Cập nhật tiến độ xây dựng sân bay nghìn tỷ tại ‘thủ phủ resort’ của Việt Nam
Hiện tại, địa phương đã bàn giao mặt bằng cho các đơn vị của Bộ Quốc phòng 34/37 hồ sơ, còn lại 3 hồ sơ đang tiến hành thủ tục đền bù.
Sân bay Phan Thiết thuộc địa phận xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết, tổng diện tích hơn 542ha, giáp ranh huyện Bắc Bình và huyện Hàm Thuận Bắc, tổng vốn đầu tư 3.800 tỷ đồng.
Sân bay Phan Thiết được quy hoạch là sân bay lưỡng dụng, dùng chung cho cả mục đích dân sự và quân sự. Sân bay Phan Thiết chính thức khởi công ngày 18/1/2015. Từ đó đến nay, do thay đổi và điều chỉnh từ sân bay nhỏ cấp 4C lên cấp 4E, dẫn đến việc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án để trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Nguyên nhân khiến dự án xây dựng sân bay Phan Thiết chậm là các hạng mục BOT (nhà ga) phải thay đổi nhà đầu tư. Việc chấm dứt nhà đầu tư BOT cũ để lựa chọn nhà đầu tư mới hiện vẫn chưa hoàn thành.
Các gói thầu quân sự do Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư hiện đã thi công sắp hoàn thành. Tuy nhiên, nếu chưa xây dựng được nhà ga và các hạng mục BOT khác, vẫn chưa biết khi nào sân bay Phan Thiết hoàn thành.
Dẫn tin từ báo Thanh Niên, Sở GTVT Bình Thuận cho biết, dự án sân bay Phan Thiết đến thời điểm này vẫn chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hợp đồng BOT với chủ đầu tư cũ. Việc bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng vẫn chưa dứt điểm.
Hiện tại, địa phương đã bàn giao mặt bằng cho các đơn vị của Bộ Quốc phòng 34/37 hồ sơ, còn lại 3 hồ sơ đang tiến hành thủ tục đền bù. Đối với việc di dời 23 trụ điện cao thế 220kV, hiện nay còn 1 mặt bằng 144m2 của 1 hộ dân ở xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc chưa bàn giao. UBND huyện Hàm Thuận Bắc đang lên kế hoạch cưỡng chế vào đầu tháng 5 để bàn giao mặt bằng.
Đối với các công trình ảnh hưởng tĩnh không, các cơ quan thuộc UBND tỉnh Bình Thuận đang bổ sung hồ sơ để thực hiện đền bù.
Thời gian qua, nhiều tập đoàn lớn trong nước và quốc tế đã rót vốn đầu tư hạ tầng nghỉ dưỡng cao cấp ở Mũi Né - Phan Thiết, khiến nơi này được mệnh danh là “thủ phủ resort” của Việt Nam.