Chào bán chứng khoán sai quy định: Sai mà không thể huỷ bỏ

Đối với trường hợp chứng khoán chào bán là cổ phiếu, việc huỷ bỏ đợt chào bán chỉ khả thi khi các cổ phiếu này chưa được đưa vào giao dịch. Sau khi đưa vào giao dịch, việc huỷ bỏ đợt chào bán không thể thực hiện được.

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật, trong đó có Luật Chứng khoán. Quan điểm của Bộ Tài chính là tiếp tục hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Chào bán chứng khoán sai quy định: Sai mà không thể huỷ bỏ - Ảnh 1

Khó huỷ nếu cổ phiếu đã được giao dịch

Bộ Tài chính cho biết Luật Chứng khoán (Điều 28) đã có quy định về các trường hợp huỷ bỏ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng, tuy nhiên mới chỉ quy định việc huỷ đợt chào bán khi đợt chào bán chưa hoàn thành và chỉ áp dụng đối với trường hợp chào bán ra công chúng, không bao gồm các đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ. Điều này gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan quản lý khi các gian lận, sai sót hoặc các hành vi lừa đảo được phát hiện sau khi đợt chào bán đã hoàn thành.

Theo Bộ Tài chính, về cơ bản, việc huỷ các đợt chào bán trái phiếu (bao gồm ra công chúng và riêng lẻ) sau khi đợt chào bán đã hoàn thành là khả thi nếu Luật Chứng khoán có quy định về vấn đề này.

Tuy nhiên, đối với trường hợp chứng khoán chào bán là cổ phiếu, việc huỷ bỏ đợt chào bán chỉ khả thi khi các cổ phiếu này chưa được đưa vào giao dịch. Sau khi đưa vào giao dịch, việc huỷ bỏ đợt chào bán không thể thực hiện được do không phù hợp với nguyên tắc đăng ký, lưu ký tập trung và nguyên tắc giao dịch tập trung, đa phương trên thị trường chứng khoán. Về mặt kỹ thuật, việc huỷ bỏ các đợt chào bán có yếu tố gian lận, lừa đảo hay sai sót nghiêm trọng cũng là bất khả thi do không thể bóc tách các cổ phiếu và người sở hữu các cổ phiếu được chào bán trên cơ sở các hành vi gian lận, lừa đảo hay sai sót nghiêm trọng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cho hay hành vi góp vốn ảo, vốn khống là hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 16 Luật Doanh nghiệp. Trong trường hợp phát hiện ra hành vi tăng vốn ảo, vốn khống, theo các quy định của Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ huỷ bỏ đăng ký thay đổi vốn điều lệ và cấp giấy chứng nhận mới. Cũng theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì “vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán” (Điều 112). Như vậy, khi nội dung về vốn điều lệ trong giấy đăng ký kinh doanh thay đổi, số lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường cũng phải được điều chỉnh. Tuy nhiên, trong trường hợp các cổ phiếu này đã được đưa vào niêm yết hoặc giao dịch tập trung, việc bóc tách các cổ phiếu và người nắm giữ cổ phiếu phát hành trên cơ sở các hành vi lừa đảo, gian lận là không thể thực hiện được.

“Vấn đề này cũng gây khó khăn cho cả chính các cơ quan tiến hành tố tụng khi khởi tố các vụ án lừa đảo liên quan đến chứng khoán. Việc không thể bóc tách các cổ phiếu tăng trên cơ sở các hành vi gian lận, lừa đảo gây nhiều khó khăn trong việc xác định người bị hại. Mức độ thiệt hại cũng khó có thể xác định do giá mua, giá bán cổ phiếu trên thị trường biến đổi liên tục; việc thua lỗ của nhà đầu tư, người bị hại bị ảnh hưởng bởi cả yếu tố gian lận lẫn yếu tố thị trường và cũng không có căn cứ để xác định được ảnh hưởng của từng yếu tố lên giá mua, giá bán hay xác định mức độ thiệt hại của nhà đầu tư có nguyên nhân từ hành vi gian lận”, Bộ Tài chính nhận định.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 28 Luật Chứng khoán theo hướng bổ sung quy định về một số trường hợp hủy bỏ đợt chào bán như phát hiện đợt chào bán trái phiếu, chứng quyền có bảo đảm ra công chúng đã được niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 27 Luật Chứng khoán; cùng với đó, bổ sung quy định không hủy bỏ đợt chào bán...

 

Về mặt kỹ thuật, việc huỷ bỏ các đợt chào bán có yếu tố gian lận, lừa đảo hay sai sót nghiêm trọng là bất khả thi do không thể bóc tách các cổ phiếu và người sở hữu các cổ phiếu được chào bán trên cơ sở các hành vi gian lận, lừa đảo hay sai sót nghiêm trọng.

