'Cần sớm tháo gỡ pháp lý cho các dự án để DN đàm phán gia hạn, giảm nợ'
Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp Đại học Bristol (Anh) cho rằng một trong những giải pháp trọng tâm và mạnh mẽ để giải quyết nút thắt cho thị trường và nền kinh tế hiện nay là cần sớm tháo gỡ pháp lý cho các dự án đang bị đình chỉ, giúp doanh nghiệp có cơ sở để đàm phán lại với các nhà đầu tư về vấn đề gia hạn hay giảm nợ.
Tại Talkshow Phố Tài chính, nhận định về những giải pháp đã được đưa ra để tháo gỡ khó khăn và thách thức chung của thị trường và nền kinh tế, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect, cho rằng ngoài yếu tố lãi suất mang tính chất tác động ngắn hạn, những giải pháp như Nghị định 08 hay thúc đẩy đầu tư công đều mang tính chất tiền đề, căn cơ và dài hạn nhiều hơn.
Trong khi đó, những vấn đề mà thị trường đang quan tâm vẫn còn đó, như khả năng thanh toán các nghĩa vụ liên quan đến trái phiếu của doanh nghiệp, vướng mắc pháp lý của những dự án bất động sản hiện nay.
“Tôi cho rằng thị trường đang chờ đợi những giải pháp mang tính chất quyết liệt, mạnh mẽ và đồng bộ hơn từ cơ quan quản lý, cũng như từ chính các doanh nghiệp”, bà Trần Thị Khánh Hiền cho biết.
Thứ nhất, bà cho rằng doanh nghiệp phải rõ ràng hơn trong việc công bố thông tin, cũng như đưa ra một lộ trình tái cấu trúc cụ thể. Điều này sẽ góp phần củng cố được niềm tin của nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ hai, đại diện VNDirect kỳ vọng cơ quan quản lý sẽ nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý đối với hàng loạt các dự án bất động sản đang bị đình chỉ hiện nay. Điều này sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho để thu về dòng tiền.
Thứ ba, từ những bài học xử lý khủng hoảng tín dụng bất động sản ở các nước trong khu vực như Trung Quốc hay Hàn Quốc, bà Trần Thị Khánh Hiền cho rằng việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận lại nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng để giải quyết những nghĩa vụ thanh toán trong ngắn hạn là hết sức quan trọng.
Ở Trung Quốc, khi khủng hoảng bất động sản nổ ra vào tháng 7/2022 thì đến tháng 11/2022, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra 11 biện pháp như cắt giảm lãi suất, nới “room” tín dụng cho các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là hoãn thời gian thanh toán nợ lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản đến một năm.
Điều này đã mang lại một số kết quả đối với thị trường Trung Quốc. Cụ thể, tháng 2 vừa qua, doanh thu bất động sản tại Trung Quốc đã tăng 15%, đánh dấu tháng đầu tiên ghi nhận tăng trưởng dương kể từ tháng 6/2021.
Về phía ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp Đại học Bristol (Anh), vị chuyên gia này cho rằng giải pháp rõ ràng nhất của nền kinh tế hiện nay là cần nguồn vốn thứ hai để kích thích nền kinh tế, là đầu tư công.
Theo ông, khi đầu tư công được đẩy mạnh sẽ thúc đẩy nhiều khu vực kinh tế. Vốn đầu tư công được đẩy ra, ngân hàng cũng tự tin hơn trong các khoản vay.
Tuy nhiên, ông Hồ Quốc Tuấn đánh giá tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ở Việt Nam là chậm. Như vậy, không chỉ cần thúc đẩy dự án đầu tư công trên giấy tờ, ông Tuấn cho rằng cần phải giải ngân đạt đủ mục tiêu đề ra.
Yếu tố tiếp theo là gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Theo đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang sa thải công nhân. Vấn đề đặt ra là những doanh nghiệp này có thể chống chịu đến khi nào, có nhận được đơn mới hay không?
Ông Hồ Quốc Tuấn cho rằng cần có một chính sách riêng hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu để có thể chống chịu qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Giải pháp này cũng được xem là chính sách hỗ trợ chung cho nền kinh tế đối với mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng cần sớm tháo gỡ pháp lý cho các dự án đang bị đình chỉ, giúp doanh nghiệp có cơ sở để đàm phán lại với các nhà đầu tư về vấn đề gia hạn hay giảm nợ.
TalkShow Phố Tài chính là chương trình truyền hình cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin chính thống, đa chiều và các kiến thức chuyên sâu về thị trường Tài chính - chứng khoán. Chương trình được phát sóng vào lúc 18h30 thứ 2 hàng tuần trên VTV8 và phát lại trên các nền tảng mạng xã hội của Talkshow Phố Tài chính.