Chuẩn bị cho sóng gió trên TTCK trong quý II
Mặc dù đã và đang xuất hiện nhiều chính sách hỗ trợ tích cực nhưng đa phần cần thời gian để “thẩm thấu”. Do đó, đối với thị trường chứng khoán (TTCK), tác động tích cực trước mắt là vào tâm lý nhà đầu tư. Xét trong thời gian ngắn tới, điều này có lẽ chưa đủ, bởi thị trường chứng khoán đang đối mặt với khá nhiều áp lực.
Dồn dập thông tin hỗ trợ
Đầu quý II/2023, thị trường chứng khoán đón hàng loạt thông tin hỗ trợ. Ngày 3/4, Ngân hàng Nhà nước chính thức giảm một số lãi suất điều hành, trong đó đáng chú ý nhất là việc giảm trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.
Trước đó, ngày 1/4, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các ngân hàng thương mại và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại 63 tỉnh, thành phố, thông báo một số nội dung liên quan đến chương trình cho vay ưu đãi đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với quy mô dư nợ lên tới 120.000 tỷ đồng, trong đó 4 ngân hàng thương mại quốc doanh (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) là chủ lực triển khai.
Theo đó, lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm. Lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 đối với người mua nhà là 8,2%/năm. Kể từ ngày 1/7/2023, định kỳ 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi.
Về thời gian ưu đãi, đối với chủ đầu tư, áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 3 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu. Đối với người mua nhà, áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 5 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu. Khi hết thời gian ưu đãi, ngân hàng thương mại và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và được xác định rõ hoặc nêu rõ cách xác định tại thỏa thuận cho vay ký kết giữa ngân hàng và khách hàng.
Thời hạn giải ngân của chương trình đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỷ đồng nhưng không quá ngày 31/12/2030.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 3/4, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký phê duyệt đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 xây được 1 triệu căn nhà ở xã hội (trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn); tổng vốn dự kiến là 849.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng vốn xã hội hóa.
Điểm đáng chú ý trong đề án là bổ sung thêm việc huy động vốn từ quỹ đầu tư phát triển địa phương, hình thức huy động vốn từ nước nước ngoài. Đề án cũng sửa đổi, bổ sung quy định ưu đãi cho chủ đầu tư thực chất hơn. Cụ thể, 20% diện tích đất thương mại trong dự án nhà ở xã hội được hạch toán riêng, không phải hạch toán chung vào cả dự án.
Bên cạnh đó, đề án cũng sửa đổi quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng theo hướng không bắt buộc chủ đầu tư phải dành quỹ nhà ở để cho thuê, phương án kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) do chủ đầu tư quyết định.
Ngoài ra còn có một loạt ưu đãi về chi phí đầu tư hạ tầng, được giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, không phải nộp lại số tiền sử dụng đất được miễn khi chủ đầu tư bán nhà cho khách hàng.
Đặc biệt, mặc dù đang trong thời gian sửa đổi Luật Đất Đai nhưng để cấp bách vực dậy thị trường bất động sản, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2023 với nhiều quy định mới quan trọng, làm rõ nhiều vấn đề mà chủ đầu tư cũng như cơ quan quản lý địa phương còn đang băn khoăn.
Trong tương lai gần, Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định về việc ngân hàng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp cũng được sửa đổi theo hướng tạo điều kiện hơn cho việc tái cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đang trong quá trình đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng để kích thích tiêu dùng.
Những thông tin hỗ trợ trên dồn dập đến sau khi Tổng cục Thống kê ước tính tăng trưởng GDP Việt Nam trong quý I/2023 rất thấp, chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ năm ngoái, cách xa mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm 2023. Rõ ràng, chỉ 1 con số nhưng đủ sức nặng để bắt đầu đảo chiều các chính sách…
“Nước xa” liệu có cứu được “lửa gần”?
Mặc dù các chính sách trên rất tích cực nhưng đa phần cần thời gian để “thẩm thấu”. Do đó, đối với thị trường chứng khoán, tác động tích cực trước mắt là vào tâm lý nhà đầu tư. Xét trong một vài tháng tới, điều này có lẽ chưa đủ, bởi thị trường chứng khoán đang đối mặt với khá nhiều áp lực.
