Cần Thơ cần khoảng 180 ngàn tỷ đồng phát triển công nghiệp đến năm 2030
Đề án “Thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp TP Cần Thơ giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” do Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ thực hiện vừa được tổ chức đánh giá nghiệm thu vào chiều 22/12.
Đề án trên do Viện Kinh tế - Xã hội thành phố thực hiện, với mục tiêu, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo yêu cầu của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khai thác hiệu quả lợi thế so sánh của vùng ĐBSCL, nhằm đạt được mức tăng trưởng trên mức trung bình đến mức cao trong ngành công nghiệp của thành phố vào năm 2030, cả về doanh số và việc làm, dựa trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế thành phố giai đoạn 2021 - 2030 trong điều kiện mới.
Nội dung chính của đề án bao gồm: Thực trạng và đánh giá hiện trạng các nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp. Trong đó có các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp, danh mục các ngành công nghiệp chủ lực cần ưu tiên phát triển giai đoạn 2021-2030. Các giải pháp và kiến nghị với thành phố và Trung ương.
Từ đó đề xuất thành phố tập trung thu hút đầu tư trong ngành công nghiệp, nhằm phát triển các sản phẩm công nghiệp, chủ lực là chế biến lương thực, thực phẩm, thủy hải sản; sản xuất hóa chất dược phẩm, phân bón, cao su, nhựa, công nghiệp công nghệ cao như điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin…
Trong đó ưu tiên một số chỉ tiêu, cụ thể, giai đoạn 2021-2025, tập trung phát triển công nghiệp, chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn này là 75 - 80 ngàn tỷ đồng (bao gồm vốn ngân sách, vốn từ doanh nghiệp tư nhân và dân cư; vốn tín dụng, đầu tư, vốn hợp tác bên ngoài (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước, FDI).
Giai đoạn 2026 – 2030, tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp chủ lực và ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa cao. Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn này là 90 – 100 ngàn tỷ đồng.
Tại phần phản biện, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao chất lượng đề tài, đồng thời đóng góp nhiều vấn đề cần phải sửa chữa, bổ sung trong nội dung đề án như: Phân tích, đánh giá mức độ về chủng loại, số lượng, khối lượng sản phẩm so với yêu cầu nhằm đạt mục tiêu đề ra, đồng thời đánh giá chi tiết từng chỉ tiêu về chất lượng đối với mỗi sản phẩm, chỉ ra các tồn tại và đề xuất biện pháp giải quyết…
Nhiều thành viên Hội đồng nghiệm thu nhấn mạnh đến những khó khăn khi đầu tư vào ĐBSCL nói chung, Cần Thơ nói riêng, trong đó việc xây dựng cơ sở hạ tầng như, nền đất hầu hết trong vùng đều yếu nên chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng cao hơn những vùng khác vì phải xử lý nền móng.
Bên cạnh đó, từ khi Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, nhà đầu tư không được hưởng các cơ chế ưu đãi đầu tư về giá thuê đất… giá thuê đất tại Cần Thơ cao, ảnh hưởng việc thu hút đầu tư.
Do vậy đề án cần có giải pháp, tham mưu thành phố có cơ chế chính sách để hóa giải việc giá đất cao, góp phần giảm chi phí cho nhà đầu tư, trong đó có việc kiến nghị Chính phủ cho các cơ chế ưu đãi, đặc thù…
Thay mặt Ban Chủ nhiệm đề án, ông Nguyễn Khánh Tùng – Thành ủy viên, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố, chân thành tiếp thu các ý kiến phản biện, góp ý, nhận xét của các thành viên Hội đồng, các đại biểu tham dự và khẳng định sẽ tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện đề án, phục vụ cho công tác xây dựng chính sách và áp dụng trong thực tiễn trong thời gian tới, trước khi trình ủy UBND TP Cần Thơ quyết định phê duyệt đề án .
Với 12/12 phiếu đồng thuận, các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về mặt kỹ thuật và nội dung. Đề án được xây dựng công phu, xúc tích, đúng tiến độ và có tính ứng dụng cao thực tiễn.
Hiện, ngành Công nghiệp TP Cần Thơ đứng ở vị trí thứ 2 (sau Long An) tại ĐBSCL nhưng lại ở vị trí thứ 5 trong 5 TP trực thuộc Trung ương. Cần Thơ hiện có 6 cụm công nghiệp và 6 khu công nghiệp đang hoạt động tại 6/9 quận, huyện với 251 dự án đầu tư, tạo việc làm cho khoảng 35.460 lao động.
Tính đến cuối năm 2020, Cần Thơ có 84 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký hơn 752 triệu USD, vốn thực hiện gần 514 triệu USD, trong đó doanh nghiệp công nghiệp chiếm đa số với 41 dự án và nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 36 dự án.