Chuyên gia của Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng triển vọng trung hạn của Việt Nam duy trì tích cực, phục hồi mạnh mẽ từ cuối quý I, mặc dù Covid-19 vẫn được đánh giá là một rủi ro chính.

Tại sự kiện Tọa đàm: “Triển vọng kinh tế năm 2022 và Chính sách tài chính xanh” diễn ra vào ngày 19/2 tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ những nhận định về triển vọng kinh tế toàn cầu và Việt Nam, đồng thời thảo luận về chủ đề tài chính xanh và kiến nghị chính sách đối với Việt Nam.

Tọa đàm “Triển vọng kinh tế năm 2022 và Chính sách Tài chính xanh” (Ảnh: BNG)  
Tọa đàm “Triển vọng kinh tế năm 2022 và Chính sách Tài chính xanh” (Ảnh: BNG)  

Theo ông Edward Lee, chuyên gia kinh tế trưởng, khu vực ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ đạt 4% trong năm 2022, giảm so với mức 5,8% của năm ngoái.

Nền kinh tế đã có mức phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 nhờ quá trình tiêm chủng vaccine được thúc đẩy và các gói kích thích của chính phủ.

Tuy nhiên, mức nền cao trong năm ngoái, chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu và lạm phát gia tăng có thể sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của nền kinh tế trong năm nay.

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, bắt đầu từ cuối quý I.

Tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 6,7% trong năm 2022 và 7% trong năm 2023. Triển vọng trung hạn của Việt Nam duy trì tích cực.

Việt Nam sẽ tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là một điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Hoạt động đầu tư vào Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi trong năm nay sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Về chính sách tiền tệ, chuyên gia của Standard Chartered nhận định, áp lực lạm phát đang gia tăng sẽ làm giảm tính linh hoạt trong chính sách của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, sự thay đổi toàn cầu theo hướng thắt chặt tiền tệ cũng hạn chế sự linh hoạt trong chính sách của Ngân hàng Nhà nước. Trong bối cảnh đó, Standard Chartered kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 4,0% để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong suốt cả năm 2022.

Về tỷ giá, Standard Chartered dự báo: “Tốc độ tăng giá VND sẽ chậm lại, USD/VND đang tiến gần đến giới hạn của biên độ tỷ giá hối đoái và dự báo USD/VND ở mức 22.500 vào giữa năm 2022 và 22.300 vào cuối năm 2022”.

Cũng tại tọa đàm, đại diện Standard Chartered đánh giá cao chủ trương, chính sách của Việt Nam về tăng trưởng xanh và giảm phát thải, khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả các chính sách tài chính xanh trong thời gian tới.

Ông Ben Hung, Tổng Giám đốc, khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered cho biết, để xây dựng một tương lai bền vững và hành trình tiến tới mức phát thải các- bon bằng 0 yêu cầu sự nỗ lực và hành động của tất cả chúng ta. Việc Chính phủ chú trọng vào phát triển nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững sẽ giúp tăng cường niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, thúc đẩy họ đầu tư nhiều hơn nữa vào quá trình phát triển bền vững tại Việt Nam trong dài hạn.

“Việt Nam là một thị trường quan trọng trong mạng lưới hoạt động của Standard Chartered tại châu Á. Chúng tôi cam kết đầu tư vào Việt Nam để hỗ trợ quá trình phát triển bền vững và tạo dựng sự thịnh vượng”, ông Ben Hung chia sẻ và cho biết thêm: “Standard Chartered sẽ tiếp tục đóng vai trò kết nối Việt Nam với thế giới, đồng thời cung cấp tài chính cho những khu vực có thể tạo ra những tác động tích cực”.

Hải Hoàng

Theo Kinh doanh & Phát triển