Chủ loạt khách sạn trên 'đất vàng' TP. HCM gánh lỗ 2,2 tỷ đồng mỗi ngày

Mặc dù là chủ của loạt khách sạn trên đất vàng TP. HCM nhưng Công ty cổ phần Bông Sen vẫn ghi nhận khoản lỗ lên tới 401 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024.

Theo công bố thông tin mới đây, trong 6 tháng đầu năm 2024, Công ty cổ phần Bông Sen đã lỗ 401 tỷ đồng, tức trung bình mỗi ngày, công ty lỗ hơn 2,2 tỷ đồng. Mức lỗ bán niên 2024 của Công ty cổ phần Bông Sen gần gấp rưỡi mức lỗ cùng kỳ năm ngoái.

Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, công ty Bông Sen liên tục ghi nhận khoản lỗ lớn. Trong năm 2021 khi công ty bắt đầu công bố thông tin, Bông Sen thua lỗ 186 tỷ đồng. Mức lỗ tăng lên 443 tỷ đồng trong năm 2022 và 479 tỷ đồng trong năm 2023.

Với tình hình kinh doanh bết bát, tại thời điểm 30/6/2024, vốn chủ sở hữu của Bông Sen còn 5.264 tỷ đồng, giảm từ 6.973 tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu đạt 1,59, tức tổng nợ phải trả là gần 8.370 tỷ đồng, cao gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu.

Tình hình kinh doanh bết bát của Bông Sen trong nửa đầu năm 2024.  
Tình hình kinh doanh bết bát của Bông Sen trong nửa đầu năm 2024.  

Trong khoản nợ gần 8.370 tỷ đồng của Bông Sen có khoảng 4.800 tỷ đồng dư nợ trái phiếu. Theo thông tin trên HNX, lô trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, được phát hành từ tháng 10/2021 với lãi suất 10,5%/năm cùng thời hạn trả lãi định kỳ 3 tháng/lần. Theo số liệu cập nhật lần gần nhất (cuối năm 2023), tổng lãi vay và lãi phạt chậm trả của lô trái phiếu này đã lên tới hơn 1.061 tỷ đồng, bằng 22% dư nợ gốc.

Trước đó, trong tháng 8/2023, Bông Sen cho biết sẽ xử lý các tài sản để thanh toán khoản nợ trái phiếu trên, bao gồm cổ phần của Công ty Daeha, hồ sơ thế chấp khách sạn Palace Saigon, khách sạn Bông Sen Annex, nhà hàng Vietnam House và hai bất động sản khác tại quận 1 TP.HCM. Tuy nhiên, đến nay, Bông Sen vẫn đang chậm trả nợ gốc trái phiếu.

Bông Sen nằm trong danh sách 762 công ty có liên quan đến Vạn Thịnh Phát. Doanh nghiệp này được biết là ông chủ của loạt khách sạn nằm trên “đất vàng” TP. HCM, bao gồm Palace Saigon (đường Nguyễn Huệ), Bông Sen Sài Gòn (đường Đồng Khởi) và Bông Sen Annex (đường Hai Bà Trưng) cũng như chuỗi các nhà hàng Calibre, Bier Garden, Buffet Gánh Bông Sen, Vietnam House, Lemongrass, Brodard.

Ngoài ra, Bông Sen cũng nắm cổ phần chi phối tại tổ hợp khách sạn Daewoo tại Hà Nội. Doanh nghiệp này cũng từng thâu tóm Công ty cổ phần Saigon One Tower - chủ đầu tư tòa nhà cùng tên đã "đắp chiếu" suốt nhiều năm, nay đổi tên thành IFC One Saigon.

Bông Sen cũng nắm cổ phần chi phối tại tổ hợp khách sạn Daewoo tại Hà Nội.  
Bông Sen cũng nắm cổ phần chi phối tại tổ hợp khách sạn Daewoo tại Hà Nội.  

Không riêng Bông Sen, nhiều doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan cũng ghi nhận kết quả kinh doanh bết bát trong nửa đầu năm 2024. Trước đó, Công ty cổ phần Dịch vụ - Thương mại TPHCM (Setra) cũng đã báo lỗ hơn 114,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Hay như Công ty Quang Thuận, một doanh nghiệp khác thuộc hệ sinh thái trên, cũng đã báo lỗ gần 339 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Giống như Bông Sen, chuỗi ngày thua lỗ của cả 2 công ty này đều kéo dài từ năm 2021 đến nay.

Với việc phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu và liên tục báo lỗ, số nợ phải trả của Setra lẫn Quang Thuận đều đã gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu. Tại thời điểm 30/6/2024, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của Setra là 11,8 lần còn Quang Thuận ở mức 6,5 lần.

Khánh Tú

Theo VietnamFinance