Cổ phiếu bị cắt margin: Chỉ một mã được ‘cởi trói’, bức tranh chung vẫn u ám

Hầu hết các doanh nghiệp chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu bị cắt margin. Điều này cho thấy sự hạn chế về quản trị, điều hành và minh bạch thông tin.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) đã công bố danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý I/2025, với tổng cộng 169 mã, bao gồm 164 cổ phiếu và 5 chứng chỉ quỹ.

Đáng chú ý, HNX vẫn giữ nguyên danh sách 85 cổ phiếu bị cắt margin từ quý IV/2024. Trong khi đó, danh sách của HoSE ghi nhận 79 cổ phiếu và 5 chứng chỉ quỹ, giảm 1 cổ phiếu so với quý IV/2024. Cụ thể, cổ phiếu MCM của Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu được “cởi trói” do đã đáp ứng điều kiện niêm yết trên 6 tháng.

Tuy nhiên, sự điều chỉnh nhỏ này không đồng nghĩa với bức tranh chung đã được cải thiện. Theo quan sát, chỉ có một số ít chứng khoán bị cắt margin vì lý do khách quan (niêm yết dưới 6 tháng) như cổ phiếu DSE của Công ty CP Chứng khoán DNSE, GEE của Công ty CP Điện lực Gelex, chứng chỉ quỹ FUEABVND của Quỹ ETF ABFVN DIAMOND, FUEKIVND của Quỹ ETF Kim Growth VN30.

Sau một quý, vẫn chưa có doanh nghiệp nào khắc phục các nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc cổ phiếu bị cắt margin.
Sau một quý, vẫn chưa có doanh nghiệp nào khắc phục các nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc cổ phiếu bị cắt margin.

Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là do cổ phiếu thuộc diện cảnh báo, kiểm soát hoặc hạn chế giao dịch.

Trên HNX, có thể liệt kê một số “gương mật” thân quen như AAV của Công ty CP AAV Group,, APS của Công ty CP Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương, MAS của Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng, SDU của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà,…

Còn trên sàn HoSE, đó là sự xuất hiện của nhiều cái tên quen thuộc: AGM của Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang, APH của Công ty CP Tập đoàn An Phát Holdings, CRE của Công ty CP Bất động sản Thế kỷ, HAG của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines),…

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể thoát khỏi vòng xoáy thua lỗ, khiến cổ phiếu tiếp tục bị “trói”...

Trên HNX, các trường hợp bị cắt margin vì doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế 6 tháng và/hoặc lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối tháng 6 tại báo cáo tài chính bán niên 2024 đã soát xét là số âm gồm có: CTP của Công ty CP Minh Khang Capital Trading Public, NDX của Công ty CP Xây lắp Phát triển Nhà Đà Nẵng, VIT của Công ty CP Viglacera Tiên Sơn, WSS của Công ty CP Chứng khoán Phố Wall,…

Trong danh sách này còn có một số cổ phiếu thuộc doanh nghiệp không nhận được ý kiến chấp thuận toàn phần của tổ chức kiểm toán như KTT của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư KTT, MED của Công ty CP Dược Trung Ương Mediplantex. Thậm chí, nhiều trường hợp còn nhận thêm kết luận của cơ quan thuế vì việc vi phạm pháp luật thuế như VNT của Công ty CP Giao nhận Vận tải Ngoại thương, NRC của Công ty CP Tập Đoàn Danh Khôi…

Còn trên HoSE, danh sách cổ phiếu thuộc doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2024 là số âm gồm có: CMX của Công ty CP Camimex Group, DQC của Công ty CP Điện Quang, EVE của Công ty CP Everpia, NT2 của Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2, RDP của Công ty CP Rạng Đông Holdings, STK của Công ty CP Sợi Thế Kỷ,… Đáng nói, đây đều là những gương mặt “đình đám” một thời.

Bên cạnh đó, HoSE cũng liệt nhiều mã vào danh sách cắt margin do chậm công bố thông tin, chẳng hạn như AAT của Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hoá, ABS của Công ty CP Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận, SC5 của Công ty CP Xây dựng Số 5,…

Ngoài ra, còn có một số chững chỉ quỹ FUCVREIT, FUEIP100, FUEKIV30 không được thực hiện giao dịch ký quỹ do các quỹ đầu tư đại chúng này có tối thiểu một tháng có giá trị tài sản ròng (NAV) tính trên một đơn vị chứng chỉ quỹ nhỏ hơn mệnh giá căn cứ trên báo cáo thay đổi giá trị tài sản ròng hàng tháng xét trong ba tháng liên tiếp.

Việc HNX và HoSE vẫn duy trì danh sách dài các mã chứng khoán bị cắt margin cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay trước những thách thức lớn, phản ánh thực trạng đáng lo ngại bối cảnh thị trường đang đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn.

Thái Hà

Theo VietnamFinance