Chuyên gia kinh tế cảnh báo nguy cơ lạm phát trong năm 2022

Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, áp lực lạm phát đã tăng nhanh chóng ở Mỹ, ở một số thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

Đánh giá về áp lực lạm phát, TS Nguyễn Minh Phong cho biết, trong hầu hết các trường hợp, lạm phát gia tăng phản ánh sự không khớp cung - cầu liên quan đến đại dịch và giá hàng hóa cao hơn so với mức thấp của chúng.

Ở một số thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, áp lực về giá dự kiến sẽ tiếp tục do giá lương thực tăng, tác động chậm lại của giá dầu cao hơn, và tỷ giá hối đoái trượt giá làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong

Tuy nhiên, sự không chắc chắn của nền kinh tế sẽ tiếp tục bao trùm, là nguyên tố chính làm gia tăng nguy cơ tăng trưởng lạm phát. Do chuỗi cung ứng chưa thể phục hồi, do được thúc đẩy bởi sự gia tăng nhu cầu hàng hóa, cùng các biện pháp nới lỏng tài chính, sự gián đoạn từ phía cung và thời tiết cực đoan, cũng như hàng loạt các kế hoạch bơm tiền để hỗ trợ kinh tế của các chính phủ, giá hàng hóa đang tăng mạnh, dẫn đầu bởi kim loại và năng lượng.

Áp lực lạm phát sẽ thể hiện qua việc giá cả lương thực gia tăng, giá xăng dầu tăng cũng sẽ được tính vào chi phí đầu vào của sản xuất, và tỷ giá hối đoái yếu sẽ khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, tại một số quốc gia ở châu Phi cận Sahara, Trung Đông và Trung Á, giá lương thực đã tăng đáng kể trong bối cảnh thiếu hụt cục bộ và giá lương thực toàn cầu tăng.

Lạm phát cơ bản - loại bỏ ảnh hưởng của giá thực phẩm và năng lượng - cũng đã tăng ở nhiều quốc gia. Đại dịch kéo dài càng khiến vấn đề lạm phát thêm trầm trọng, gây áp lực với các hộ gia đình nghèo và nguy cơ bất ổn xã hội. Tại khu vực các nền kinh tế phát triển, mức lạm phát đã tăng mạnh lên hơn 4% sau nhiều năm.

Giá dầu và giá hàng hóa phi dầu tăng phản ánh sự gia tăng đặc biệt mạnh mẽ của giá kim loại và thực phẩm trong thời gian gần đây. Ở một số nước, tỷ giá hối đoái đi xuống đã góp phần làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu. Hơn nữa, việc phân phối các container vận chuyển trên thế giới trở nên méo mó trong đại dịch, khiến nhiều người bị mắc kẹt trên các tuyến đường thông thường của họ.

Nguy cơ tăng lạm phát đậm dần
Nguy cơ tăng lạm phát đậm dần

Nhấn mạnh về lo ngại áp lực lạm phát dai dẳng, ông Phong cho rằng, vào cuối tháng 9/2021, lo ngại này đã khiến một số quốc gia đẩy lợi suất danh nghĩa lên cao hơn, ở làm đảo ngược hoàn toàn các chính sách trước đó.

Cùng đó, các lỗ hổng tài chính vẫn tiếp tục gia tăng trong một số lĩnh vực, thậm chí, một phần bị che lấp bởi chính sách kích thích lớn. Các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt với một sự đánh đổi đầy thách thức: Duy trì hỗ trợ ngắn hạn cho nền kinh tế toàn cầu trong khi ngăn ngừa những hậu quả không mong muốn và rủi ro ổn định tài chính trung hạn.

“Trong bối cảnh các điều kiện tài chính nới lỏng được duy trì trong thời gian dài, nền tảng ổn định tài chính cơ bản đang bị suy giảm. Nếu không được kiểm soát, những lỗ hổng này có thể phát triển thành các vấn đề về cấu trúc vĩ mô, khiến tăng trưởng trung hạn gặp rủi ro và giảm tốc độ phục hồi của hệ thống tài chính toàn cầu”, ông Phong nhận định.

Cũng theo ông Phong, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, các rủi ro về tài chính vẫn đang được các NHTW và các chính phủ theo dõi chặt chẽ.

Tại đa số các quốc gia, các chính sách tài khóa và tiền tệ hiện vẫn đang được triển khai theo hướng hỗ trợ sự phục hồi kinh tế và hướng tới kiềm chế lạm phát. Trong nửa đầu năm 2021, sự lạc quan chung của thị trường đã giúp thị trường tài chính tiền tệ có những bước tiến tăng trưởng. Song đến nay, sự lo ngại về triển vọng kinh tế do đại dịch vẫn leo thang đã kéo trùng xuống đà tăng trưởng chung.

Hà Anh

Theo DNVN