Cầu cạn 6km với tổng vốn 5.700 tỷ sắp ‘án ngữ’ ở cửa ngõ phía Nam, 'cứu nguy' cho Quốc lộ 51
Để giải quyết tình trạng ùn tắc trên Quốc lộ 51, đặc biệt đoạn qua TP. Biên Hòa, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI, Bộ Giao thông Vận tải) đã gửi đến UBND tỉnh Đồng Nai phương án xây dựng cầu cạn 6km với tổng mức đầu tư 5.700 tỷ đồng.
Mới đây, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP (TEDI) đã đề xuất phương án xây dựng cầu cạn chạy dọc Quốc lộ 51, đoạn nối từ ngã tư Vũng Tàu đến nút giao Cổng 11, theo báo Vnexpress.
Theo TEDI, đoạn tuyến Quốc lộ 51 nối từ ngã tư Vũng Tàu đến nút giao Cổng 11 đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ, TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương ra đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Quốc lộ 51 hiện tại cũng như các tỉnh phía Bắc.
Đây là đoạn tuyến có lưu lượng tham gia giao thông dày đặc, luôn trong tình trạng kẹt xe.
Để giải quyết vấn đề này, giảm tải cho Quốc lộ 51 cũng như nâng cao năng lực thông hành đoạn tuyến Quốc lộ 51 và 2 nút giao, TEDI đã đề xuất xem xét phương án xây dựng cầu cạn từ đầu nút giao ngã tư Vũng Tàu (phía đường Lê Văn Duyệt) vượt qua nút giao này, chạy dọc Quốc lộ 51 qua nút giao Cổng 11 kết nối xuống đường Võ Nguyên Giáp với chiều dài cầu cạn gần 6km.
Về quy mô, TEDI đề xuất cầu cạn dự kiến sẽ có 4 làn xe cơ giới với chiều rộng 17,5km, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.700 tỷ đồng.
TEDI mới đây cũng đã có buồi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai nhằm báo cáo các phương án về đầu tư, xây dựng nút giao ngã tư Vũng Tàu và Cổng 11.
Trong buổi làm việc này, CTCP đã đưa ra 4 phương án để xây dựng 2 nút giao với kinh phí cao nhất khoảng 20.000 tỷ đồng.
Cụ thể đối với nút giao ngã tư Vũng Tàu, phương án 1 sẽ xây dựng nút giao dạng bóng đèn đối với các hạng mục cầu vượt trực thông trên tầng 3 theo hướng QL51 đi qua cầu Hóa An và các nhánh rẽ trái gián tiếp, đồng thời xây dựng cầu vượt cho xe máy chạy dọc Quốc lộ 1 hiện hữu. Phương án này có tổng vốn đầu tư gần 2.900 tỷ đồng.
Phương án 2 sẽ xây dựng nút giao dạng hoa thị hoàn chỉnh, mở rộng cầu vượt hiện hữu nhằm đáp ứng lượng xe đi thẳng lên trên Quốc lộ 1 và các dòng rẽ theo nhánh hoa thị. Theo đó, xây dựng 14 công trình bán hầm, tổ chức giao thông dạng ô bàn cờ, giúp cho xe máy và xe đạp được lưu thông tách riêng với ô tô. Phương án này có nguồn vốn đầu tư lên đến gần 9.000 tỷ đồng.
Tại nút giao Cổng 11, đơn vị này cũng đã đưa ra 2 phương án đầu tư xây dựng gồm:
Phương án 1: Xây dựng nút giao hoa thị hoàn chỉnh tại nút giao ngã tư đường Võ Nguyên Giáp với đường Bùi Văn Hòa, toàn bộ xe ô tô sẽ được lưu thông trên tầng 2 và tầng 3, kết nối 1 tầng bằng các nhánh hoa thị, dưới mặt bằng được ưu tiên cho xe máy. Phương án này có vốn đầu tư hơn 8.400 tỷ đồng.
Phương án 2: Xây dựng nút giao liên thông hoàn chỉnh đối với các hạng mục cầu vượt trục thông dọc theo đường Võ Nguyên Giáp trên tầng 2 và cầu vượt trực thông theo đường Bùi Văn Hòa và Quốc lộ 51 trên tầng 3.
Các nhánh rẽ trái trực tiếp bằng cầu vượt, mặt bằng dưới cầu cũng sẽ được ưu tiên cho xe máy lưu thông. Phương án này có nguồn vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng.
Theo báo Dân Trí, hiện các phương án này đang được UBND tỉnh Đồng Nai xem xét.
Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông tỉnh Đồng Nai tính đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tuyến Quốc lộ 51 đoạn nối giữa 2 nút giao ngã tư Vũng Tàu tới cổng 11 được quy hoạch có quy mô 56m gồm 8 làn xe.
Đoạn QL51 có chiều dài 72km được xem là tuyến đường huyết mạch nối TP. HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuyến quốc lộ này thường xuyên rơi vào tình trạng đông xe, đặc biệt đoạn khu vực qua địa phận TP. Biên Hòa, thường tập trung nhiều khu công nghiệp. Ngoài việc cải tạo và mở rộng, dọc tuyến hiện cũng đang được xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nhằm giảm tải cho Quốc lộ 51.