Chủ đầu tư 'kêu cứu' chỉ có nước ngừng thi công với dự án 'siêu' chống ngập 10.000 tỷ nhưng mỗi ngày 'bay' 200 triệu
Do vướng mắc về vốn giải ngân, chủ đầu tư dự án 'siêu' chống ngập này đang khổ sở 'kêu cứu' đến các Bộ, ngành.
Sở Xây dựng TP. HCM vừa có báo cáo về tiến độ và các khó khăn, vướng mắc của dự án ngăn triều cường 10.000 tỷ đồng ở TP. HCM. Công trình còn vướng lập phương án thanh toán cho nhà đầu tư và phương án huy động nguồn vốn cho nhà đầu tư vay để tiếp tục thi công hoàn thành dự án.
Vì vậy, UBND TP đã có thông báo giao Sở Tài chính, Sở KHĐT, các thành viên Tổ Công tác của UBND TP rà soát cơ sở pháp lý, đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết 40 để đề xuất tham mưu UBND TP trình Chính phủ nghị quyết thay thế, giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc của dự án.
Dự án chống ngập do triều cường khu vực TP. HCM (giai đoạn 1) được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), khởi công từ tháng 6/2016. Theo tiến độ ban đầu, dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2018.
Tuy nhiên, sau đó dự án phải ngưng thi công 10 tháng và điều chỉnh thời gian hoàn thành đến tháng 6/2019 do nhiều vướng mắc liên quan việc cấp vốn. Tới tháng 3/2023, dự án một lần nữa được tái khởi động. Tại thời điểm đó, chủ đầu tư cho rằng nếu các vướng mắc được giải quyết thì dự án sẽ hoàn thành vào năm 2024.
Cuối năm 2023, TP. HCM đề xuất 3 phương án gỡ vướng về vốn cho dự án bao gồm: Phương án thứ nhất là thành phố thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư khối lượng đã hoàn thành song song cả bằng trả đất và tiền. Phương án hai là Quỹ đầu tư phát triển TP (HFIC) cho vay từ nguồn vốn hoạt động. Phương án ba là HFIC sẽ nhận ủy thác cho vay công trình dự án từ ngân sách TP theo quy định của Nghị định số 147/2020 của Chính phủ. Sau đó, TP. HCM chọn phương án 3, TP sẽ ủy thác ngân sách (khoảng 1.800 tỷ đồng) cho HFIC để HFIC cho nhà đầu tư vay hoàn thành công trình.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, chủ đầu tư là Công ty Trung Nam BT 1547 cho rằng, mặc dù nhà đầu tư đã có nhiều văn bản kiến nghị gửi đến Thành ủy, UBND TP để có chỉ đạo sớm triển khai các công việc thuộc thẩm quyền. Nhưng, đến nay công trình còn vướng lập phương án thanh toán cho nhà đầu tư và phương án huy động nguồn vốn cho nhà đầu tư vay để tiếp tục thi công hoàn thành dự án.
Thông tin từ báo Thanh Niên, chủ đầu tư cho rằng, vẫn đang phải chịu lãi quá hạn và lãi phát sinh theo từng ngày. Số tiền lãi này đang rất cao và chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa nếu như dự án vẫn còn tiếp tục kéo dài. "Khi đó, nguy cơ tổng mức đầu tư vượt trên 10.000 tỷ đồng là không thể kiểm soát được" - phía Trung Nam lo ngại.
Trước đây vào năm 2020, Công ty Trung Nam cũng nêu thiệt hại ước tính mỗi ngày khoảng 200 triệu đồng vì dự án không được thi công tiếp tục. Chủ đầu tư này còn cho biết, trong trường hợp không tìm ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc, nhà đầu tư chỉ có nước phải dừng thi công.