Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính có ý kiến về metro đi Cần Giờ của Vingroup
Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính có ý kiến về đề xuất bổ sung đường sắt đi Cần Giờ vào nghị quyết 188 để áp dụng cơ chế đặc thù đặc biệt khi triển khai đầu tư.
Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Xây dựng để góp ý kiến về kiến nghị của UBND TP.HCM, liên quan đến việc bổ sung tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP.HCM với huyện Cần Giờ vào danh mục dự án thuộc cơ chế đặc thù của Nghị quyết 188 nghị quyết về phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM.
Theo Bộ Tư pháp, về mặt pháp lý, Nghị quyết 188 cho phép Chính phủ được điều chỉnh danh mục dự án tại phụ lục đi kèm, dựa trên đề xuất của các địa phương. Do đó, đề nghị của TP. HCM về việc bổ sung tuyến đường sắt đi Cần Giờ là phù hợp với thẩm quyền được quy định trong nghị quyết.

Hiện Thủ tướng đã chỉ đạo TP. HCM khẩn trương nghiên cứu tiền khả thi dự án, đồng thời kêu gọi nhà đầu tư có năng lực tham gia, với hạn báo cáo dự kiến vào tháng 4/2025. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp lưu ý rằng Nghị quyết 188 hiện mới chỉ đề cập đến việc huy động vốn đầu tư công, vốn ODA và vốn vay ưu đãi, chưa có quy định cụ thể về cơ chế sử dụng vốn tư nhân cho các dự án được bổ sung. Vì vậy, nếu bổ sung tuyến Cần Giờ vào danh mục, TP.HCM cần làm rõ cơ chế thực hiện phù hợp với pháp luật và đảm bảo tính khả thi.
Về phần mình, Bộ Tài chính cho biết tuyến đường sắt kết nối Cần Giờ đã được xác định là một dự án tiềm năng trong Quy hoạch TP. HCM giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến 2050. Việc bổ sung tuyến này vào danh mục nghị quyết 188 sẽ tạo điều kiện áp dụng các cơ chế đặc thù, giúp huy động nguồn lực hợp pháp, rút ngắn thủ tục và đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Ngoài ra, việc phân cấp, phân quyền cho TP.HCM thực hiện dự án cũng sẽ phù hợp hơn với đặc điểm địa phương, phát huy tính chủ động, từ đó đảm bảo hiệu quả đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Xây dựng với vai trò cơ quan chuyên môn về giao thông phối hợp cùng TP. HCM đánh giá cụ thể tính cấp thiết và hiệu quả đầu tư dự án, đồng thời làm rõ phương án huy động và cân đối nguồn vốn để đảm bảo hiệu quả, phòng ngừa rủi ro lãng phí, tham nhũng hoặc tiêu cực trong triển khai.