Thứ nhất, việc GDP Việt Nam tăng trưởng thấp có thể khiến nhiều quỹ đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư nước ngoài, phải bán cổ phiếu. Động thái này không hẳn phản ánh quan điểm tiêu cực của ban lãnh đạo các quỹ về thị trường chứng khoán Việt Nam mà đơn thuần mang tính “quản trị rủi ro”.
Thứ hai, quý II và quý III là cao điểm đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính năm nay, điều này có thể kích hoạt áp lực bán cổ phiếu để tái cơ cấu nợ/trả nợ cho nhà đầu tư trái phiếu, nhất là nếu tình hình “quỵt tiền” trái phiếu ngày càng phổ biến khiến các cơ quan quản lý nhà nước buộc phải vào cuộc chấn chỉnh, thậm chí là chấn chỉnh mạnh tay. Trên thực tế, trong một thông báo phát đi gần đây, Bộ Tài chính cho biết đã yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương bố trí mọi nguồn lực để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết.
Theo thống kê của hãng xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, tính đến ngày 17/3/2023, đã có 69 tổ chức phát hành có một hoặc nhiều hơn lô trái phiếu lưu hành không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ với tổng trị giá trên 94.400 tỷ đồng, chiếm 8,15% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành. Trong số 69 tổ chức phát hành trên, có 43 tổ chức phát hành là doanh nghiệp trong ngành bất động sản với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm trả ở mức 78.900 tỷ đồng, chiếm 83,6% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành.
FiinRatings bình luận, bên cạnh các yếu tố tác động chung của môi trường kinh doanh như chính sách kiểm soát tín dụng, môi trường lãi suất cao, kênh huy động trái phiếu suy giảm mạnh, pháp lý dự án bị đình trệ hoặc thay đổi chính sách thì các tổ chức phát hành rơi vào tình trạng trên đều có những đặc điểm chính về chất lượng tín dụng yếu trong một thời gian dài trước khi vi phạm nghĩa vụ nợ, bao gồm: (i) mức đòn bẩy nợ rất cao; (ii) dòng tiền trả nợ yếu do vay nợ tăng nhưng vốn chủ yếu tồn đọng ở các khoản phải thu và đầu tư tài chính dài hạn thay vì tạo ra tài sản cố định hữu hình hoặc hàng tồn kho hoàn thành dẫn đến rủi ro thanh khoản ở mức cao và rất cao và (iii) mất cân đối về kỳ hạn. Kỳ hạn nợ ngắn trong khi dòng tiền kinh doanh âm nhiều kỳ liên tiếp trước khi xảy ra sự kiện vi phạm nợ.
“Chúng tôi cho rằng tỷ lệ nợ xấu trái phiếu sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới trước khi những thay đổi chính sách có hiệu quả trực tiếp và trước khi môi trường kinh doanh được dần cải thiện rõ rệt. Lý do là áp lực nợ trái phiếu 107.500 tỷ đồng sẽ đáo hạn trong năm 2023 này trong khi triển vọng kinh doanh của ngành bất động sản đang gặp những trở ngại lớn và chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại”, phía FiinRatings nêu quan điểm, nhưng vẫn kỳ vọng các động thái hỗ trợ vừa qua như giảm lãi suất cho vay, Nghị quyết 33/2023/NQ-CP và Nghị định 08/2023/NĐ-CP ra đời sẽ góp phần giải quyết áp lực nghĩa vụ nợ qua hoạt động tái cấu trúc nợ, phát hành trái phiếu mới để tái tài trợ nợ cũ hoặc cấp tín dụng mới cho các dự án sạch về pháp lý được triển khai một cách hiệu quả.
Áp lực thứ ba là việc lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết dự kiến sẽ giảm mạnh trong quý I/2023. Trước đó, trong quý IV/2022, lợi nhuận sau thuế toàn thị trường đã giảm trên 30% dù GDP tăng trưởng 5,92%, gây bất ngờ cho đa số nhà đầu tư. Sang đến quý I/2023, với việc GDP chỉ tăng 3,32%, không loại trừ khả năng GDP toàn thị trường sẽ tiếp tục giảm trên 30%, điều này khiến định giá P/E của thị trường đắt lên đáng kể.
