Chứng khoán Nhật Bản trải qua 'phiên kinh hoàng': Mất hơn 4.400 điểm
Chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật Bản đã đóng cửa giảm tới 4.451,28 điểm, tương đương 12%, vào phiên giao dịch ngày 5/8, do lo ngại về suy thoái kinh tế ở Mỹ và đồng yên tăng giá.
Ngày đen tối của chứng khoán Nhật Bản
Theo tờ Kyodo News, chỉ số Nikkei Stock Average 225 của Nhật Bản đóng cửa giảm 4.451,28 điểm, tương đương 12,4%, về mức 31.458,42 điểm.
Đây là mức giảm lớn thứ hai kể từ ngày "thứ Hai đen tối" ghi nhận vào tháng 10/1987, khi Nikkei 225 mất tới 3.836,48 điểm (14,9%).
Thị trường chứng khoán Nhật Bản nhìn chung đã đi xuống kể từ ngày 1/8, một ngày sau khi Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) quyết định tăng lãi suất lên 0,25% và cho báo hiệu có thể tăng thêm lãi suất trong năm nay.
Chỉ số Nikkei 225 đã giảm 3,5% vào phiên 1/8, sau đó mất tiếp 5,8% vào phiên 2/8. Khi đợt bán tháo tồi tệ kéo dài sang tuần mới, Nikkei 225 đã mất 21,7% chỉ trong 3 phiên gần nhất, trực tiếp chạm vào vùng giá xuống và hướng tới ngưỡng cần điều chỉnh.
Các ngân hàng lớn của Nhật Bản đều lao dốc, trong đó cổ phiếu Mizuho Financial Group giảm 19,7%, Mitsubishi UFJ Financial Group giảm 17,8%, Resona Holdings giảm 19,5% và Sumitomo Mitsui Financial Group giảm 15,5%.
Các ngân hàng khu vực cũng không ngoại lệ. Chiba Bank giảm 23,7% và Fukuoka Financial Group giảm 17,9%. Gã khổng lồ môi giới Nomura Holdings giảm 18,6%.
Naka Matsuzawa, chiến lược gia trưởng tại Nomura Securities, cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đang bán cổ phiếu Nhật Bản do lo ngại rằng Mỹ có nguy cơ suy thoái.
"Sự sụt giảm thực sự không xảy ra do những lý do cụ thể của Nhật Bản. Thị trường vẫn đang cố gắng tìm đáy", ông Naka nói.
Giao dịch hợp đồng tương lai Nikkei 225 và hợp đồng tương lai Topix đã tạm dừng tại Sở giao dịch chứng khoán Osaka, sàn giao dịch chứng khoán phái sinh của Nhật Bản, vào phiên 5/8, khi một công tắc ngắt mạch được kích hoạt. Công tắc ngắt mạch thường được áp dụng để cho phép các nhà đầu tư bình tĩnh lại khi thị trường quá biến động.
Đồng yên tăng so với USD
Trong khi đó, đồng USD đã giảm gần 5 yên so với cuối tuần trước xuống mức thấp nhất trong bảy tháng qua, giao dịch quanh vùng 141 yên đổi 1 USD trong bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất đáng kể vào tháng 9.
Trước đó, từ phiên 2/8, đồng yên đã tăng lên khoảng 146 yên/USD tại New York, sau khi báo cáo việc làm của Mỹ vào tháng 7 yếu hơn dự kiến đã làm dấy lên lo ngại về suy thoái và đặt ra câu hỏi về việc liệu Fed có nên cắt giảm lãi suất tại cuộc họp vào tháng 7 hay không.
Zuhair Khan, giám đốc quỹ cấp cao tại UBP Investments, cho biết sự tăng giá của đồng yên là một lý do dẫn đến đợt bán tháo. "Sự suy yếu quá mức của đồng yên sẽ nhanh chóng được giải quyết", ông nói.
Ông Khan cho biết cổ phiếu Nhật Bản được giao dịch ở mức giá hợp lý trước khi giảm nhưng đã tăng "khá nhanh nhờ dòng tiền nóng chảy vào, bao gồm cả dòng tiền từ Trung Quốc".
Chuyên gia này nói thêm rằng sự sụt giảm của cổ phiếu đã tạo ra cơ hội mua vào cho các tổ chức và quỹ hưu trí của Nhật Bản.
Ngoài Nhật Bản, thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương cũng chứng kiến một phiên "đỏ lửa".
Chỉ số chuẩn TAIEX của Đài Loan giảm 8,4%, tương đương 1.807,21 điểm, đánh dấu mức giảm trong một ngày tồi tệ nhất từ trước đến nay, đóng cửa ở mức 19.830,88.
Công nghệ dẫn đầu đợt bán tháo mạnh trên thị trường cổ phiếu Đài Loan, do lo ngại về tốc độ phục hồi kinh tế chậm lại và sự chậm trễ trong việc vận chuyển chip AI của Nvidia.
Cổ phiếu của các nhà sản xuất chip hàng đầu Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) và MediaTek lần lượt giảm mạnh 9,75% và 9,08%. Foxconn và Quanta, các nhà cung cấp chính lắp ráp máy chủ AI mới nhất của Nvidia, cũng chịu tổn thất lớn, đóng cửa gần mức giới hạn giảm hàng ngày là 10% trên Sàn giao dịch chứng khoán Đài Loan.
Jason Lui, giám đốc chiến lược cổ phiếu và phái sinh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại BNP Paribas ở Hong Kong, cho biết: "Hiện tại, điều mà bạn nhận thấy ở cái gọi là thị trường Bắc Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, là sự sụt giảm trong hoạt động giao dịch AI".
Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 8,8%, S&P/ASX 200 của Úc giảm 3,05%.