Cảnh báo những rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ
Lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm, "xé lẻ" giá trị trái phiếu để tiếp cận rộng hơn tới các nhà đầu tư cá nhân đang khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở nên rủi ro. So với trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp cũng là một dạng chứng chỉ nợ, quy định nghĩa vụ thanh toán nợ của bên phát hành.
Theo thông tin từ Hiệp hội trái phiếu Việt Nam, trong tháng 3/2021 có tổng cộng 19 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị phát hành đạt 8.035 tỷ đồng. Trong đó khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ là 5.175 tỷ đồng (chiếm 64% tổng khối lượng phát hành) với 17 đợt phát hành, phát hành ra công chúng đạt 2.860 tỷ đồng (qua 2 đợt phát hành). Nhóm doanh nghiệp bất động sản tiếp tục dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 5.460 tỷ đồng (tương đương 68%), tiếp đó là Nhóm ngành năng lượng với Công ty Thủy điện Dakpsi phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu 10 năm. Trong tháng 3, Vingroup và Các công ty chứng khoán đã phát hành 3.410 tỷ đồng trái phiếu không có tài sản bảo đảm (chiếm 42% tổng giá trị phát hành). Lãi suất phát hành dao động trong khoảng từ 9,7-11%/năm.
Nhà đầu tư cần nắm rõ những rủi ro
Khi lãi suất tiền gửi ngân hàng xuống thấp thì trái phiếu doanh nghiệp là kênh hút vốn được nhiều người quan tâm. Nhưng việc nhà đầu tư bỏ tiền mua trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, Bộ Tài chính đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư cần phải tìm hiểu kỹ thông tin khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm, "xé lẻ" giá trị trái phiếu để tiếp cận rộng hơn tới các nhà đầu tư cá nhân đang khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở nên rủi ro.
Trong suốt năm 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nền kinh tế chịu nhiều tác động kéo theo lãi suất ngân hàng cũng giảm đáng kể. Với kỳ hạn 1 năm, lãi suất chỉ nằm trong khoảng từ 5 – 6%. Tuy có tăng thêm một chút trong năm 2021 nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp, kênh tiết kiệm ngân hàng trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, trong khi đó vàng và bất động sản liên tục biến động. Nắm được tâm lý đó, rất nhiều khách hàng gửi tiết kiệm đã được mời chào các gói mua trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất hấp dẫn hơn nhiều.
So với trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp cũng là một dạng chứng chỉ nợ, quy định nghĩa vụ thanh toán nợ của bên phát hành, nhà đầu tư đóng vai trò là người cho vay, thu nhập dựa trên lãi suất định kỳ. Trái phiếu doanh nghiệp cũng có khả năng mua đi bán lại, tặng hoặc chuyển nhượng; có lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm và có kỳ hạn tối thiểu là 1 năm.
Tuy nhiên, trái phiếu doanh nghiệp được phát hành bởi doanh nghiệp, phục vụ mục tiêu phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh hoặc giải quyết vấn đề tài chính, lãi suất lại có thể cố định hoặc thả nổi tùy vào doanh nghiệp phát hành. Trái phiếu doanh nghiệp mang theo những rủi ro và chỉ có tính tương đối trong việc bảo toàn vốn. Việc phân biệt hình thức trái phiếu doanh nghiệp với trái phiếu chính phủ là rất quan trọng vì không phải nhà đầu tư nào cũng nắm rõ những kiến thức tài chính, trong khi những nhân viên ngân hàng, nhân viên chứng khoán lại không đủ kiến thức để tư vấn rõ ràng cho khách hàng.
Trái phiếu chính phủ được Nhà nước bảo lãnh, nguồn vốn được đảm bảo gần như 100%, trong khi đó trái phiếu doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào năng lực tài chính và khả năng phát triển của công ty. Trái phiếu doanh nghiệp lãi suất càng cao thì rủi lại càng lớn.
Đầu tiên là rủi ro lãi suất thị trường, khi giá trái phiếu công ty sẽ thay đổi theo hướng ngược lại với lãi suất thị trường, nếu nhà đầu tư bán một trái phiếu trước ngày đáo hạn, thì khi lãi suất thị trường tăng, nhà đầu tư sẽ lỗ vốn.
Rủi ro thu hồi trái phiếu tuy hiếm gặp nhưng cũng không tránh khỏi. Trái phiếu công ty có một điều khoản cho phép nhà phát hành thu hồi hay “gọi” tất cả hay một phần trái phiếu mới trước ngày đáo hạn. Nhà phát hành thường giữ lại quyền này để có thể linh động chi trả tiền vốn nhằm thu hồi trái phiếu trong tương lai nếu lãi suất thị trường xuống thấp hơn lãi suất trái phiếu. Đối với nhà đầu tư, có 3 bất lợi với điều khoản về lệnh “gọi”. Thứ nhất, mức tiền mặt giao dịch cho một trái phiếu có điều khoản lệnh “gọi” không được biết chắc. Thứ hai, do nhà phát hành sẽ ra lệnh “gọi” thu hồi trái phiếu khi lãi suất thị trường xuống, nên nhà đầu tư chịu rủi ro tái đầu tư. Thứ ba, khả năng tăng trị giá vốn của trái phiếu sẽ giảm bớt, vì giá của một trái phiếu có điều khoản về lệnh “gọi” không thể tăng cao hơn nhiều so với mức giá mà nhà phát hành sẽ gọi thu hối trái phiếu.
