Vì sao dự thảo Quy hoạch Điện VIII tăng điện than?

Đại diện Bộ Công thương khẳng định, Quy hoạch Điện VIII đã giảm khá nhiều điện than, trong khi năng lượng tái tạo được tăng lên đáng kể.

Bộ Công thương vừa đưa ra bản dự thảo Quy hoạch Điện VIII cập nhật để lấy ý kiến các đơn vị, bộ, ngành. Theo dự thảo mới này, nguồn điện năng lượng tái tạo sẽ giảm khoảng hơn 8.000 MW và điện than sẽ tăng hơn 3.000 MW.

Trao đổi trên báo chí, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay, dự thảo Quy hoạch Điện VIII so với Quy hoạch Điện VII đã giảm khá nhiều điện than, trong khi năng lượng tái tạo đã được tăng lên đáng kể.

Cụ thể, tổng nguồn nhiệt điện than của Quy hoạch Điện VIII năm 2030 là 40,7 GW, thấp hơn so với Quy hoạch Điện VII điều chỉnh (55,3 GW năm 2030 tại kịch bản cơ sở). Như vậy, có khoảng gần 15 GW nguồn nhiệt điện than trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đã bị loại bỏ, thay thế bằng nguồn điện khác.

Bên cạnh đó, về tỷ trọng, theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đến năm 2030 nhiệt điện than chiếm khoảng 42,7% cơ cấu công suất, trong khi theo Quy hoạch Điện VIII chỉ khoảng 31% năm 2030 trong kịch bản cơ sở và 28% với kịch bản cao. Như vậy, tỷ trọng nhiệt điện than đã giảm rất nhiều, sau năm 2035 sẽ không phát triển thêm nữa.

Đối với tổng nguồn điện năng lượng tái tạo tại dự thảo Quy hoạch Điện VIII theo phương án cơ sở và phương án cao năm 2030 là khoảng 11.820 MW điện gió (tăng gần 6.000 MW), trong khi nguồn điện mặt trời, gồm cả điện mặt trời mái nhà ở phương án cơ sở cũng tăng hơn 6.000 MW, và ở phương án cao tăng khoảng 10.000 MW so với Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.

Nhiều ý kiến khẳng định, việc tiếp tục phát triển các dự án điện than trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII đang đi ngược với xu thế mới của khu vực và toàn cầu  
Nhiều ý kiến khẳng định, việc tiếp tục phát triển các dự án điện than trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII đang đi ngược với xu thế mới của khu vực và toàn cầu  

"Như vậy, Quy hoạch Điện VIII so với quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhiệt điện than giảm khá nhiều, trong khi năng lượng tái tạo cũng tăng lên đáng kể. Điều đó cho thấy, Quy hoạch Điện của chúng ta hoàn toàn phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng của khu vực và thế giới", ông Dũng khẳng định.

Liên quan đến việc công suất điện than tăng hơn 3.000 MW so với Tờ trình hồi tháng 3/2021, ông Dũng cho biết, theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ điện ở miền Bắc sẽ tăng nhanh. Miền Trung, nhu cầu điện thấp, nhưng có lợi thế rất lớn về tiềm năng năng lượng sơ cấp, nhất là năng lượng gió và mặt trời, nên trong dự thảo trước, dự kiến phát triển ở đây một số nguồn điện lớn nhằm cấp điện cho miền Bắc. Nếu vậy thì phải xây dựng thêm các đường dây truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc với tổng mức đầu tư lớn, điện năng truyền tải ở mức độ cao gây nhiều tổn thất. Do đó, miền Bắc cần chủ động xây dựng thêm các nguồn điện để đảm bảo cân đối nguồn – tải nội miền, hạn chế tối thiểu nhận điện từ miền Trung.

Khi đã phát triển nguồn điện cho miền Bắc đủ, công suất của miền Trung đẩy ra miền Bắc giảm, dẫn tới công suất nguồn điện năng lượng tái tạo ở miền Trung sẽ giảm. Điều này cũng đảm bảo yêu cầu rà soát của Chính phủ về đầu tư nguồn điện hợp lý, tránh đầu tư lãng phí, cân đối theo vùng miền, đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, quan điểm cân đối vùng miền, hạn chế truyền tải liên miền và kiên quyết không xây dựng thêm bất kỳ đường dây truyền tải liên kết miền nào đã được Bộ tuân thủ nghiêm túc trong lần rà soát lần này.

