Chi phí dự phòng và lãi dự thu tại VietABank và Saigonbank tăng mạnh, nợ xấu vẫn 'mơ hồ'
Đã nhiều năm nay, nợ xấu của VietABank và Saigonbank vẫn là một ẩn số đối với các nhà đầu tư.
Vừa qua, Ngân hàng TMCP Việt Á – VietABank vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2020 với kết quả kinh doanh kém sáng. Hoạt động chính đem về khoản thu nhập lãi thuần tăng 66%, ghi nhận hơn 558 tỷ đồng, đóng góp gần 86% tổng thu nhập hoạt động. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng vọt 153%, lên 495 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong quý 3/2020, Ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro tăng đến 278% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 476 tỷ đồng, khoản chi phí trích lập này đã “bào mòn” lợi nhuận của VietABank. Kết quả, lợi nhuận trước và sau thuế quý 3 của VietABank giảm đến 74% so với cùng kỳ, chỉ còn 18,4 tỷ đồng và 18,3 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm 2020, VietABank mạnh tay trích lập dự phòng tăng đến 205% so với cùng kỳ, lên mức gần 685 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước thuế của VietABank chỉ đạt 167 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kì và thực hiện được hơn 40% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 151 tỷ đồng, tăng 10%.
Đáng lưu ý, trong 9 tháng đầu năm 2020, lãi dự thu tại VietABank tăng vọt 48%, lên mức 4.596 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/9/2020, tổng tài sản của Saigonbank xấp xỉ đầu năm, ghi nhận gần 77.466 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm mạnh 41% đạt gần 1.734 tỷ đồng; tiền vàng gửi tại TCTD khác và cho vay TCTD khác giảm 26% chỉ còn 8.620 tỷ đồng; các công cụ phái sinh và các tài sản tài chính khác giảm gần 100%, xuống còn 385 triệu đồng.
Ngoài ra, tiền gửi và vay các TCTD khác cũng giảm 46% so với đầu năm, ghi nhận 11.515 tỷ đồng; tiền gửi của khách hàng tăng 20%, lên 56.934 tỷ đồng; vốn tài trợ, ủy thác đầu tư giảm 55%, xuống còn gần 3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nợ xấu của VietABank đến nay vẫn là một ẩn số đối với các nhà đầu tư, khi mà từ năm 2018 đến nay, nhà băng này không công khai phần thuyết minh của báo cáo tài chính.
Có điều, số lãi dự thu và chi phí dự phòng rủi ro còn khá cao, không chỉ tạo nghi ngờ về con số nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng, mà đặt ra nghi vấn về độ minh bạch của các số liệu trong báo cáo?
Chưa kể nhìn vào BCTC hợp nhất quý 3/2020, có thể thấy chất lượng sử dụng nguồn tiền của VietABank cũng gặp vấn đề khi ghi nhận nhiều con số âm. Cụ thể, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng âm hơn 5.288 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần trong kỳ ghi nhận âm gần 4.142 tỷ đồng,…
Thêm nữa, trong 5 năm trở lại đây, khả năng sinh lời của VietAbank không có sự thay đổi rõ rệt, vẫn ở mức thấp so với các ngân hàng khác có cùng quy mô.
Chỉ số sinh lời trên vốn sở hữu (ROE) từ năm 2016 - 2018 luôn dưới 3%, đến 2019 nhỉnh lên 5,6%. Trong khi một số ngân hàng cùng quy mô như ABBank (13,78%), TPBank (26,11%),…
Tính đến nay, VietABank cũng chưa hề có động thái nào về việc sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán khi thời hạn hết năm 2020, toàn bộ các NHTM niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức đang đến gần.
Ngoài VietABank, ngân hàng Saigonbank đã nhiều năm nay "giấu" nợ xấu. Theo đó, Saigonbank vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2020 với kết quả kinh doanh không khả quan cho lắm so với cùng kỳ. Quý 3/2020, Ngân hàng đã mạnh tay trích lập dự phòng tăng đến 94% so với cùng kỳ, lên mức gần 21 tỷ đồng. Kết quả, lãi trước và sau thuế giảm 61% và 64%, chỉ còn gần 52 tỷ đồng và hơn 45 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước và sau thuế của Saigonbank giảm lần lượt 20% và 26% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 177 tỷ đồng và gần 146 tỷ đồng.
Tương tự như VietABank, lãi dự thu tại Saigonbank trong 9 tháng đầu năm 2020 cũng tăng 35% so với đầu năm, lên mức hơn 279 tỷ đồng.
Ngày 15/10/2020, Saigonbank chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 25.800 đồng/cp. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào lên sàn cũng tăng giá, ngay chính ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu SGB đã "nằm sàn” với giá chốt phiên 15.500 đồng/cp.
Hiện, thị giá SGB sau 13 ngày giao dịch trên sàn chứng khoán đã giảm về mức 13.100 đồng/cp (chốt phiên 28/10), giảm 49% kể từ khi đăng ký giao dịch.