Có khách thuê lớn như LG, Foxconn, Luxshare, Canon và GoerTek, nhưng Kinh Bắc (KBC) đang đối mặt vấn đề gì?

Trong báo cáo phân tích công bố cuối tháng 11/2022, CTCK Bản Việt (VCSC) đánh giá các thách thức ngắn hạn có thể dẫn đến trì hoãn các giao dịch lớn của Tổng Công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC).

KBC doanh thu thuần giảm mạnh

VCSC quan sát thấy tiến độ đàm phán giữa KBC và các khách thuê chậm hơn dự kiến trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chững lại.

Theo đó, Bản Việt cho rằng Kinh Bắc sẽ tạm hoãn giao dịch bán buôn tại dự án Khu đô thị (KĐT) Tràng Cát trong năm 2023 và sẽ ghi nhận doanh số bán buôn đối với KĐT Tràng Cát vào năm 2024.

Theo báo cáo, VCSC viết “Chúng tôi giả định KBC tạm hoãn giao dịch bán buôn tại dự án Khu đô thị (KĐT) Tràng Cát trong năm 2023 và (3) chúng tôi loại dự án KCN Tràng Duệ 3 ra khỏi mô hình định giá và giá mục tiêu của chúng tôi, được bù đắp một phần nhờ hiệu ứng tích cực từ việc cập nhật mô hình định giá mục tiêu đến cuối năm 2023. Chúng tôi hiện chỉ đưa các dự án KCN & KĐT đã được phê duyệt chủ trương đầu tư vào mô hình định giá của chúng tôi.

Chúng tôi cũng điều chỉnh giảm 27% dự báo LNST sau lợi ích cổ đông thiểu số trong năm 2022 do chúng tôi giảm dự báo doanh số bán đất KCN trong năm 2022, khi chúng tôi quan sát thấy tiến độ đàm phán giữa KBC và các khách thuê chậm hơn dự kiến trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chững lại.”

Nguồn: VCSC
Nguồn: VCSC

Dù vậy, Kinh Bắc vẫn được đánh giá là công ty hưởng lợi chính từ sự chuyển dịch cơ cấu của ngành sản xuất toàn cầu sang Việt Nam và có thành tích thu hút các khách thuê lớn như LG, Foxconn, Luxshare, Canon và GoerTek.

Theo BCTC quý 3, KBC ghi nhận doanh thu thuần và lãi gộp của KBC đều giảm so với cùng kỳ năm trước, lần lượt đạt 203 tỷ đồng và 97 tỷ đồng, giảm 38% và 39%. Kinh Bắc cho biết, khoản lãi từ giao dịch mua nhận chuyển nhượng cổ phần tại SDN đã hoàn tất soát xét và được ghi nhận vào KQKD quý III, kéo lãi sau thuế của công ty vượt 1.900 tỷ đồng, trong khi doanh thu thuần sụt giảm.

Mặt khác, doanh thu tài chính tăng 128% so với cùng kỳ và lãi từ công ty liên kết, liên doanh 1.997 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 990 triệu đồng. Qua đó, công ty báo lãi sau thuế quý III 1.936 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 59,3 tỷ đồng.

Khoản lãi từ công ty liên kết, liên doanh nói trên chủ yếu nhờ hạch toán khoản lãi giao dịch mua giá rẻ 2.182 tỷ đồng từ thương vụ nhận chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (SDN).

Lũy kế 9 tháng, công ty đạt doanh thu thuần 1.289 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ do giảm doanh thu cho thuê đất và cơ sở hạ tầng, chuyển nhượng bất động sản cũng như không có doanh thu từ bán nhà xưởng. Lãi sau thuế lũy kế đạt 2.135 tỷ đồng, tăng 191% so với cùng kỳ, tương đương thực hiện 47,5% kế hoạch tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế năm nay (4.500 tỷ đồng).

Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản là giá trị hàng tồn kho 11.979 tỷ đồng tăng 4%. Các dự án ghi nhận tồn kho nghìn tỷ của Kinh Bắc gồm Khu công nghiệp và khu đô thị Tràng Cát (7.699 tỷ đồng), Khu công nghiệp Tân Phú Trung (1.143 tỷ đồng), Khu đô thị Phúc Ninh (1.105 tỷ đồng).

Ngoài ra, công ty cũng có hơn 1.075 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án như dự án tại 84A Hùng Vương, Đà Nẵng, dự án Khu ngoại giao đoàn Hà Nội, Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh,...

Lượng tiền mặt của công ty ghi nhận 3.315 tỷ đồng, giảm gần 28% so với đầu năm, trong đó, 1.862 tỷ đồng là đầu tư vào chứng khoán kinh doanh, gồm đầu tư cổ phiếu ITA của Tân Tạo và đầu tư vào Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen. Đối với khoản đầu tư vào Hoa Sen (1.855 tỷ đồng), công ty cho biết đã có kế hoạch chuyển nhượng trong ngắn hạn.