Chính vì vậy, một số nguồn điện có vai trò chạy nền đã được bổ sung cho khu vực miền Bắc nhằm tăng cường khả năng cân bằng nội miền trong khi một số loại hình nguồn điện tại khu vực miền Trung và miền Nam đã được xem xét hạn chế tối đa việc truyền tải qua các lát cắt 500 kV từ miền Trung vào miền Nam và từ miền Trung ra miền Bắc.

Về giải pháp, Bộ Công thương cho biết, rút kinh nghiệm từ việc phát triển điện lực trong giai đoạn 2011-2020 vừa qua, để Chính phủ và Bộ Công thương không bị động trong điều hành phát triển điện lực trong thời gian tới, dự thảo Quy hoạch Điện VIII lần này đã kiến nghị Chính phủ ủy quyền và giao Bộ Công thương thường xuyên rà soát 6 tháng một lần tình hình triển khai các công trình nguồn điện.

Mặt khác, Bộ được phép điều chỉnh tiến độ phát điện đối với nhiều nguồn điện chậm tiến độ quá 24 tháng và điều chỉnh thay thế các dự án chậm tiến độ bằng các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch Điện nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện và tránh gây lãng phí, thất thoát đầu tư và giảm hiệu quả đầu tư các dự án điện.

Sau khi nhận được các ý kiến góp ý, Bộ Công thương sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu và giải trình nghiêm túc các ý kiến, hoàn thiện Đề án trước khi trình Hội đồng thẩm định xem xét, có ý kiến, hoàn thiện toàn bộ nội dung Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Trước đó, trong kiến nghị lần thứ 4 gửi tới Bộ Công thương và các cơ quan liên quan, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cho rằng, dự thảo lần này thể hiện những bước lùi so với bản trước đây khi tăng thêm khoảng 3.000 MW điện than và giảm khoảng 8.000 MW điện tái tạo vào năm 2030 trong khi lộ trình điện cạnh tranh chưa rõ ràng, bố trí nguồn lực thực hiện Quy hoạch, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư chưa thuyết phục.

Tiếp đó, tại tọa đàm "Quy hoạch Điện VIII: Mở đường hay thắt lại lộ trình chuyển dịch xanh" do VSEA tổ chức, một số đại biểu cũng bày tỏ quan điểm rằng bản dự thảo Quy hoạch Điện VIII đang thắt lại sự phát triển của nguồn năng lượng sạch.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ nhấn mạnh, tiếp tục phát triển điện than là đi ngược lại các cam kết của Chính phủ về giảm phát thải nhà kính, đồng thời giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu khi phải đối mặt với thuế carbon từ các đối tác lớn, trong đó có Liên minh châu Âu.

Với góc nhìn từ ĐBSCL, việc xây dựng các nhà máy điện than mới đang mâu thuẫn với Dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng, tăng nguy cơ về ô nhiễm môi trường, gây tác động xã hội, đặc biệt tại các vùng sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, ĐBSCL lại có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, và các công nghệ về năng lượng tái tạo và lưu trữ đang phát triển nhanh và ngày càng rẻ hơn.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Xuân Lương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền con người Dân tộc, miền núi - nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: “Bản dự thảo hoạch mới là thụt lùi so với bản dự thảo cũ. Quy hoạch Điện VIII phải thực hiện đúng chỉ thị của Nghị Quyết 55 và chỉ đạo của Chính phủ.

Việc Bộ Công thương đưa ra một số lý do để thắt chặt năng lượng tái tạo bắt nguồn từ chính cơ chế chính sách của chính chúng ta, chứ không bắt nguồn từ bản chất của năng lượng tái tạo. Để phát triển năng lượng tái tạo, chúng ta cần phải xóa bỏ độc quyền ngành điện, thúc đẩy tư nhân hóa, tạo cạnh tranh lành mạnh trong thị trường điện".

Minh Thái

Theo Đất Việt