Theo cập nhật kế hoạch kinh doanh của hơn 200 doanh nghiệp niêm yết, dự kiến lợi nhuận năm 2023 sẽ suy giảm so với năm 2022, mức suy giảm khoảng dưới 10%. Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp tài chính (ngân hàng, chứng khoán) đều đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng, trong khi khoảng một nửa doanh nghiệp phi tài chính đặt kế hoạch kinh doanh “đi lùi”. Mức lợi nhuận dự tính đầy thận trọng này nhiều khả năng đã căn cứ vào tình hình kinh doanh không mấy khả quan trong quý I/2023.
Về mặt thời gian, các thông tin đầy đủ về kết quả kinh doanh quý I/2023 sẽ đến trong nửa cuối tháng 4 và có số liệu tổng thể ngay sau kỳ nghỉ lễ. Số liệu này rất quan trọng bởi đây không chỉ là cơ sở để đánh giá lại mức độ hấp dẫn của thị trường chứng khoán mà còn là nền tảng để các nhà đầu tư kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý II cũng như trong nửa cuối năm 2023.
Nhìn xa hơn
Mặc dù Việt Nam mới bước vào thời kỳ tăng trưởng kinh tế chậm lại, tức là trong nhiều tháng tới có thể sẽ tiếp tục phải đối mặt với bức tranh kinh tế nhiều gam màu tối, nhưng chu kỳ kinh tế lại thường đi sau thị trường chứng khoán, hay nói nôm na, thị trường chứng khoán sẽ tạo đáy trước nền kinh tế, bởi chứng khoán là thị trường của sự kỳ vọng.
Hàng loạt chính sách hỗ trợ đã và sẽ được ban hành, thẩm thấu vào nền kinh tế để tăng trưởng GDP tạo đáy nhanh nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát được lạm phát ở mức mục tiêu. Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023 phần nào cho thấy điều này khi Chính phủ đưa ra hàng loạt chỉ đạo theo hướng tháo gỡ, khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp với các đầu việc cụ thể, bao gồm cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Đặc biệt, trong tháng 10/2023, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua 3 luật rất quan trọng liên quan đến ngành bất động sản là: Luật Đất Đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi). Đây sẽ là cú hích đáng kể cho không chỉ thị trường bất động sản mà cả thị trường chứng khoán, trước và sau khi các luật được thông qua.
Việc niềm tin được phục hồi trên diện rộng cũng sẽ kích hoạt làn sóng “xuống tiền” của giới đầu tư, không chỉ trên thị trường cổ phiếu thứ cấp mà còn đồng thời trên thị trường M&A, tái cơ cấu trái phiếu…
Khi nào mua?
Chọn điểm mua là một bài toán khó, nhất là khi chỉ sử dụng phân tích cơ bản. Nếu ví việc chọn điểm mua như chọn cách đánh trận thì một trong những lựa chọn hay là áp dụng nguyên tắc “không thua là do mình, chiến thắng là tại địch”, nghĩa là xác định một điểm mua “không thua”, hay đúng hơn là ít có khả năng thua, còn “thắng” được bao nhiêu thì còn tùy diễn biến thị trường và diễn biến từng cổ phiếu.
Điểm mua này cần đủ hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác và đã chiết khấu các rủi ro lớn. Bên cạnh đó, thời điểm mua cũng rất quan trọng, cần đảm bảo sau khi mua “full cổ phiếu” thì lượng thông tin tích cực được tung ra nhiều hơn lượng thông tin tiêu cực.
Đặc thù tại Việt Nam, kênh đầu tư có quy mô lớn nhất và mang tính áp đảo là gửi tiền ngân hàng. Trong bối cảnh thị trường trái phiếu “teo tóp” và bất động sản có tính thanh khoản kém thì gửi tiền ngân hàng chính là kênh đối trọng lớn nhất của cổ phiếu. Do đó, ở thời điểm mua, kênh đầu tư cổ phiếu phải có sức hấp dẫn hơn kênh gửi tiền ngân hàng.