Dư nợ tại thời điểm cuối quý III là 6.964 tỷ đồng, giảm 1,2% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, dư nợ trái phiếu đạt 3.846 tỷ đồng, giảm 4,5%.

Trong kỳ, công ty đã chi 1.091 tỷ đồng để trả nợ gốc vay, đồng thời thu 957 tỷ đồng từ đi vay, bên cạnh đó, công ty cũng thu 335 tỷ đồng từ nhận vốn góp của chủ sở hữu, qua đó, dòng tiền tài chính dương 200,6 tỷ đồng. Song, dòng tiền kinh doanh và đầu tư lần lượt âm 936 tỷ đồng và 504 tỷ đồng, dẫn đến dòng tiền thuần âm gần 1.240 tỷ đồng.

Thành viên KBC cho Foxconn thuê hơn 50 ha KCN Quang Châu

Cụ thể, sau khi công ty con của KBC đã nhận được chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Quang Châu mở rộng tỉnh Bắc Giang, đã cho Tập đoàn Foxconn - một vệ tinh lớn của Tập đoàn Apple - sau khi khảo sát địa điểm đã ký biên bản ghi nhớ thuê lại đất với Công ty SBG vào tháng 8.2022 xác nhận thuê lại 50,5 ha đất để triển khai dự án đầu tư, tập trung chủ yếu sản xuất các sản phẩm của Apple với quy mô vốn hơn 300 triệu USD.

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Quang Châu mở rộng tỉnh Bắc Giang có quy mô diện tích dự án là 90 ha, bao gồm 1,55 ha của mương tiêu TQ1 được giữ nguyên công năng, không thu hồi đất, tài sản trên đất tại xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Vốn đầu tư 996 tỉ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 199,2 tỷ đồng; vốn huy động 796,8 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án từ ngày cấp Quyết định chủ trương đầu tư đến hết ngày 5.2.2057.

KCN Quang Châu mở rộng được phê duyệt năm 2022 đã nâng tổng quy mô diện tích của cả KCN từ 426 ha lên thành 516 ha. Trong đó, KCN hiện hữu 426 ha đã được lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp, thu hút 41 dự án đầu tư, bao gồm 37 dự án FDI, 4 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư lên tới 2,8 tỉ USD, tạo việc làm cho khoảng 67.000 lao động.

Các dự án đầu tư tiêu biểu phải kể đến là các dự án có quy mô lớn của các tập đoàn nổi tiếng như: Foxconn (với các dự án của các công ty thành viên như Fuhong, Fuyu, Fukang), Luxshare-ICT, JA Solar, Siflex, Samkwang, Crystal Martin, Lens…

Giai đoạn mở rộng với diện tích hơn 90 ha vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cũng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm khảo sát, đăng ký thuê với tỷ lệ lấp đầy dự kiến đạt hơn 90%.

Hiện diện tại khu công nghiệp Quang Châu từ năm 2019, Foxconn đang là doanh nghiệp FDI đầu tư lớn nhất tại đây, với tổng vốn đăng ký 773 triệu USD. Diện tích thuê đất gần 70 ha.

KBC sắp tổ chức ĐHCĐ bất thường lần 2 năm 2022

Ngày 28/12 tới đây, KBC sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2/2022. Danh sách cổ đông đã được chốt vào ngày 28/11, nhằm thông qua kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2023 và Báo cáo về việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2022.

Nguồn: KBC
Nguồn: KBC

Trong cuộc họp lần này, KBC sẽ trình lên cổ đông thông qua kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2023 và Báo cáo về việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2022. Phương án mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ và kế hoạch trả cổ tức bằng tiền cũng cũng sẽ được xin ý kiến. Ngoài ra, KBC cũng sẽ xin thông qua chủ trương giao dịch giữa các bên liên quan và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ (nếu có).

Hiện Kinh Bắc chưa công bố cụ thể các phương án và kế hoạch. Công ty cho biết sẽ đăng tải nội dung và tài liệu họp trên website chậm nhất vào ngày 7/12/2022 và được cập nhật, bổ sung trước ngày khai mạc Đại hội đồng cổ đông (nếu có).

Công ty cũng nhấn mạnh thị giá KBC giảm mạnh không phản ánh thực trạng hoạt động kinh doanh vẫn ổn định của Kinh Bắc. Trên thị trường, cổ phiếu KBC đang có quãng phục hồi tốt từ vùng đáy gần 2 năm, thị giá chốt phiên 2/12 đạt 21.600 đồng/cp, tăng gần 45% trong hơn nửa cuối tháng 11. Tuy nhiên so với đỉnh giá hồi cuối năm 2021 thì KBC vẫn mất hơn 56% giá trị.

Mới đây, VCSC đã nâng khuyến nghị từ "khả quan" lên "mua" cho KBC mặc dù điều chỉnh giảm 45% giá mục tiêu xuống còn 23.500 đồng/CP. Giá cổ phiếu của KBC đã giảm 52% trong 3 tháng qua.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống