Chốt thời gian khởi công sân bay đặc biệt là giao điểm 2 miền Nam - Bắc
Dự kiến đến tháng 7/2026, dự án này sẽ được đưa vào khai thác, sử dụng.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị và liên danh nhà đầu tư T&T - CIENCO 4 đã thống nhất thời gian khởi công dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị.
Theo đó, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị sẽ được khởi công vào ngày 6/7 tới đây.
Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại ngày 20/12/2021 và được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 8/2023.
Cảng hàng không Quảng Trị được thực hiện tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị với quy mô hơn 265ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng, được xây dựng đạt tiêu chuẩn Cảng hàng không cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II, có khả năng phát triển khai thác tàu bay Code E, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.
Thời gian thực hiện dự án là 50 năm, trong đó thời gian chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng là 24 tháng; thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn là 47 năm 2 tháng.
Dự kiến đến tháng 7/2026, Cảng hàng không Quảng Trị sẽ được đưa vào khai thác, sử dụng.
Cảng hàng không Quảng Trị được xác định là 1 trong 16 Cảng hàng không quốc nội thời kỳ 2021-2030.
Đồng thờ, dự án là 1 trong 19 Cảng hàng không quốc nội tầm nhìn đến năm 2050 theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trước đó, cuối tháng 12/2023, tỉnh Quảng Trị đã trao Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp dự án PPP cho Liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T (thành viên Tập đoàn T&T Group) và Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4.
Quảng Trị là một tỉnh nằm ở dải đất miền Trung, nơi chuyển tiếp giữa hai miền địa lý Bắc - Nam của Việt Nam.
Nơi đây có cây cầu Hiền Lương lịch sử bắc qua sông Bến Hải. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cầu Hiền Lương chính là vùng biên giới chia cắt Việt Nam thành 2 miền dọc theo vĩ tuyến 17.