Điều này có thể được xác định bằng cách so sánh lợi suất của VN-Index (E/P, hay nghịch đảo của P/E) với lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn từ 6 tháng tới 1 năm (bởi kỳ hạn dưới 6 tháng bị áp trần lãi suất, không còn tính thị trường) bình quân của các ngân hàng tầm trung trở lên. Nhưng không đơn giản như vậy, việc so sánh này cần phải lưu ý đến 2 yếu tố, đó là mức độ giảm của lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết (do ảnh hưởng đến lợi suất của VN-Index) và mức độ giảm của lãi suất trong tương lai. Tùy thuộc vào trình độ dự báo, mức độ chấp nhận rủi ro cũng như thời kỳ đầu tư mà mỗi nhà đầu tư lại đưa ra mức độ VN-Index dự kiến mà họ chấp nhận mua khác nhau.
Tiếp đến là thời điểm mua phù hợp. Nửa cuối quý II/2023 có thể chứng kiến điểm mua tốt bởi 3 lý do. Thứ nhất, thị trường chịu áp lực lớn từ triển vọng u ám của tăng trưởng kinh tế, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết suy giảm, áp lực cân nguồn tiền đáo hạn trái phiếu, có thể khiến cổ phiếu giảm đáng kể, tạo ra điểm mua tốt. Thứ hai, lợi nhuận doanh nghiệp có khả năng ngừng đà giảm từ quý III/2023, thậm chí tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Thứ ba, sau quý II/2023 sẽ là thời kỳ một số chính sách hỗ trợ được thẩm thấu vào doanh nghiệp và nền kinh tế, cũng là thời điểm các luật quan trọng liên quan đến bất động sản sắp được thông qua, tạo nguồn thông tin hỗ trợ tốt cho thị trường chứng khoán sau đó.
Mua gì?
Việc chọn lựa cổ phiếu phụ thuộc rất nhiều vào phong cách đầu tư, hiểu biết và kinh nghiệm của mỗi nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu đầu tư theo kiểu nắm bắt xu hướng chung của toàn thị trường như đề cập ở trên, thì không thể thiếu được cổ phiếu chứng khoán, bởi đây là cổ phiếu có độ nhạy rất cao với xu hướng chung của thị trường, thường tăng mạnh hơn VN-Index khi chỉ số này đi lên và giảm mạnh hơn nếu chỉ số này đi xuống.
Một ngành khác cũng cần được chú ý là bán lẻ. Trên thực tế, nhiều cổ phiếu bán lẻ đã giảm rất mạnh từ đỉnh, thậm chí “ông lớn” MWG đã về vùng giá từng đạt được năm 2019. Các biện pháp kích thích kinh tế, kích thích tiêu dùng có thể là “liều doping” thúc đẩy giá cổ phiếu bán lẻ.
Bất động sản cũng là ngành nên cho vào diện quan tâm. Đây có thể coi là một trong những ngành tạo đáy sâu nhất, nhận được nhiều sự quan tâm nhất của xã hội và do đó cũng đang là tâm điểm của các chính sách hỗ trợ. Như đã đề cập, mặc dù cần thời gian thẩm thấu chính sách nhưng giá cổ phiếu thường đi lên trước chu kỳ ngành.
Thép cũng là lựa chọn không tồi khi ngành này đã bắt đầu tạo đáy và đi lên. Trong bối cảnh Việt Nam đang có nhiều chính sách thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển trong trung, dài hạn, cộng với làn sóng đầu tư công, đi kèm với sự hồi phục dần của kinh tế thế giới, cổ phiếu thép đang có nhiều động lực để tăng giá.
Với ngành lớn nhất Việt Nam là ngân hàng, mặc dù là một trong những ngành vững vàng nhất hiện nay nhưng đây không phải là lựa chọn thực sự tốt bởi khi nền kinh tế đối mặt với triển vọng u ám, giá cổ phiếu ngành này thường thiếu động lực tăng giá, thậm chí còn phải đối mặt với áp lực giảm vì những “sự cố ngân hàng” thường xuất hiện nhiều nhất trong các pha suy thoái của nền kinh tế.
Chốt lại, dù rằng có chiến lược đầu tư rõ ràng và nắm trong tay nhiều phần thắng nhưng thị trường chứng khoán vẫn luôn tồn tại nhiều ẩn số, đòi hỏi nhà đầu tư nếu đi dài hạn cùng thị trường không lạc quan hay bi quan thái quá. Chẳng hạn, bên cạnh các rủi ro bất ngờ từ các yếu tố địa chính trị thì lạm phát vẫn đang là một ẩn số lớn. Tính toán điểm mua thì cũng nên tính toán điểm bán phù hợp.