Chậm triển khai, hàng trăm ha đất bị tái chiếm

TNNĐ-Công viên Sài Gòn Safari (gọi tắt là Safari) là dự án có quy mô lớn, đã được UBND TPHCM chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng từ năm 2004. Tuy nhiên, do chậm triển khai thực hiện, đến nay hàng trăm ha đất dự án được bồi thường đã bị tái chiếm.

Hơn 10 năm vẫn còn khiếu kiện

Dự án Safari có tổng diện tích 456ha, thuộc địa bàn 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi). Theo quy hoạch, Safari có 9 phân khu chức năng chính gồm: trung tâm hành chính, công viên chuyên đề, khu nuôi thả động vật hoang dã ban ngày, khu nuôi thả động vật ban đêm, vườn thú mở, vườn sưu tầm động vật, khu hạ tầng, khu hội nghị và bảo tàng, khu nhân giống bảo tồn và dự phòng phát triển.

Từ năm 2004, Safari là một trong những dự án lớn được kỳ vọng là mô hình công viên giải trí du lịch sinh thái, tổ chức nuôi dưỡng, trưng bày, nhân giống các loài động, thực vật trong nước và thế giới.

Để thực hiện dự án này, UBND TPHCM ra quyết định thu hồi đất, giao chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn và UBND huyện Củ Chi tiến hành bồi thường, xây dựng khu tái định cư cho 705 hộ dân; đồng thời TP phê duyệt 3 dự án bồi thường với chi phí gần 620 tỷ đồng. Trong 705 hộ dân ảnh hưởng, có 246 hộ đăng ký tái định cư, đã chi trả bồi thường, hỗ trợ được 688/705 hộ (đạt 97%).

 Chậm triển khai, hàng trăm ha đất bị tái chiếm - Ảnh 1>>> Có thể sẽ thu hồi giấy phép dự án 3,5 tỷ USD của tập đoàn Berjaya

TNNĐ- UBND TPHCM tìm hướng tháo gỡ khó khăn hoặc thu hồi dự án khu Đô thị Đại học quốc tế Việt Nam sau 10 năm cấp phép vẫn là bãi đất hoang.

Sau hơn 10 năm bồi thường, giải phóng mặt bằng, dự án vẫn còn 17 hộ chưa giải tỏa, trong đó có 1 hộ thuộc dự án xây dựng khu tái định cư và 16 hộ thuộc dự án xây dựng Safari. Trong tổng diện tích 456ha cần thu hồi, Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã nhận bàn giao 403ha.

Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Sở Kế hoạch - Đầu tư về tiến độ triển khai thực hiện dự án Safari, cho thấy một vấn đề đáng lưu ý là phần diện tích đất đã thu hồi bị người dân tái lấn chiếm rất lớn, lên đến 335ha (trong đó có 95ha được trồng cao su của Công ty Bò sữa TPHCM).

Bên cạnh việc tái lấn chiếm đất, 132 hộ dân (trong đó 17 hộ chưa giải tỏa và 115 hộ đã được bồi thường) bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn còn khiếu kiện. Theo những hộ dân này, trong khoảng thời gian hơn 10 năm, kể từ ngày UBND TP ký quyết định thu hồi và tạm giao đất, dự án vẫn chưa được triển khai trên khu đất đã được thu hồi, bỏ hoang, dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm; giá bồi thường giải phóng mặt bằng đã biến động theo từng năm; việc xác định pháp lý nguồn gốc đất để tính toán áp giá bồi thường chưa được chặt chẽ; việc triển khai xây dựng khu tái định cư còn chậm…

 Chậm triển khai, hàng trăm ha đất bị tái chiếm - Ảnh 2
Một góc safari Phú Quốc.

 

Kỳ vọng Vinpearl

Như ĐTTC đã từng có nhiều bài viết phản ánh, nguyên nhân khiến dự án Safari chậm tiến độ do khâu giải phóng mặt bằng quá chậm. Bên cạnh đó, dự án chưa tìm ra được nhà đầu tư có năng lực tài chính đủ mạnh, có kinh nghiệm và tâm huyết thực hiện.

Chính những nguyên nhân trên làm cho dự án rơi vào trạng thái bế tắc, ì ạch suốt hơn 10 năm qua. Trước tình trạng dự án trùm mền quá lâu khiến người dân bức xúc, dẫn tới khiếu nại khiếu kiện, trong năm 2015, chính quyền TP đã yêu cầu thanh tra, kiểm điểm trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc chậm triển khai dự án, để xảy ra nạn tái lấn chiếm đất.

Hiện nay, nhiều nút thắt của dự án có tổng mức đầu tư ước tính lên đến 500 triệu USD đang dần được tháo gỡ. Đó là tháng 5-2016, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương cho nhà đầu tư mới (CTCP Vinpearl) tiếp tục nghiên cứu đầu tư dự án Safari, đồng thời hối thúc các sở, ngành, đơn vị có liên quan hướng dẫn, hỗ trợ công ty này thực hiện nhanh các thủ tục cần thiết theo đúng quy định để sớm triển khai dự án. Nhà đầu tư mới được các cơ quan chuyên môn đánh giá là đơn vị có kinh nghiệm trong đầu tư khai thác các khu du lịch, vui chơi giải trí, chẳng hạn như Khu du lịch Hòn Ngọc Việt tại Nha Trang và Safari Phú Quốc.

Mới đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã chủ trì cuộc họp nghe nhà đầu tư trình bày các phương án quy hoạch, phương án thiết kế đề xuất đối với dự án. Trên cơ sở góp ý của các đơn vị liên quan, nhà đầu tư sẽ nghiên cứu điều chỉnh phương án thiết kế phù hợp và sớm trình quy hoạch 1/2.000 Safari.

Cùng với đó, Sở Kế hoạch - Đầu tư cũng kiến nghị UBND TP sớm xem xét, phê duyệt quy hoạch làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo. Cơ quan này kiến nghị TP giao Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Củ Chi rà soát, bổ sung dự án Safari vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm làm cơ sở công bố, trình UBND TP phê duyệt danh mục sử dụng đất và thực hiện các thủ tục giao thuê đất thực hiện dự án.

Có thể bạn quan tâm:

► Sân bay tắc nghẽn sao còn cắt đất làm sân golf?

► Nở rộ dự án nghỉ dưỡng bao quanh đất vàng sân bay Cam Ranh

► Sắt thép hoen gỉ trên dự án Eurowindow số 2 Tôn Thất Tùng

Theo Minh Tuấn
Báo Saigondautu