Chưa có doanh nghiệp đủ tầm, đóng vai trò dẫn dắt nền công nghiệp Đà Nẵng
UBND TP Đà Nẵng xác nhận tại các KCN trên địa bàn vẫn chưa có doanh nghiệp lớn đủ tầm quốc gia đóng vai trò dẫn dắt cho nền công nghiệp địa phương ở mức như Thaco Trường Hải hay Becamex Bình Dương.
Theo UBND TP Đà Nẵng, qua 25 năm hình thành và phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp, đến nay trên địa bàn TP có Khu công nghệ cao (KCNC) Đà Nẵng là một trong ba KCNC cấp quốc gia, Khu công nghệ thông tin tập trung (KCNTTTT) và 6 Khu công nghiệp (KCN) là Hòa Khánh, Hòa Cầm, Hòa Khánh mở rộng, Liên Chiểu, Đà Nẵng và Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng với tổng diện tích 2.325 ha.
Lũy kế đến hết tháng 5/2023, KCNC, KCNTTTT và các KCN Đà Nẵng đã thu hút 516 dự án, trong đó 391 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 31.600 tỷ đồng, 125 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1.889 triệu USD.
Các dự án đã góp phần giải quyết gần 80.000 việc làm, hàng năm đóng góp bình quân khoảng 21% nguồn thu ngân sách TP, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 gần 8%, góp phần chuyển dịch cơ cầu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Riêng về 6 KCN đang hoạt động trên địa bàn, UBND TP Đà Nẵng cho biết, trong tổng diện tích 1.066,52ha thì phần đất có thể cho thuê 807,15ha, chiếm 75% tổng diện tích.
Hiện tại, tỷ lệ đã cho thuê là 87,4%, diện tích đất công nghiệp còn lại 101,9ha. Hầu hết các KCN của Đà Nẵng đều có khả năng thu hút khá nhanh các dự án đầu tư ngay từ khi đi vào hoạt động (trừ 6 năm gần đây do hạn chế về quỹ đất cho thuê).
Tuy nhiên theo UBND TP Đà Nẵng, việc phát triển hạ tầng KCN và thu hút các doanh nghiệp (DN) của TP vẫn còn nhiễu hạn chế. Cơ sở hạ tầng KCN chưa gắn kết mật thiết với các đầu mối giao thông quan trọng như sân bay, cảng biển, đường sắt và đường bộ quốc gia.
Các KCN còn phân tán nên quy mô manh mún, thiếu tính liên kết; một số KCN (Hòa Khánh, Đà Nẵng, Dịch vụ thủy sản) đã lấp đầy nên không thể thu hút thêm các DN đến và triển khai thực hiện dự án.
Vẫn chưa thu hút được “đại bàng”
Theo UBND TP Đà Nẵng, hầu hết các KCN trên địa bàn chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, sản xuất sản phẩm chủ lực có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao (theo khảo sát năm 2018 thì chỉ có 5,6% DN tại các KCN ở Đà Nẵng có năng lực cao, còn lại là trung bình và thấp). Các dự án đăng ký trong các KCN phần lớn quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hiệu quả hoạt động không cao.
Nhiều DN sản xuất hàng xuất khẩu vẫn còn nặng về gia công, lắp ráp, chế biến thô; chưa hình thành chuỗi liên doanh, liên kết, chưa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các chỉ tiêu như doanh thu, giá trị đầu tư trên diện tích đất vẫn còn thấp so với bình quân cả nước.
Cũng theo UBND TP Đà Nẵng, liên kết, hợp tác giữa các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp trong và ngoài các KCN hình thành tự phát, cục bộ, rời rạc. Liên kết, hợp tác sản xuất giữa các DN FDI và DN trong nước mới dừng lại ở một số liên kết cung ứng bao bì, phụ kiện đơn giản, hầu như chưa có hợp tác sản xuất, chuyển giao công nghệ ở các khâu có yêu cầu công nghệ - kỹ thuật cao.
Đặc biệt, UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh, tại các KCN trên địa bàn vẫn chưa có DN lớn đủ tầm quốc gia đóng vai trò dẫn dắt cho nền công nghiệp địa phương ở mức như Thaco Trường Hải hay Becamex Bình Dương.
Ngược lại, hậu hết là DN sử dụng máy móc cũ, lạc hậu, phương thức sản xuất lỗi thời, chậm đổi mới công nghệ nên gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, chất lượng sản phẩm chưa cao, năng lực cạnh tranh trên thị trường yếu và hầu như không có tên trong bảng VNR500 DN Việt Nam.
Cùng với đó, UBND TP Đà Nẵng xác nhận hiệu quả sử dụng đất tại các KCN trên địa bàn còn thấp. So sánh giữa suất vốn đầu tư cho mỗi ha đất KCN và giá trị sản xuất mỗi ha tạo ra cho thấy hiệu quả thấp của các KCN tại Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung.
Mặc dù các KCN của Đà Nẵng có nhỉnh hơn so với các địa phương lân cận nhưng so với bình diện chung của cả nước thì hiệu quả mang lại chưa đến 50%, so với các KCN tại vùng KTTĐ Bắc Bộ thì chỉ 25%.