                                                                                                           Bộ Tài chính

 

Bên cạnh vấn đề huỷ bỏ đợt chào bán chứng khoán, Bộ Tài chính cũng cho biết Luật Chứng khoán hiện chưa quy định trách nhiệm đầy đủ các chủ thể là cá nhân, tổ chức tham gia vào quá trình lập hồ sơ chào bán như tổ chức thẩm định giá độc lập, các thẩm định viên tham gia thẩm định giá… dẫn đến nhiều tổ chức, cá nhân chưa ý thức được trách nhiệm của mình, làm ảnh hưởng đến chất lượng của thông tin cung cấp cho nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước mất nhiều thời gian xem xét, xử lý hồ sơ chào bán, ảnh hưởng đến tiến độ phục vụ người dân và doanh nghiệp;

Quy định hiện hành chỉ có quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng mà chưa có quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình chào bán chứng khoán riêng lẻ;

Quy định hiện hành cũng không có quy định trách nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên của các tổ chức phát hành trong việc thu thập các căn cứ, bằng chứng, cơ sở tính toán, các hồ sơ, tài liệu tham chiếu kèm theo trước khi trình Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành, phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán, dẫn đến không thể hiện được tính hợp lý, công bằng, công khai, minh bạch, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Đồng thời, Luật hiện hành chưa quy định cụ thể, đầy đủ trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến hồ sơ niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán, ảnh hưởng đến thông tin cung cấp cho nhà đầu tư.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung Điều 9a vào sau Điều 9 của Luật Chứng khoán theo hướng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, bao gồm: Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ hoặc tham gia vào quá trình lập hồ sơ, tài liệu báo cáo; cơ quan, tổ chức tiếp nhận hồ sơ, tài liệu báo cáo; tổ chức tư vấn hồ sơ; tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên được chấp thuận ký báo cáo kiểm toán; doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá; tổ chức bảo lãnh phat hành, các tổ chức, cá nhân ký xác nhận các tài liệu trong hồ sơ.

Chào bán chứng khoán sai quy định: Sai mà không thể huỷ bỏ - Ảnh 2

Luật hoá thêm các hành vi thao túng TTCK

Mô tả chi tiết các hành vi được coi là thao túng TTCK được quy định tại khoản 1 Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017, theo đó các hành vi được coi là thao túng TTCK được mô tả tương tự như quy định về các hành vi thao túng TTCK quy định tại khoản 2 Điều 70 Nghị định 58/2012/NĐ-CP trước đây.

Do ban hành trước thời điểm Luật Chứng khoán 2019 nên hành vi thao túng TTCK quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 không bao gồm mô tả hành vi “kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng” như được nêu tại Luật Chứng khoán 2019.

Để mô tả chi tiết các hành vi thao túng TTCK trong xử phạt hành chính tương ứng với Luật Chứng khoán 2019, Khoản 2 Điều 3 Nghị định 156/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK đã quy định chi tiết các hành vi được coi là thao túng TTCK tương tự như Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017, có bổ sung thêm nội dung “kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng”.

Bộ Tài chính cho biết thời gian qua, việc xử phạt hành chính các hành vi thao túng TTCK chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự vẫn đảm bảo phù hợp, xử lý răn đe vi phạm. Tuy nhiên, cần thiết bổ sung thêm quy định chi tiết các hành vi thao túng TTCK tại Luật Chứng khoán để đảm bảo quy định thống nhất giữa Luật Chứng khoán 2019 và Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi năm 2017 trong mô tả hành vi được coi là thao túng TTCK, đảm bảo hiệu lực pháp lý cao hơn (quy định tại Luật thay vì tại Nghị định) trong xử lý hành vi thao túng.

Đồng thời, qua công tác giám sát, kiểm tra giao dịch trên TTCK Việt Nam thời gian qua, có những nhà đầu tư/nhóm nhà đầu tư chỉ giao dịch 01 hoặc một số ngày (có thể không liên tục) nhưng đó là hành vi cố ý tác động đến giá đóng cửa hoặc mở cửa cho loại chứng khoán đó, vì vậy, khi luật hóa quy định về hành vi thao túng tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính đề xuất bỏ cụm từ “liên tục” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (“c. Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường”) cho phù hợp với các hành vi thực tế diễn ra trên TTCK Việt Nam hiện nay.

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 12 (các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và TTCK), Bộ Tài chính kiến nghị luật hóa quy định về hành vi thao túng TTCK từ Nghị định 156/2020/NĐ-CP bao gồm cụ thể các hành vi như: Mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường; đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự…

 

 

 

 

 

 

 

 

Thanh Long

Theo VietnamFinance