Chứng khoán 'dập dềnh' do đâu?
Chứng khoán “dập dềnh”, giằng co giữa một bên là kỳ vọng lãi suất giảm và một bên là kỳ vọng lợi nhuận giảm.
Suốt từ đầu năm, chỉ số VN-Index chưa bao giờ chốt phiên dưới 1.000 điểm. Mức thấp nhất ghi nhận là ở phiên 27/2 với 1.021 điểm, trong khi mức cao nhất là 1.117,1 điểm ghi nhận ở phiên 27/1. Tính ra, mức trung bình 52 phiên từ đầu năm tới ngày 21/3 của chỉ số này là 1.058 điểm.
Việc VN-Index “dập dềnh” suốt quý I kèm thanh khoản thấp rõ ràng cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Phe giảm và phe tăng đang ở thế giằng co, bởi họ đều có những luận điểm vững chắc của riêng mình.
Ở phe giảm, đó là nỗi lo về chu kỳ đi xuống của lợi nhuận với màn mở đầu khá tồi tệ khi lãi ròng toàn thị trường quý IV/2022 giảm “sốc” hơn 30% so với cùng kỳ năm trước đó; cộng hưởng thêm áp lực đáo hạn trái phiếu, kèm theo sức ảnh hưởng từ tin tức phá sản các ngân hàng ở Mỹ cũng như quan điểm không mấy tích cực về hệ thống tài chính nước này.
Với phe tăng, luận điểm chủ đạo là lãi suất ngân hàng đã đạt đỉnh và đang hạ nhiệt, cùng với đó, định giá của VN-Index đang ở mức hấp dẫn so với quá khứ cũng như so với kênh gửi tiết kiệm ngân hàng (tại ngày 21/3, lợi suất của VN-Index vào khoảng 8,66%/năm, cao hơn lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6-12 tháng ở các ngân hàng lớn hiện đã về dưới 8%/năm, trừ một số trường hợp có "chương trình riêng" tại quầy). Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng đang khá dồi dào, dư nợ margin thấp giúp giảm bớt rủi ro bán tháo và cũng là nguồn vốn tiếp sức khi thị trường vào nhịp tăng. Ngoài ra, cũng không thể không kể đến triển vọng dài hạn của một đất nước 100 triệu dân và đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng.
Phe tăng “ngửa bài”
“Quân bài” quan trọng nhất của phe tăng là triển vọng lãi suất giảm dần, và quân bài này đã được lật ngửa. Ngày 14/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định giảm một số lãi suất điều hành, qua đó phát đi thông điệp giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
“Việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5,0%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, thông cáo từ NHNN nêu rõ.
Trước đó, những bước đi của NHNN trong nỗ lực hạ nhiệt lãi suất đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Một mặt, NHNN bày tỏ sự cứng rắn khi chỉ đạo các TCTD duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro; kiểm soát chặt chẽ lãi suất tiền gửi để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường; nghiêm cấm TCTD thực hiện các biện pháp kỹ thuật để lách vượt trần lãi suất huy động, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn; theo dõi các trường hợp TCTD tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các TCTD này.
Mặt khác, NHNN cũng mềm mỏng khi nhóm họp của các ngân hàng thương mại để đi đến đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi. Trên thực tế, các ngân hàng thương mại đều đã điều chỉnh giảm đáng kể lãi suất tiền gửi đối với kỳ hạn 6 đến 12 tháng, một số ngân hàng thậm chí giảm cỡ 1%/năm chỉ sau một thời gian ngắn.
Câu hỏi đặt ra bây giờ là: Liệu xu thế giảm lãi suất hiện nay có bền vững hay không?
Thông cáo của NHNN nêu rất rõ thông điệp giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, thế nhưng có vẻ như tình hình hiện tại chưa thực sự khiến “phe tăng” yên tâm. Theo thống kê của NHNN, huy động vốn của hệ thống ngân hàng từ đầu năm đến ngày 9/3 chỉ tăng vỏn vẹn 0,45% dù lãi suất tiền gửi đã tăng rất mạnh. Sở dĩ thanh khoản hệ thống ngân hàng có phần dồi dào, bên cạnh những sự hỗ trợ từ NHNN, thì còn có nguyên nhân quan trọng là tín dụng tăng rất chậm, chỉ 1,12% trong cùng thời kỳ.
Bối cảnh này phần nào cho thấy động thái giảm lãi suất của NHNN không phải là “tất yếu” mà là một lựa chọn mang tính đánh đổi. Chẳng hạn, trước đây áp lực tỷ giá quá lớn, nhất là áp lực kỳ vọng, đã khiến NHNN phải tăng lãi suất để ưu tiên ứng phó diễn biến tỷ giá, nhưng nay, áp lực kỳ vọng đã vơi đi rất nhiều, ưu tiên lúc này không phải là tỷ giá nữa mà là lãi suất, tức là NHNN chấp nhận khả năng tỷ giá diễn biến bất lợi nhưng “trong tầm kiểm soát”. Như vậy, việc giảm lãi suất hiện nay dựa nhiều vào sự tự tin của NHNN trong việc linh hoạt sử dụng các công cụ hiện có đi liền với sự chấp nhận đánh đổi các mục tiêu khác miễn là “trong tầm kiểm soát”. Nhưng với tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước còn nhiều bấp bênh như hiện nay, ranh giới giữa “trong tầm kiểm soát” và “ngoài tầm kiểm soát” đôi khi rất mong manh.
Trên khía cạnh đầu tư, cần khẳng định động thái giảm lãi suất vừa qua là tin vui, tạo động lực lớn cho thị trường, nhưng “vui thôi đừng vui quá”.
Phe giảm chờ thời
Còn vài tuần nữa mới đến mùa công bố báo cáo tài chính. Đây là khoảng thời gian phe giảm có phần lép vế so với phe tăng - vốn đang được hậu thuẫn bởi xu thế giảm lãi suất.
Câu hỏi lớn nhất đặt ra với phe giảm là: Liệu tăng trưởng lợi nhuận quý I/2023 có tồi tệ hơn quý IV/2022 hay không?
Xét về mặt tâm lý, có vẻ như quý I/2023 còn nặng nề hơn cả quý IV/2022 khi toàn xã hội “ngấm đòn” lãi suất cao. Số liệu tăng trưởng tín dụng cực chậm cũng phần nào minh chứng cho điều này.
Trong một báo cáo công bố mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam quý I/2023 so với cùng kỳ năm trước đó chỉ đạt 5,6%, tức là thấp hơn tăng trưởng của quý IV/2022 (5,9%). Dự báo dựa trên kỳ vọng ngành du lịch sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong quý I/2023 nhờ nhu cầu phục hồi mạnh mẽ, tuy nhiên tốc độ tăng vẫn thấp hơn quý IV/2022. Trong khi đó, lượng đơn hàng sản xuất của Việt Nam được dự báo giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc sẽ có tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp và xây dựng, theo đó, VNDirect dự báo ngành này chỉ tăng 3,7% trong quý I/2023, giảm so với mức 4,2% trong quý IV/2022 và 6,4% trong quý I/2022.
Tóm lại, suốt từ đầu năm tới nay, VN-Index cứ “dập dềnh” do sự giằng co giữa phe tăng và phe giảm mà cốt lõi là giữa kỳ vọng lãi suất giảm và kỳ vọng lợi nhuận giảm. Nhưng hiện nay, phe tăng đang chiếm ưu thế hơn khi đã lật ngửa lá bài “lãi suất giảm” trong khi còn vài tuần nữa, lá bài “lợi nhuận giảm” của phe giảm mới dần được hé lộ.