Chân dung Tập đoàn xây dựng miền Trung vừa bị 'trảm' ở dự án xây cao tốc

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, trong đó, khẩn trương hoàn thiện thủ tục điều chuyển khối lượng thi công còn lại của một nhà thầu do không đáp ứng tiến độ.

Bộ GTVT tải yêu cầu chuyển khối lượng còn lại của Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng miền Trung tại cao tốc Mai Sơn - QL45 cho Vinaconex.
Bộ GTVT tải yêu cầu chuyển khối lượng còn lại của Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng miền Trung tại cao tốc Mai Sơn - QL45 cho Vinaconex.

Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long khẩn trương hoàn thiện thủ tục điều chuyển khối lượng còn lại của Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng miền Trung cho Vinaconex trực tiếp thi công.

Nguyên nhân được Bộ GTVT chỉ ra là dù Bộ đã có nhiều văn bản đôn đốc, song tiến độ thi công Gói thầu XL-14 chưa đáp ứng yêu cầu bởi do năng lực tài chính của Công ty Cổ phần Tập đoàn Miền Trung (nhà thầu phụ thi công phần nền đường đoạn tuyến từ sau nút giao Đông Xuân tại tỉnh Thanh Hóa đến cuối Gói thầu) còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc tập kết vật liệu.

Đồng thời, yêu cầu Vinaconex tập trung nguồn lực tài chính triển khai thi công cuốn chiếu các lớp móng đường, thảm bê tông nhựa (BTN) ngay khi có công địa, thi công cuốn chiếu các hạng mục an toàn giao thông, lắp dựng biển báo trên đoạn từ đầu Gói thầu đến nút giao Đông Xuân; hoàn thành toàn bộ nút giao Đông Xuân trước ngày 31/3/2023 và hoàn thiện các hạng mục còn lại trước ngày 30/4/2023…

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 có tổng chiều dài 63,37km (đi qua tỉnh Ninh Bình 14,35km; qua tỉnh Thanh Hóa 49,02km). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước. Dự án được khởi công từ tháng 9/2020, và đặt mục tiêu đến tháng 12/2022 thông xe kỹ thuật.

Vào cuối tháng 12/2022, dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 chỉ thi công đạt được khoảng 80% khối lượng theo hợp đồng nên được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương cho kéo dài thời gian thực hiện dự án ngày 30/4/2023 thông xe ký thuật. Hoàn thành toàn dự án trước 30/6/2023.

Để kịp tiến độ về đích vào ngày 30/4 tới, Bộ GTVT đốc thúc các nhà thầu tiếp tục triển khai thi công 3 ca, 4 kíp, hoàn thành thi công khối lượng thảm bê tông nhựa còn lại trong tháng 3/2023; tiến hành tập kết vật tư, cấu kiện của hệ thống an toàn giao thông, biển báo, tiến hành lắp đặt ngay khi có công địa; triển khai thi công hệ thống đường gom…

"Trong thời gian tới, các hạng mục thi công còn lại của dự án là những hạng mục rất quan trọng (móng, mặt đường...) đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ thuật, mỹ thuật và chất lượng, Ban QLDA Thăng Long phải tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng, chỉ đạo tư vấn giám sát thường xuyên có mặt hiện trường, giám sát chặt chẽ chất lượng công trình; kịp thời chấn chỉnh tư vấn giám sát trong công tác quản lý chất lượng công trình", Bộ GTVT chỉ đạo.

Chân dung Tập đoàn xây dựng miền Trung

Theo tìm hiểu, Tập đoàn xây dựng miền Trung (trụ sở đóng tại số 89, đường Võ Nguyên Giáp, phường Quảng Thành, TP. Thanh Hoá) tiền thân là Công ty Xây dựng giao thông thủy lợi Thanh Hóa (công ty TNHH) được thành lập năm 1994 với chuyên ngành chính là xây dựng giao thông thủy lợi vừa và nhỏ.

Vào năm 2009, Công ty Xây dựng giao thông thủy lợi Thanh Hóa đổi tên thành Tổng công ty Cổ phần đầu tư xây dựng thương mại Miền Trung và từ năm 2015 thì mang tên như hiện nay.

Tập đoàn xây dựng miền Trung được biết đến là cơ nghiệp của họ Mai, do ông Mai Xuân Thực sáng lập. Tính đến hết năm 2019, ông Thực đang có tỷ lệ sở hữu 39%. Bà Lê Thanh Hoa nắm 38%. Cổ đông cá nhân khác là Nguyễn Thị Dinh đã thoái vốn.

Tuy vậy, ông Thực đã sớm “nhường ngôi” chủ tịch HĐQT cho con trai mình, ông Mai Xuân Thông. Ông Thông, sinh năm 1979, hiện đang là phó chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Tỉnh ủy viên Thanh Hóa khóa 19 (nhiệm kỳ 2020 – 2025). Đây cũng là nhiệm kỳ Tỉnh ủy viên Thanh Hóa thứ hai liên tiếp của ông.

Tại Thanh Hóa, Tập đoàn xây dựng miền Trung là một thế lực nổi bật, một “đại gia” hàng đầu. Các dự án đáng kể nhất của tập đoàn này gồm: dự án đầu tư có sử dụng đất khu dân cư phía tây đường CSEDP thuộc khu dân cư tây nam đường Nguyễn Phục, phường Quảng Thắng, TP. Thanh Hóa  (diện tích khoảng 18,8ha); dự án khu đô thị mới dọc đại lộ Nam sông Mã, tại phường Đông Hải, TP. Thanh Hóa (quy mô 48ha); dự án khu dân cư phía tây đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Quảng Thắng (diện tích quy hoạch khoảng 30ha) hay dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Thái miếu nhà Hậu Lê tại phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa với quỹ đất đối ứng lên đến gần 70ha…

Trong lĩnh vực chuyên ngành (xây dựng công trình giao thông đường bộ), Tập đoàn xây dựng miền Trung là doanh nghiệp thi công loạt dự án “khủng” ở Thanh Hoá như: Dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn theo hình thức BOT, với tổng vốn đầu 4.111 tỷ đồng; Dự án đầu tư mở rộng quốc lộ 4D nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sapa theo hình thức hợp đồng BOT, với tổng mức đầu tư 2.518 tỷ đồng; Dự án đường Hồi Xuân - Tén Tằn; đường trong Khu công nghiệp số 3 KKT Nghi Sơn; đường Vành đai phía Tây TP.Thanh Hóa, đường 433 Hòa Bình…

Tập đoàn xây dựng miền Trung cũng là doanh nghiệp đã liên danh với Công ty Cổ phần Đầu tư dây dựng và thương mại Minh Hương tham gia đấu thầu dự án Khu dân cư phía Tây đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Quảng Thắng, TP.Thanh Hóa…

Với tổng tài sản đến năm 2020 đạt 4.727 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 2.690 tỷ đồng (vốn điều lệ là 2.689 tỷ đồng) thì Tập đoàn xây dựng miền Trung có thể được xem là một doanh nghiệp có sức ảnh hưởng lớn tại Thanh Hóa. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này những năm gần đây không mấy khởi sắc. Hiện nay, quy mô tài sản của Tập đoàn xây dựng miền Trung đang bị giảm dần đều.

Văn Tuân

VietnamFinance