Cổ phiếu C4G nằm vùng đáy, VND trở thành cổ đông lớn của C4G qua giao dịch đáng ngờ?
VND đã gom được 3,2 triệu cổ phiếu C4G khi cổ phiếu này đang ở vùng đáy. Nhu cầu tăng sở hữu của VND được đảm bảo mà không làm diễn biến giá cổ phiếu C4G biến động tăng trong quá trình gom mua.
CTCP Chứng khoán VNDirect (mã VND) vừa thông báo đã mua thành công 3,2 triệu cổ phiếu CTCP Tập đoàn CIENCO4 (mã C4G).
Thương vụ 18 tỷ đồng có gì đáng chú ý?
Theo đó, VND đã nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ tại C4G lên 8.150.000 cổ phiếu, tương đương nâng tỷ lệ sở hữu từ mức 4,95% lên 8,15% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và chính thức trở thành cổ đông lớn của CIENCO4.
Được biết, VND vốn là đơn vị tư vấn và phân phối cổ phiếu C4G trước khi chính thức đăng ký giao dịch trên UPCoM vào ngày 10/12/2018. Được biết, giá phân phối bằng với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 14.000 đồng/cổ phiếu.
Trong phiên giao dịch ngày 27/12/2019, cổ phiếu C4G xuất hiện giao dịch thỏa thuận 3,2 triệu đơn vị, đúng bằng khối lượng cổ phiếu VND đã mua vào, giá thực hiện là 5.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, khả năng cao là VND đã mua cổ phiếu C4G ở mức giá này, tương ứng chi gần 18 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ trên.
Điều đáng chú ý là cùng ngày, một cổ đông lớn của CIENCO4 là CTCP Xây dựng Dũng Hưng cũng đã bán thỏa thuận 3,2 triệu cổ phiếu C4G với giá trị 17,6 tỷ đồng tương đương giá bình quân 5.500 đồng/cổ phiếu. Nhiều khả năng số cổ phiếu VNDirect mua vào là từ chính cổ đông này.
Đáng chú ý, số cổ phiếu trên chỉ vừa được Xây dựng Dũng Hưng gom thêm trong những ngày cuối năm 2019, ngay trước thời điểm VND hoàn tất giao dịch. Công ty Xây dựng Dũng Hưng mua số cổ phiếu này và để nâng tỷ lệ sở hữu từ 10,9% lên 14,1%.
Sau thương vụ này, Xây dựng Dũng Hưng còn sở hữu ở mức 10,9% cổ phần tại CIENCO4 như ban đầu, và vẫn là cổ đông lớn của doanh nghiệp này bên cạnh CTCP New Link (20,75% cổ phần), Công ty TNHH Đầu tư Thượng Hải (14,13% cổ phần) và VNDirect.
Tại sao VND lại phải mua cổ phiếu thông qua CTCP Xây dựng Dũng Hưng?
Câu hỏi đặt ra là nếu giao dịch diễn ra đúng như trên thì tại sao VND lại phải mua cổ phiếu thông qua CTCP Xây dựng Dũng Hưng?
Trong khi đó, chắc chắn một điều rằng phương án giao dịch như trên đã đảm bảo được nhu cầu tăng sở hữu của VND mà không làm diễn biến giá cổ phiếu C4G biến động tăng trong quá trình gom mua, bởi thông qua mua thoả thuận. VND đã gom được 3,2 triệu cổ phiếu C4G khi cổ phiếu này đang ở vùng đáy.
Được biết, Tập đoàn CIENCO4 chính thức lên sàn giao dịch trên Upcom từ tháng 12/2018 với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 12.200 đồng/CP. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm chào sàn, cổ phiếu C4G đã giảm hơn 52% và hiện đang đứng tại mức giá 5.800 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 15/1/2020).
Cổ phiếu C4G đã giảm hơn 52% và hiện đang đứng tại mức giá 5.800 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 15/1/2020). Nguồn: finance.tvsi.com.vn
Trước khi VND trở thành cổ đông lớn, cơ cấu cổ đông của C4G (tại thời điểm 30/6/2019) bao gồm: Công ty Xây dựng Dũng Hưng sở hữu hơn 109 triệu cổ phiếu, tương ứng 10,9%, giảm một nửa so với đầu năm 2019 là 214 triệu cổ phiếu (21,4%); Công ty cổ phần New Link sở hữu 207,5 triệu cổ phiếu (20,75%); Công ty TNHH Đầu tư Thượng Hải sở hữu 141,3 triệu cổ phiếu (14,13%); các cổ đông khác nắm giữ 54,22%.
Với sự kiện VND trở thành cổ đông lớn của C4G, thị trường vẫn chưa tìm được lý do thuyết phục tại thời điểm này.
Bởi lẽ, C4G dù có định giá thấp, P/E khoảng 4 lần (sử dụng giá đóng cửa ngày 13/1/2019 là 5.900 đồng/cổ phiếu), nhưng giá không lên nổi là bởi những lo ngại rủi ro về doanh nghiệp đã được phản ánh vào giá, đặc biệt là tình trạng nợ vay duy trì ở mức cao nhiều năm và những lời hứa chưa thành hiện thực của Hội đồng quản trị C4G đối với cổ đông.
Theo Mai Hương/ Sở hữu Trí tuệ