VCBS: VN-Index sẽ vượt 1.600 điểm nếu được nâng hạng

Báo cáo triển vọng 6 tháng cuối năm 2025 của Vietcombank Securities (VCBS) đưa ra góc nhìn lạc quan về xu hướng hồi phục và tăng tốc của thị trường chứng khoán Việt Nam trước giai đoạn “cởi trói” mạnh mẽ về chính sách, định giá và dòng vốn – ba yếu tố được cho là sẽ định hình chu kỳ tăng trưởng mới.

VN-Index có thể chạm mốc 1.660 điểm, thanh khoản lên đỉnh 3 năm

Trong kịch bản cơ sở, VCBS dự báo VN-Index có thể chạm mốc 1.555 điểm vào cuối năm 2025, dựa trên giả định EPS toàn thị trường tăng 12% và định giá P/E ở mức 14,6 lần – tương đương mức trung bình khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Đáng chú ý, nếu các yếu tố hỗ trợ như nâng hạng thị trường, chính sách tăng trưởng mạnh mẽ và cuộc đàm phán thương mại với Mỹ diễn ra thuận lợi, nhóm chuyên gia kỳ vọng chỉ số có thể vượt mốc 1.660 điểm.

VCBS: VN-Index sẽ vượt 1.600 điểm nếu được nâng hạng - Ảnh 1
VCBS đưa ra góc nhìn lạc quan về xu hướng hồi phục và tăng tốc của thị trường chứng khoán Việt Nam

Xét trong tương quan khu vực, định giá thị trường Việt Nam đang tương đối hấp dẫn. Với P/E khoảng 13,5 lần, thị trường Việt Nam vẫn thấp hơn trung bình khu vực (14,5–14,6 lần), nhưng lại có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực hơn, vượt qua nhiều thị trường như Singapore, Malaysia hay Thái Lan.

Thống kê của VCBS cho thấy mức độ tương quan giữa VN-Index và thanh khoản đạt tới 94%. Khi điểm số đi lên, giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên có thể tăng vọt, tiệm cận vùng 27.000-29.000 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD/phiên). Đây sẽ là mức thanh khoản cao nhất trong hơn 3 năm trở lại đây.

Một trong những chất xúc tác lớn là kỳ vọng Việt Nam được FTSE nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi vào tháng 9/2025. Nếu thành công, các quỹ ETF mô phỏng rổ chỉ số FTSE Emerging Markets có thể rót thêm khoảng 950 triệu USD vào thị trường Việt Nam – nơi đang được tính tỷ trọng khoảng 0,94%. Tổng dòng vốn ròng từ nhà đầu tư nước ngoài trong quý III/2025 có thể đạt từ 1,3–1,5 tỷ USD, đóng góp đáng kể vào thanh khoản chung của thị trường.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng hiệu ứng nâng hạng nếu không đi cùng cải cách thực chất về cơ sở hạ tầng giao dịch và thanh toán có thể tạo ra hiệu ứng “mua tin đồn, bán sự thật”. Do đó, tiến độ triển khai mô hình thanh toán không qua đối ứng, giảm chi phí giao dịch thất bại… sẽ là các yếu tố then chốt để kỳ vọng nâng hạng không trở thành lực cản sau kỳ vọng.

Bên cạnh đó, dòng tiền nội cũng đang có dấu hiệu quay lại. Các cổ phiếu theo hệ sinh thái như VIC, GEX, TCH… ghi nhận mức tăng ấn tượng từ 20% đến hơn 250%, cho thấy khẩu vị rủi ro đang cải thiện rõ rệt.

Lợi nhuận toàn thị trường kỳ vọng tăng trưởng 12%

Cùng với đà tăng điểm của thị trường chứng khoán, VCBS cho rằng, nửa cuối năm 2025 sẽ chứng kiến làn sóng chính sách hỗ trợ tăng trưởng đồng loạt đi vào thực thi: Nghị quyết 68-NQ/TW thúc đẩy kinh tế tư nhân, luật hóa Nghị quyết 42 giúp xử lý nợ xấu, giải ngân đầu tư công tăng tốc mạnh mẽ và gói giảm thuế VAT kéo dài đến hết 2026.

