Cảnh giác chiêu trò lừa đảo vay tiền qua ứng dụng

Thời gian gần đây nhiều ứng dụng cho vay tiền được quảng cáo tràn lan trên khắp mạng xã hội và gây được nhiều sự chú ý bởi cách thực hiện đơn giản, nhận tiền nhanh chóng đáp ứng đủ nhu cầu cho những người đang cần vay tiền gấp. Đã không ít người lợi dụng tính năng tiện lợi, đễ dàng này để thực hiện những hành vi lừa đảo.

 

Cảnh giác chiêu trò lừa đảo vay tiền qua ứng dụng - Ảnh 1

Cái “bẫy” phổ biến nhưng nhiều người vẫn “sập”

Hiện nay vay tiền qua ứng dụng được xem là một hiện tượng khá phổ biến vì không cần thế chấp tài sản mà chỉ cần cung cấp các thông tin cá nhân như số căn cước công dân (CMND), số tài khoản ngân hàng,… Và tất cả giao dịch đều thực hiện trực tuyến, người vay có thể thực hiện mọi thủ tục vay, mượn khi ngồi tại nhà.

Vay tiền nhanh chóng, thực hiện đơn giản không cần bất cứ thủ tục rắc rối nào đã đánh trúng phần lớn tâm lý của người dân khi tình hình kinh tế đang khó khăn. Tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn đằng sau đó là vô cùng lớn vì nhiều người đã lợi dụng các tính năng của ứng dụng để thực hiện các chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Những hình thức lừa đảo phổ biến qua ứng dụng như đăng ký vay nhưng không nhận được tiền mà vẫn mắc nợ, yêu cầu thanh toán phí hồ sơ hoặc bảo hiểm khoản vay, dụ dỗ người dân nhận tiền ảnh hưởng Covid để làm giả hồ sơ vay qua ứng dụng...

Đăng ký vay nhưng không nhận được tiền mà vẫn mắc nợ là thủ đoạn lừa đảo đang được cảnh báo trong thời gian gần đây. Các đối tượng cho vay tung ra nhiều lời mời hấp dẫn như cho vay khi đang có nợ xấu, thủ tục đơn giản không cần nhiều giấy tờ, giải ngân chỉ trong 1 giờ, hạn mức cho vay lớn, lãi suất thấp,… yêu cầu người vay cài đặt ứng dụng và đăng ký khoản vay, sử dụng con dấu giả để phê duyệt khoản vay sau đó sẽ thông báo về lỗi giải ngân và yêu cầu nộp tiền để được xử lý hoặc sẽ được yêu cầu chuyển trước một khoản tiền để nộp phí hồ sơ hoặc phí bảo hiểm của khoản vay, nếu không nộp thì hệ thống vẫn tính đã đăng ký vay cho dù không nhận được bất kỳ số tiền nào. Ít cập nhật tin tức và tin vào lời quảng cáo “ngon ngọt” đã không ít người dân không chỉ bị lừa mất tài sản mà còn gánh nợ thêm nợ.

Bên cạnh đó, lừa đảo vay tiền trên nhiều ứng dụng cũng là chiêu trò được các đối tượng sử dụng bằng cách lấy thông tin người vay để giới thiệu các ứng dụng vay tiền khác. Vẫn với chiêu trò cũ dùng những lời quảng cáo hấp dẫn để người vay tiếp tục vay tiền trả nợ và cứ thế vướng vào vòng tròn nợ tiếp nợ và ôm một khoản nợ lớn mà không hề lường trước.

Giả mạo nhân viên công ty bảo hiểm để hỗ trợ thủ tục nhận tiền ảnh hưởng do Covid cũng là một thủ đoạn lừa đảo tinh vi khác xảy ra gầy đây. Tự xưng là nhân viên công ty bảo hiểm nhưng thực chất là lừa lấy cắp thông tin cá nhân và ảnh chân dung của người dân để làm giả hồ sơ vay tiền trên ứng dụng. Cho đến khi tổ chức tín dụng gọi điện nhắc nợ thì lúc này mới biết được là bản thân đã bị lừa.

Lừa vay tiền qua nhiều ứng dụng là chiêu trò được các đối tượng lừa đảo sử dụng
Lừa vay tiền qua nhiều ứng dụng là chiêu trò được các đối tượng lừa đảo sử dụng

Làm gì để không rơi vào bẫy?

Những hình thức lừa đảo qua ứng dụng đều rất chuyên nghiệp và là đường dây lừa đảo có tổ chức, để tránh rơi vào “bẫy” cần lựa chọn những dịch vụ cho vay tín dụng có uy tín có thông tin rõ ràng về tên, mã số, địa chỉ công ty, hợp đồng mẫu, trách nhiệm của đôi bên khi tham gia giao dịch, các chính sách lãi suất vay cụ thể như trả nợ trước hạn, chậm thời gian trả, lãi suất vay có đúng giới hạn của Bộ luật Dân sự là không cao hơn 20% một năm.

Cẩn thận những ứng dụng vay tiền nhưng yêu cầu phải cấp quyền truy cập danh bạ, truy cập các tài khoản mạng xã hội hay yêu cầu đóng các khoản phí hồ sơ bảo hiểm,… Tuyệt đối không thực hiện hình thức vay tiền qua nhiều ứng dụng khác nhau nhất là những ứng dụng không chính thống hoặc các hình thức cho vay kiểu “tín dụng đen”.

Ngoài ra, khi có nhu cầu vay một số tiền lớn không nên ham lợi nhiều hay nghe theo lời quảng cáo hấp dẫn. Nên đến các ngân hàng hoặc công ty tài chính uy tín để được hỗ trợ thực hiện thủ tục cho vay đúng với quy định của pháp luật hạn chế bị kẻ gian lừa đảo.

Trong trường hợp chẳng may bị rơi vào “bẫy” cần trình báo ngay với cơ quan chức năng gần nhất để được nhanh chóng giải quyết, xử lý kịp thời. Nhưng trước khi làm đơn tố giác cần chắc chắn thu thập được những chứng cứ, thông tin của ứng dựng lừa đảo và các hành vi lừa đảo, những chứng cứ có thể là dữ liệu điện tử, tài liệu, tin nhắn trao đổi về giao dịch, biên lai chuyển tiền,… Theo Bộ luật Tố tụng hình sự cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm là Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an... ơ nơi cư trú.

Nguyên Ngọc

Theo Chất lượng và cuộc sống