Cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ vẫn hút dòng tiền
Dù chỉ số chính VN-Index tiếp tục giằng co, nhưng nhiều cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ vẫn giao dịch tích cực, hút dòng tiền tốt.
Phiên giao dịch đầu tuần mới (15/3) của thị trường chứng khoán vẫn diễn ra tương tự các phiên trước đó. Xu hướng chính của VN-Index vẫn là biến động giằng co với các nhịp tăng giảm điểm đan xen trước sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu lớn. Như thường lệ, HoSE tiếp tục nghẽn lệnh vào khoảng thời gian nửa phiên chiều, tuy nhiên, do sự thận trọng của nhà đầu tư nên diễn biến nghẽn lệnh xuất hiện chậm hơn so với các phiên trước.
Các cổ phiếu đóng vai trò trụ đỡ cho VN-Index và giúp chỉ số này kết thúc phiên trong sắc xanh là PLX, MBB, ACB, MSN, MWG... Trong đó, PLX tăng 2,7%, MBB tăng 2,3%, ACB tăng 1,7%, MWG tăng 1,2%. Chiều ngược lại, sắc đỏ bao trùm lên hàng loạt cổ phiếu lớn như GVR, STB, HVN, BID, BVH... và gây áp lực tương đối lớn lên đường đi của VN-Index.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa diễn ra ngay cả đối với các cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong đó, VHM, VRE và NVL chìm trong sắc đỏ, còn BCM, THD và VIC giữ được đà tăng. Chốt phiên, VHM giảm 0,1%, VRE giảm 0,6% còn NVL giảm 0,4%. Chiều ngược lại, BCM tăng 1%, THD tăng 0,3% và VIC tăng 0,1%.
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm giá đáng chú ý có TID, VPI, HDC, TIG, NVT, AGG... Trong đó, VPI giảm 2,7% xuống 34.500 đồng/cp, AGG giảm 1,9% xuống 38.300 đồng/cp, NLG giảm 1,2% xuống 35.650 đồng/cp, PDR giảm nhẹ 0,3% xuống 67.000 đồng/cp.
PDR mới đây đã có thông báo chốt danh sách cổ đông vào ngày 24/3 để thực hiện quyền tạm ứng cổ tức đợt 2/2020. Tỷ lệ chia cổ tức là 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được nhận 1 cổ phiếu mới. Trước đó công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2020 tỷ lệ 7% bằng cổ phiếu. Như vậy, tổng tỷ lệ tạm ứng qua 2 đợt đã là 17%.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 3 điểm (0,25%) lên 1.184,56 điểm. Toàn sàn có 270 mã tăng, 195 mã giảm và 50 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,28 điểm (0,47%) lên 275,19 điểm. Toàn sàn có 114 mã tăng, 91 mã giảm và 61 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,49 điểm (0,61%) lên 80,82 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết tăng nhẹ so với phiên cuối tuần trước và cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 17.256 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 818 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm tới 1.336 tỷ đồng. Trong top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường phiên 15/3 có 3 cổ phiếu bất động sản là FLC, ITA và LDG. Trong đó, FLC khớp lệnh hơn 34 triệu cổ phiếu. ITA và LDG lần lượt là 16 triệu cổ phiếu và 14,8 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng với giá trị gần 480 tỷ đồng. NVL đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại với giá trị ở mức hơn 64 tỷ đồng. Hai cổ phiếu bất động sản khác là VHM và VRE bị bán ròng lần lượt 43 tỷ đồng và 27 tỷ đồng. Trong khi đó, VIC được mua ròng mạnh nhất với 72,3 tỷ đồng. PDR, SCR và CII là 3 cổ phiếu bất động sản khác cũng nằm trong danh sách 10 mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường tăng điểm nhẹ trong phiên đầu tuần với thanh khoản khớp lệnh gia tăng so với phiên cuối tuần trước và cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy bên mua đang tỏ ra khá tự tin trước xu hướng tăng ngắn hạn hiện tại. Việc thị trường Mỹ tăng mạnh trong đêm thứ Sáu tuần trước và Dow Jones thiết lập đỉnh lịch sử mới cũng hỗ trợ cho tâm lý nhà đầu tư trong nước.
Trên góc nhìn kỹ thuật, xu hướng trung hạn là tích cực với việc thị trường đang trong sóng tăng 5 và chưa có dấu hiệu kết thúc (sóng tăng 5 chỉ xác nhận là kết thúc khi nó đạt đến target quanh ngưỡng 1.250 điểm hoặc điều chỉnh thủng ngưỡng tâm lý 1.000 điểm - đáy của sóng điều chỉnh 4). Trong ngắn hạn, đà tăng có thể tiếp diễn để chỉ số VN-Index tiệm cận với ngưỡng tâm lý 1.200 điểm.
Nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng tăng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nhà đầu tư ngắn hạn đã mua vào trong phiên 9/3 và 10/3 khi thị trường test ngưỡng hỗ trợ MA20 ngày nên quan sát thị trường trong phiên tới và có thể canh chốt lời nếu thị trường tiến đến ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm. Trong kịch bản thị trường điều chỉnh về vùng 1.150 - 1.175 điểm (MA20-50), nhà đầu tư có thể tiếp tục mua vào.