Rủi ro tín dụng của trái phiếu là nguy cơ công ty phát hành không có khả năng chi trả đúng hạn, phụ thuộc nhiều vài khả năng tài chính và tín dụng của công ty. Ngoài ra còn có những rủi ro liên quan tới lạm phát, tỷ giá, thanh lý, tái thiết kết cấu hay rủi ro tái đầu tư. Những rủi ro này có những kiến thức về tài chính chuyên sâu mà không phải nhà đầu tư nào cũng nắm bắt được.
Hiện nay, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp được cả ngân hàng thương mại lẫn công ty chứng khoán thực hiện, mà ngân hàng thương mại thuộc quản lý của ngân hàng nhà nước, còn công ty chứng khoán thuộc quản lý của Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Theo quy định, việc giao dịch trái phiếu được thực hiện tại các công ty chứng khoán, nên việc các ngân hàng cho phép nhân viên ngân hàng trực tiếp tư vấn, giao dịch với nhà đầu tư cá nhân dễ gây "hiểu nhầm" về trách nhiệm tổ chức, bảo lãnh phát hành hay bảo lãnh thanh toán cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, rất nhiều công ty chứng khoán là công ty con của các ngân hàng, tạo nên quan hệ chéo trong thực tế hiện nay. Những quy định về trách nhiệm phát hành, bão lãnh còn chưa rõ ràng và tạo nhiều khe hở gây tới nhiều bất lợi cho nhà đầu tư.
Với mức phát hành lớn cùng với lãi suất vô cùng hấp dẫn, đây chắc chắn là một kênh đầu tư rất đáng quan tâm trong năm 2021 cũng như trong thời gian tiếp theo. Nhưng để tránh rủi ro cho các nhà đầu tư cũng như kiểm soát Bộ Tài chính đã 3 lần cảnh báo về việc mua trái phiếu doanh nghiệp, 1 lần trong năm 2019 và 2 lần trong năm 2020, trong đó lần gần nhất là vào tháng 7/2020. Bộ Tài chính lưu ý doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án phát hành trái phiếu khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ; không vì mục tiêu bán cho nhà đầu tư cá nhân mà chia nhỏ thành nhiều đợt phát hành với nhiều mã trái phiếu; có biện pháp để thực hiện đầy đủ, đúng hạn các cam kết với nhà đầu tư, bao gồm cam kết về mua lại trái phiếu trước hạn.
Với tổ chức phân phối trái phiếu, Bộ Tài chính cảnh báo không chào mời phân phối trái phiếu bằng mọi giá cho nhà đầu tư; có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho nhà đầu tư về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, tài sản đảm bảo của trái phiếu, đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu; nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu. Có biện pháp quản lý để tuân thủ đầy đủ, đúng hạn cam kết về mua lại trái phiếu với nhà đầu tư khi phân phối trái phiếu.
Với nhà đầu tư, Bộ Tài chính lưu ý cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp phải đối với trái phiếu.
Trước khi quyết định đầu tư, cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu (số lượng đợt phát hành, khối lượng đã phát hành, dư nợ tại thời điểm dự kiến phát hành, việc thanh toán lãi, gốc trái phiếu đã phát hành); tài sản đảm bảo của trái phiếu, đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu...
Khi đã nắm rõ thông tin về trái phiếu, cũng như cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân mới nên mua trái phiếu, không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu, bao gồm cả gốc và lãi nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn về tài chính.
Về phía cơ quan quản lý thị trường, Bộ Tài chính cam kết sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát, trên cơ sở đó xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp.
Nhà đầu tư không nên mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất quá cao
Bộ Tài chính cũng cảnh báo nhà đầu tư, cần phân biệt rõ phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ra công chúng và phát hành TPDN riêng lẻ.
Đối với TPDN phát hành ra công chúng, doanh nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc công bố thông tin cho tất cả công chúng đầu tư, làm thủ tục đăng ký chào bán và phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng.
Đối với TPDN phát hành riêng lẻ, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng điều kiện phát hành, công bố thông tin trực tiếp cho đối tượng mua trái phiếu đồng thời công bố thông tin cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội mà không cần cơ quan quản lý nhà nước cấp phép. Đồng thời, nhà đầu tư cá nhân cần lưu ý việc mua TPDN khác với gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng.
"Theo thông lệ thì TPDN phát hành riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, có khả năng phân tích và đánh giá rủi ro. Luật Chứng khoán năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ 01/1/2021) cũng đã quy định TPDN riêng lẻ chỉ phát hành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp", thông tin từ Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần lưu ý là lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao.Vì vậy, chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và đánh giá được các rủi ro, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân, mới nên mua TPDN riêng lẻ. Nhà đầu tư không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao mà chưa tìm hiểu kỹ về đặc điểm của trái phiếu và những rủi ro có thể xảy ra. Đồng thời, nhà đầu tư cũng phải hết sức thận trọng với cam kết mua lại của tổ chức bảo lãnh, phân phối trái phiếu (ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán,…) do có rủi ro là các tổ chức này có thể không thực hiện được cam kết mua lại do phải đáp ứng các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của pháp luật hoặc không mua lại được do có khó khăn về tài chính.