“Khát vốn”, doanh nghiệp địa ốc lại phát hành trái phiếu

Báo cáo của các tổ chức nghiên cứu thị trường cho thấy, doanh nghiệp địa ốc tiếp tục giữ ngôi vị dẫn đầu trong danh mục các công ty phát hành trái phiếu.

Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), trong quý I/2021, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 23,15 nghìn tỷ đồng trái phiếu, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chiếm tới 61,9% tổng lượng phát hành toàn thị trường. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại chỉ phát hành 1,24 nghìn tỷ đồng (chiếm 3,3%). Các công ty chứng khoán và định chế tài chính phi ngân hàng phát hành 2,538 nghìn tỷ đồng (chiếm 6,8%), còn lại là các doanh nghiệp khác.

Kỳ hạn bình quân các trái phiếu bất động sản phát hành trong quý giảm mạnh, từ mức bình quân 3,9 năm của cả 2 năm 2019 và 2020 xuống còn 2,9 năm trong quý vừa qua. Do đó, kỳ hạn bình quân trái phiếu phát hành toàn thị trường giảm từ 4,23 năm (2020) xuống 3,26 năm. Mặc dù kỳ hạn trái phiếu ngắn hơn nhưng lãi suất bình quân của trái phiếu bất động sản nhích tăng 14 điểm so với quý cuối năm 2020, lên mức 10,41%/năm và hiện là nhóm có lãi suất cao nhất thị trường. Nhóm ngân hàng có lãi suất bình quân thấp nhất, chỉ 4,67%/năm.

Báo cáo của SSI cũng dự báo đến quý II, các doanh nghiệp bất động sản vẫn là tổ chức phát hành lớn nhất và lãi suất phát hành có thể tăng lên. Theo đơn vị này, tín dụng bất động sản tại cuối quý I/2021 đạt 1,85 triệu tỷ đồng - tăng 3% so với cuối năm 2020 và cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành (2,93%).   

“Khát vốn”, doanh nghiệp địa ốc lại phát hành trái phiếu - Ảnh 1

Cũng theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, trong tháng 3, các doanh nghiệp đã có tổng cộng 19 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị 8.035 tỷ đồng. Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục dẫn đầu về giá trị phát hành với 5.460 tỷ đồng, tương đương 68%. Một số công ty bất động sản huy động trái phiếu với giá trị lớn như Công ty CP Phát triển Bất động sản Nhật Quang (2.150 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư Smart Dragon (1.900 tỷ đồng)...

Trước đó, đầu tháng 1/2021, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn cũng tham gia gọi vốn từ thị trường trái phiếu. Điển hình như Tập đoàn Vingroup thông báo về việc chào bán gần 70 triệu trái phiếu với mục đích tài trợ vốn cho hoạt động của công ty con. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng với kỳ hạn 36 tháng, tổng giá trị lên tới gần 7.000 tỷ đồng.

Báo cáo thị trường của Bộ Xây dựng cũng đưa ra nhận định: “Trong 3 tháng đầu năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển sôi động, thể hiện nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp là rất lớn, trong khi việc vay vốn tại các ngân hàng không dễ dàng do doanh nghiệp chưa thực sự hồi phục sau đại dịch. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản tăng mạnh về cả giá trị phát hành và lãi suất”.

Đánh giá chung về thị trường trái phiếu trong thời gian qua, Bộ Xây dựng cho rằng, từ cuối năm 2020 đến nay, các trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản có xu hướng kéo dài kỳ hạn hơn, với mức trung bình khoảng 3,8 năm, dài hơn 1 năm so với năm 2019. Lãi suất trái phiếu bình quân cũng đã tăng gần 210 điểm cơ bản, lên mức từ 9,7 - 11%/năm.

Ví dụ, trong đợt phát hành trái phiếu gần đây, Sunshine Group gọi vốn với lãi suất 11%/năm, Novaland với lãi suất 10,5%, hay cá biệt như Phát Đạt từng phát hành trái phiếu với lãi suất 14%/năm… Đáng chú ý nhất thời điểm hiện tại là Tập đoàn Apec với trái phiếu Happybond có tài sản đảm bảo lãi suất tới 13%/năm, được đảm bảo bởi các bất động sản đắt giá tại những thành phố lớn.

Bộ Xây dựng nhận định: “Việc doanh nghiệp bất động sản gia tăng phát hành trái phiếu với lãi suất cao thể hiện nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp, cũng như những ảnh hưởng tới triển vọng của ngành và những tác động của yếu tố dịch bệnh đến việc phải cơ cấu kỳ hạn dài hơn của các nhà phát hành trái phiếu trong ngành bất động sản”./.

Nguyễn Nguyễn

Theo Reatimes