Bên cạnh đó, thỏa thuận thương mại song phương Mỹ – Việt, với mức thuế 20% cho hàng xuất khẩu và 40% cho hàng trung chuyển, đã xoa dịu tâm lý thị trường. Tuy nhiên, VCBS cũng lưu ý rằng khái niệm “trung chuyển” cần được làm rõ để giảm bớt rủi ro cho nhóm doanh nghiệp FDI.

Về triển vọng kết quả kinh doanh, VCBS giữ nguyên dự báo lợi nhuận toàn thị trường tăng trưởng 12% cả năm 2025. Trong đó, ngành ngân hàng sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng 16%, tỷ lệ CASA cải thiện, NIM phục hồi nhẹ và nợ xấu dần giảm. Định giá toàn ngành đang chiết khấu khoảng 12% so với trung bình 5 năm, tạo dư địa định giá cho các cổ phiếu ngân hàng.

VCBS: VN-Index sẽ vượt 1.600 điểm nếu được nâng hạng - Ảnh 2
VCBS dự báo lợi nhuận toàn thị trường tăng trưởng 12% cả năm 2025.

Ngành bất động sản dân dụng được hỗ trợ bởi loạt chính sách tháo gỡ pháp lý như Nghị quyết 171, Nghị định 76, và nhu cầu nhà ở vẫn ổn định trong môi trường lãi suất thấp. Các chủ đầu tư lớn như Vinhomes (VHM), Nam Long (NLG)… sẵn sàng mở bán các đại dự án ở khu vực phía Nam, nơi mặt bằng giá bán còn nhiều dư địa và thu hút dòng tiền đầu tư mới.

Ngành chứng khoán hưởng lợi kép từ cải thiện thanh khoản và kỳ vọng nâng hạng. Doanh thu môi giới toàn ngành dự kiến tăng 30–35%, dư nợ margin phục hồi mạnh, đặc biệt khi nhiều công ty chứng khoán còn dư địa mở rộng vốn và hạn mức. Mảng ngân hàng đầu tư (IB) được kỳ vọng khởi sắc, đi kèm với sự phục hồi của thị trường IPO và giao dịch M&A trong giai đoạn cuối năm.

Bên cạnh đó, nhóm tiêu dùng – thực phẩm được hỗ trợ mạnh từ chính sách ưu đãi thuế và nhu cầu tiêu dùng phục hồi. Ngành chăn nuôi hưởng lợi từ giá heo hơi tiếp tục neo cao và xu hướng giảm tỷ trọng chăn nuôi nhỏ lẻ. Ngành điện cũng được kỳ vọng cải thiện nhờ sản lượng tăng khoảng 6% nhờ giá than hạ nhiệt và khả năng La Nina quay lại trong quý IV/2025.

Về chiến lược đầu tư, VCBS khuyến nghị ưu tiên nhóm vốn hóa lớn, tập trung vào doanh nghiệp tư nhân đầu ngành hưởng lợi từ cải cách và xem kẽ nhóm midcap, bao gồm: ACB (+42%), MBB (+20%), TCB (+23%), BID (+22%), CTG (+17%), MSB (+17%), SSI (+25%), HCM (+23%), VND (+27%), MWG (+20%), MSN (+24%), PNJ (+18%), DBC (+23%), BAF (+25%), VHM (+5%), DXG (+21%), HDG (+32%), AGG (+31%), KDH (+11%), HHV (+25%), C4G (+12%), REE (+19%), GEG (+18%), TV2 (+22%), PC1 (+37%) và QTP (+30%).

VCBS: VN-Index sẽ vượt 1.600 điểm nếu được nâng hạng - Ảnh 3
Tổng hợp cổ phiếu khuyến nghị và giá mục tiêu của VCBS

 

Hà Lê

Theo Vietnamfinance