Chính sách tiền tệ và tài khoá như thế nào để giúp thế giới vượt khó khăn do Covid-19?

Chính phủ và NHTW các nước đã thực hiện nhiều chính sách tiền tệ nới lỏng và tài khóa mở rộng với các gói hỗ trợ quy mô lớn chưa từng có...

Dịch Covid-19 xuất hiện từ cuối năm 2019 đã và đang gây ra muôn vàn khó khăn cho toàn thế giới. Nhiều tổ chức đánh giá ảnh hưởng của đại dịch này tới nền kinh tế còn nghiêm trọng hơn nhiều so với đại khủng hoảng 2007 - 2008. Số liệu thống kê đến ngày 13/9 cho thấy toàn thế giới đã có hơn 29 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó hơn 925 nghìn người đã tử vong.

Nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Chính phủ và NHTW các nước đã thực hiện nhiều chính sách tiền tệ nới lỏng và tài khóa mở rộng với các gói hỗ trợ quy mô lớn chưa từng có, cùng với các chính sách y tế - xã hội nhằm giảm thiểu thiệt hại từ dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cộng đồng và đảm bảo an sinh xã hội.

Chính sách tiền tệ và tài khoá như thế nào để giúp thế giới vượt khó khăn do Covid-19? - Ảnh 1

Theo báo cáo vừa công bố ngày 13/9 của TS. Cấn Văn Lực và các tác giả Viện Nghiên cứu & Đào tạo BIDV, về chính sách tiền tệ - tín dụng, Chính phủ, NHTW các nước thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ một cách mạnh mẽ, chưa từng có tiền lệ (như chương trình mua trái phiếu doanh nghiệp của Fed hay cho vay lãi suất 0% hỗ trợ trả lương của Ngân hàng TW Trung Quốc - PBoC). Các chính sách này có thể tổng hợp gồm 7 giải pháp chính.

Một là: Hạ lãi suất điều hành tạo định hướng lãi suất và giảm lãi suất cho các tổ chức tín dụng (qua kênh cho vay tái cấp vốn, tái chiết khấu) để các tổ chức tín dụng (TCTD) có thể hạ lãi suất cho vay (đa số các nước, trong đó có cả Việt Nam)

Hai là: hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để các TCTD có thêm nguồn vốn cho vay, qua đó gián tiếp bơm thêm tiền vào nền kinh tế (như Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia);

Ba là; hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua cam kết mua trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và chứng khoán thế chấp bằng nhà ở (như Mỹ có gói nới lỏng định lượng trị giá 700 tỷ USD để mua lại các khoản vay, trái phiếu; EU có chương trình mua trái phiếu khẩn cấp (PEPP) trị giá 1.350 tỷ EUR đến giữa năm 2021, bổ sung 120 tỷ EUR cho chương trình mua tài sản năm 2020, Nhật Bản tăng hạn mức mua trái phiếu, thương phiếu doanh nghiệp lên 7.400 tỷ Yên (70 tỷ USD); Trung Quốc mua lại các khoản cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ nhằm tăng thanh khoản và nguồn vốn rẻ cho các NHTM;

Bốn là: cho các NHTM vay lãi suất thấp để có thể cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi hơn (một dạng hỗ trợ lãi suất như Anh, Nhật, Thái Lan);

Năm là: cung cấp gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản và trả lương (Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Việt Nam);

Sáu là: cho phép giãn, hoãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới với lãi suất ưu đãi hơn (Việt Nam, Trung Quốc, Anh);

Và bảy là: tăng cường các biện ổn định tỷ giá và thanh khoản của hệ thống tài chính thông qua việc thực hiện thỏa thuận hoán đổi tiền tệ (Mỹ, Canada, Nhật Bản, Châu Âu, Thụy Sỹ)

Theo Mộc Diệp/ Sở hữu trí tuệ

Like nguồn: https://sohuutritue.net.vn/chinh-sach-tien-te-va-tai-khoa-nhu-the-nao-de-giup-the-gioi-vuot-kho-khan-do-covid-19-d82417.html