Cảng biển hơn 2.100 tỷ ở tỉnh hẹp nhất Việt Nam chưa khởi công đã gặp 'khó'
Việc thi công thực hiện nạo vét luồng và khu quay trở, khu đậu tàu của dự án sẽ làm phát sinh chất nạo vét khiến người dân lo lắng gây ra xáo trộn cho việc kiếm kế sinh nhai của ngư dân.
Quảng Bình sẽ có Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La
Ngày 5/9, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lễ trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư cho Dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La.
Dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La được xem là một trong những cảng quan trọng, có tầm chiến lược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng.
Dự án này phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Với tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, dự án được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến thực hiện từ 2022-2024 với tổng vốn gần 940 tỷ đồng; giai đoạn 2 dự kiến triển khai trong năm 2025-2026 với kinh phí hơn 1.170 tỷ đồng.
Dự án sử dụng khoảng 38,82ha đất, bao gồm hơn 25ha dành cho xây dựng công trình và 13,81ha mặt nước biển để làm khu neo đậu tàu.
Địa điểm thực hiện tại Vịnh Hòn La, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Mục tiêu của dự án là xây dựng một khu bến cảng tổng hợp nhằm phục vụ Khu kinh tế Hòn La, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời kết nối vận tải hàng hóa cho nước CHDCND Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan qua Cảng Hòn La cũng như đón tàu khách quốc tế.
Công suất thiết kế của cảng bao gồm 4 bến cập tàu. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ xây dựng 2 bến, bao gồm 1 bến cho tàu có trọng tải đến 50.000DWT và một bến cho tàu có trọng tải đến 100.000DWT.
Ở giai đoạn 2, sẽ bổ sung thêm 2 bến với một bến cho tàu trọng tải đến 70.000DWT và 1 bến cho tàu trọng tải đến 100.000DWT.
Nhà đầu tư của dự án là Công ty Cổ phần Cảng Hòn La với thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, tính từ ngày nhận được quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Chưa khởi công đã gặp "khó"
Trong quá trình thi công Dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La, việc nạo vét luồng và khu quay trở, khu đậu tàu sẽ phát sinh một lượng lớn vật chất nạo vét. Khối lượng vật chất nạo vét dư thừa trong quá trình thi công ước tính khoảng 300.000m3 và khối lượng nạo vét duy tu luồng, khu nước của dự án khoảng 100.000m3.
Theo báo cáo từ Công ty, vật chất nạo vét tại khu vực Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La bao gồm các lớp bùn sét, cát hạt mịn, bùn sét pha lẫn các lớp cát mỏng và đá Rhyolite.
Vị trí dự kiến để đổ vật chất nạo vét nằm tại bãi biển thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình với diện tích khoảng 14,27ha do UBND xã Quảng Đông quản lý.
Trong giai đoạn 1, quá trình đổ vật chất nạo vét và duy tu sẽ diễn ra trên diện tích khoảng 8,41ha thuộc khu vực phần đất liền. Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục với diện tích khoảng 5,86ha thuộc khu vực mặt nước ven biển.
Tuy nhiên, phương án đổ vật chất nạo vét đang gây lo ngại cho các hộ dân có hoạt động kinh tế gắn liền với vùng biển gần bờ. Người dân lo ngại việc đổ vật chất nạo vét có thể ảnh hưởng đến sinh kế của họ.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình, phương án đổ vật chất nạo vét sẽ sử dụng hệ thống sà lan vận chuyển kết hợp với bơm hút và phun lên khu vực chứa có bờ bao quanh bằng Geotube. Phương án này nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường biển ven bờ cũng như khu vực xung quanh.
Tuy nhiên, chiều dài bờ biển tại thôn Thọ Sơn chỉ khoảng 1,5km, trong khi vị trí dự kiến để đổ vật chất nạo vét lại chiếm phần lớn diện tích.
Theo chia sẻ của một ngư dân từng đi khơi nhưng hiện đã chuyển sang làm ăn gần bờ, nếu bãi biển Thọ Sơn trở thành nơi đổ chất nạo vét, sẽ rất bất lợi cho những hộ dân sinh sống nhờ ở biển.
Đội kéo lưới gần bờ của người dân này hiện có khoảng 10-15 người, thu nhập tuy không ổn định nhưng trung bình mỗi người có thể kiếm được khoảng 300.000 đồng mỗi ngày. Vào những ngày trúng mùa cá, ruốc, thu nhập có thể cao hơn.
Ngoài ra, cũng theo tiết lộ của người dân này, phía bên kia Vịnh Hòn La hiện đang có công trình của một đơn vị khác, khiến ngư dân chỉ còn lại khoảng 1,5km đường biển tại thôn Thọ Sơn để mưu sinh.
Khu vực này đóng vai trò quan trọng với hoạt động kinh tế của người dân địa phương, khi họ không có nhiều đất canh tác và chủ yếu dựa vào nguồn lợi thủy sản từ biển, đặc biệt là việc đánh bắt gần bờ và đi biển xa.
Chủ tịch UBND xã Quảng Đông - ông Nguyễn Đức Hiền cũng chia sẻ rằng xã đã tiếp nhận và phản ánh ý kiến của người dân, với mong muốn giữ lại bãi biển cho các ngư dân sinh sống.
"Nếu lấy đi khoảng 2/3 chiều dài bãi biển, sẽ ảnh hưởng đến khoảng 100 hộ dân. Đổ chất nạo vét lên bãi biển có thể biến đổi hiện trạng cảnh quan và khi mùa mưa đến, nước mưa có thể đẩy lượng vật chất nạo vét trở lại biển, ảnh hưởng đến sinh kế của bà con ngư dân, đặc biệt là những người khai thác ven bờ theo phương pháp thủ công", ông Hiền cho biết.
Ông Hiền cũng cho biết thêm rằng khu vực này là nơi mưu sinh của người dân ba thôn Vĩnh Sơn, Thọ Sơn và Minh Sơn và hiện chỉ còn một khu vực nhỏ trên bờ biển cho hoạt động của ngư dân.
Xã đã có đề xuất UBND tỉnh Quảng Bình xem xét lựa chọn vị trí đổ vật chất nạo vét hợp lý hơn để đảm bảo quyền lợi cho người dân, giúp họ có không gian để ra vào thuyền và tiếp tục đánh bắt cá, ruốc theo mùa.
Hiện tại, UBND tỉnh Quảng Bình đang xem xét việc chấp thuận vị trí đổ vật chất nạo vét dựa trên kết quả kiểm tra thực địa và các ý kiến thảo luận từ các thành phần tham gia đoàn kiểm tra.
Quảng Bình có diện tích tự nhiên khoảng 8.000km2 và là tỉnh có bề ngang hẹp nhất Việt Nam (khoảng 40,3km) theo chiều Đông - Tây.