các về chính sách quốc gia.

Thái Hà

Theo VietnamFinance