Sửa đổi Luật Chứng khoán: Trái phiếu chào bán ra công chúng phải có TSĐB?
Bộ Tài chính kiến nghị bổ sung điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng “phải có tài sản đảm bảo (TSĐB) hoặc được bảo lãnh ngân hàng theo quy định của pháp luật” khi sửa đổi Luật Chứng khoán.
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật, trong đó có Luật Chứng khoán. Một trong những nội dung quan trọng của lần sửa đổi Luật Chứng khoán lần này là nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán.
Bộ Tài chính cho biết một trong những mục tiêu của Bộ khi sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán là tiếp tục nâng cao chất lượng, tính minh bạch trong hoạt động chào bán, phát hành chứng khoán (bao gồm trái phiếu ra công chúng, cổ phiếu và trái phiếu riêng lẻ), bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, ngăn chặn hành vi gian lận khi đưa hàng hóa lên thị trường chứng khoán (TTCK). Qua đó, tạo điều kiện cho TTCK phát triển, Chính phủ, các doanh nghiệp có khả năng huy động nguồn lực dài hạn, chi phí phù hợp để phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.
Trên cơ sở những vướng mắc trong Luật Chứng khoán hiện hành, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất tại Khoản 2 Điều 15 (điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng) bổ sung nội dung “ngoại trừ chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu” thì không phải đạt tỷ lệ tối thiểu 70% số cổ phiếu được chào bán trong trường hợp chào bán ra công chúng nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành.
Đáng chú ý, tại Khoản 3 Điều 15 (điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng), Bộ Tài chính kiến nghị bổ sung điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng “phải có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh ngân hàng theo quy định của pháp luật”.
Về chào bán chứng khoán (cổ phiếu và trái phiếu) riêng lẻ của công ty đại chúng, Bộ Tài chính muốn bổ sung các quy định liên quan đến nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (Điều 11 Luật Chứng khoán). Cụ thể, bổ sung đối với công ty có vốn điều lệ đã góp trên 100 tỷ đồng thì “phải có thời gian hoạt động tối thiểu 02 năm”. Đối với cá nhân, bổ sung quy định “(i) phải tham gia đầu tư chứng khoán trong thời gian tối thiểu 02 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 04 quý gần nhất; (ii) có thu nhập tối thiểu 01 tỷ đồng mỗi năm trong 02 năm gần nhất”.
Đồng thời, bổ sung thêm quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp gồm nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài. Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 11 quy định: “1a. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là tổ chức theo quy định tại khoản 1 Điều này.”.
Tại Điểm a, điểm c khoản 1 Điều 31 về điều kiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ của công ty đại chúng, Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi, bổ sung, quy định rõ “Đại hội đồng cổ đông phải quyết định về số lượng cổ phiếu, giá chào bán hoặc nguyên tắc xác định giá chào bán”; tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng từ 01 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp lên thành 03 năm tương ứng với nhà đầu tư chiến lược.
Phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư
Lý giải thêm về các đề xuất theo hướng nâng điều kiện mua trái phiếu doanh nghiệp trên, Bộ Tài chính cho biết tại các thị trường chứng khoán trên thế giới, trái phiếu phát hành riêng lẻ được coi là một loại “chứng khoán ngoại trừ” nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Chứng khoán và khi thực hiện việc phát hành, tổ chức phát hành không phải đăng ký, không chịu sự quản lý của Uỷ ban Chứng khoán các nước. Về nguyên tắc, thị trường trái phiếu riêng lẻ là một thị trường đặc biệt có mức độ rủi ro cao, nên đối tượng tham gia thị trường này được hạn chế trong số lượng nhỏ nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm chuyên môn có khả năng nhận biết và chấp nhận rủi ro.
Thời gian qua, thị trường trái phiếu phát hành riêng lẻ ở nước ta đang hoạt động chưa phù hợp với bản chất của thị trường này, thực tế cho thấy nhiều đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ được phân phối cho hàng nghìn nhà đầu tư cá nhân, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ (trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu trái phiếu thông qua các hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng mua bán lại…), thường là các nhà đầu tư có giá trị đầu tư thấp, không thực sự có kinh nghiệm chuyên môn và khả năng nhận biết rủi ro khi tham gia đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ.
Những bất cập này đã được xử lý thông qua việc ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, đồng thời tăng cường việc kiểm soát chặt chẽ các kênh phân phối trên thị trường sơ cấp, thứ cấp.
Những quy định như trong đề xuất là để tiếp tục hỗ trợ thị trường phát hành trái phiếu riêng lẻ đi vào hoạt động đúng bản chất và phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao hơn tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư, cũng như bảo đảm an toàn, phòng ngừa rủi ro cho các nhà đầu tư trái phiếu riêng lẻ.