Chống sở hữu chéo ngân hàng: 'Chỉ có công khai minh bạch thì mới có giám sát thực sự'
Những thay đổi trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024 được kỳ vọng sẽ minh bạch hóa, giảm thiểu tình trạng ngân hàng “tuồn vốn” vào các công ty “sân sau” hoặc rót vốn “ưu đãi nội bộ”.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các thông tin của cá nhân và người liên quan. Đồng thời, luật này đã điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của cổ đông là tổ chức từ 15% xuống 10% và tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa cổ đông và người có liên quan, từ 20% xuống 15%.
Từ lâu, việc ngân hàng “tuồn vốn” vào các công ty “sân sau” hoặc rót vốn “ưu đãi nội bộ” dẫn đến các rủi ro hệ thống đã là một vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, những quy định mới trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024 được kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề sở hữu chéo và lũng đoạn ngân hàng.
Phát biểu tại Hội thảo “Xây dựng tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam” của Viettimes, TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia - nhận định, tính minh bạch là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của Luật Tổ chức tín dụng mới. Ông cho rằng việc kiểm tra nguồn gốc vốn góp là rất cần thiết để đảm bảo tính minh bạch của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc điều hành Công ty Luật ANVI, nguyên Phó Tổng Giám đốc Maritime Bank - khẳng định “chỉ có công khai minh bạch thì mới có giám sát thực sự”. Ông dẫn chứng, có những người không hoạt động kinh doanh, sản xuất, không nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng lại sở hữu hàng nghìn tỷ đồng vốn ngân hàng.
“Chỉ khi công khai cổ đông ngân hàng sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên thì công chúng mới nhìn rõ được và các cơ quan chức năng mới xem xét”, ông Đức nói.
PGS Đào Hùng - nguyên Giám đốc Học viện chính sách và phát triển - cũng cho rằng từ trước đến nay, chưa có bộ luật nào tốt như Luật các tổ chức tín dụng năm 2024, đặc biệt là những quy định liên quan đến vấn đề sở hữu chéo.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, quá trình thực thi bộ luật trên vẫn còn một số bất cập.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trương Thanh Đức cho rằng, dù Luật kiểm soát được các cổ đông nắm từ 1% vốn ngân hàng trở lên nhưng vẫn có thể “lách luật” nếu 10 cổ đông, mỗi người được nhờ đứng tên sở hữu suýt soát 1% thì đã thành số gần gấp đôi giới hạn đối với một cổ đông cá nhân, mà không phải công khai, tức không bị giám sát chặt.
Còn theo TS Lê Xuân Nghĩa, việc thực thi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 gặp khó khăn do chưa có cải cách đồng bộ về hành chính, pháp lý và nâng cao hiệu quả giám sát, thanh tra.
Công tác giám sát và thanh tra hoạt động của các ngân hàng thương mại vẫn còn nhiều bất cập. “Vụ việc của ngân hàng SCB là một ví dụ cho thấy những bất cập của công tác giám sát, thanh tra hoạt động của các ngân hàng thương mại đã tồn tại trong nhiều năm. Nếu chúng ta không có cải cách thực sự về hành chính và pháp lý thì tình trạng này sẽ khó có thể thay đổi”, ông Nghĩa nhận định.
Theo ông Nghĩa, NHNN cần ban hành các văn bản hướng dẫn và yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tuân thủ Luật Tổ chức tín dụng trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Đồng thời, cũng cần có cải cách thực sự về hành chính, pháp lý và nâng cao hiệu quả giám sát, thanh tra thì Luật Tổ chức tín dụng mới có thể được thực thi một cách nghiêm túc.
Trong khi đó, ông Trương Thanh Đức cho rằng, bên cạnh tăng cường công tác thanh tra, giám sát thì bản thân các ngân hàng, cổ đông và các khách hàng phải tự ý thức về vấn đề minh bạch hóa.
“Chúng ta không nên đặt quá nhiều trách nhiệm lên ‘vai’ cơ quan chức năng, Nhà nước. Dù luật “chặt” hay “lỏng” thì điều quan trọng nhất vẫn là bản thân các ngân hàng, cổ đông và khách hàng phải tự mình tôn trọng các nguyên tắc, chuẩn mực, đề cao việc tuân thủ. Chỉ khi đó, chúng ta mới bảo đảm được hiệu quả và hiệu lực của pháp luật ngân hàng”, ông Đức nhấn mạnh.