Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (14/11): MWG, FPT và LPB

FPT hiện đang được giao dịch P/E 2022 ở mức 14,9 lần, thấp hơn trung bình 3 năm trước. Agriseco khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu FPT với hạ giá mục tiêu xuống 90.000 đồng/cổ phiếu, giảm so với lần báo cáo trước do phản ánh rủi ro thị trường trong môi trường lãi suất đang tăng nhanh và sự giảm tốc tăng trưởng doanh thu từ thị trường nội địa.

MWG: SSI khuyến nghị mua với giá mục tiêu 61.000 đồng/cổ phiếu

Trong quý III/2022, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) ghi nhận doanh thu đạt 32 nghìn tỷ đồng (tăng 32% so với cùng kỳ) và lơi nhuận ròng đạt 907 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ).

Trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 102,8 nghìn tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ) và 3,48 nghìn tỷ đồng (tăng 4,3% so với cùng kỳ), hoàn thành 73% và 55% kế hoạch năm. Với tiến độ như vậy, Công ty Chứng khoán SSI đánh giá MWG có thể khó hoàn thành kế hoạch năm nay.

Lạm phát làm tăng chi phí cho MWG, đồng thời làm giảm sức mua của người tiêu dùng, do đó công ty khó có thể chuyển phần tăng lên của chi phí sang giá bán cho khách hàng. SSI cho rằng lạm phát sẽ tiếp tục kéo dài trong vài quý tới, do đó sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng doanh thu của các cửa hàng Điện Máy Xanh, Thế giới Di động và Topzone. Điều này, cùng với việc mở mới cửa hàng chậm lại, sẽ gây áp lực giảm lợi nhuận của mảng ICT & CE vào năm 2023.

Chi phí tài chính có thể tăng lên do xu hướng tăng của lãi suất, cơ cấu lại nợ sang kỳ hạn dài hơn và VND mất giá. SSI ước tính USD sẽ tăng giá 4,2%, trong khi lãi suất cho vay dự kiến sẽ tăng 50-100 điểm cơ bản trong quý IV/2022, điều này sẽ làm giảm đáng kể doanh thu tài chính của công ty.

Vào năm 2023, SSI kỳ vọng USD sẽ tăng giá ở mức nhẹ hơn (khoảng 1-2% vào năm 2023 so với 9% vào năm 2022), trong khi lãi suất dự kiến sẽ tăng 100-150 điểm cơ bản (so với 300-400 điểm cơ bản vào năm 2022) . Do đó, trong giai đoạn 2022-2023 ước tính công ty sẽ ghi nhận khoản lỗ lần lượt là 227 tỷ đồng và 104 tỷ đồng từ hoạt động tài chính.

Đối với Bách Hoá Xanh, SSI kỳ vọng khả năng sinh lời sẽ cải thiện từ quý IV/2022 trở đi nhờ doanh thu hàng tháng trên mỗi cửa hàng được cải thiện và không phát sinh chi phí một lần liên quan đến việc đóng cửa các cửa hàng hoạt động không hiệu quả (công ty đã ghi nhận 540 tỷ đồng khoản chi phí này trong quý II/2022 và quý III/2022).

SSI dự báo lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 đạt 1,67 nghìn tỷ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ). Do đó, công ty chứng khoán này điều chỉnh giảm 6% ước tính lợi nhuận ròng năm 2022 xuống 5,16 nghìn tỷ đồng (tăng 5% so với cùng kỳ, từ 5,48 nghìn tỷ đồng trong dự báo trước đó), và điều chỉnh giảm 18% ước tính lợi nhuận ròng của năm 2023 xuống 5,86 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ, từ mức 7,19 nghìn tỷ đồng trong dự báo trước đó).

Theo SSI, mặc dù lợi nhuận của mảng ICT&CE có thể sẽ bị ảnh hưởng trong năm tới, nhưng sự cải thiện trong Bách Hoá Xanh (doanh thu tăng và không ghi nhận chi phí một lần) và lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái giảm đi sẽ đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận ở mức khá cho năm 2023.

SSI điều chỉnh giảm giá mục tiêu 12 tháng dựa trên phương pháp SOTP xuống 61.000 đồng/cổ phiếu (từ 87.800 đồng/cổ phiếu) để phản ánh việc điều chỉnh giảm ước tính lợi nhuận và các hệ số giá.

Giá mục tiêu mới tương đương với tiềm năng tăng giá là 34%, do đó chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu cho thời hạn đầu tư dài hạn mặc dù có thể có những giai đoạn giá cổ phiếu sẽ điều chỉnh.

FPT: Agriseco khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 90.000 đồng/cổ phiếu

Doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) trong quý III/2022 tăng mạnh lần lượt đạt 11.149 tỷ đồng (tăng 28% so với cùng kỳ) và 2.028 tỷ đồng (tăng 24 so với cùng kỳ) so với 2 quý trước nhờ mảng công nghệ thông tin nước ngoài tăng.

Với tốc độ tăng trưởng duy trì trên 20%, lũy kế 9T, doanh thu và lợi nhuận trước thuế đều ghi nhận mức tăng hơn 24% so với cùng kỳ và hoàn thành 73% kế hoạch năm về doanh thu và 74% lợi nhuận trước thuế.

Về mảng công nghệ, giá trị đơn hàng ký mới ghi nhận tăng nhanh. Trong 9 tháng năm 2022, doanh thu và lợi nhuận trước thuế mảng công nghệ lần lượt đạt 17.742 tỷ đồng (tăng 24% so với cùng kỳ) và 2.635 tỷ đồng (tăng 26% so với cùng kỳ). Mảng công nghệ nước ngoài tiếp tục đóng góp chính vào tốc độ tăng nhờ giá trị các hợp đồng ký mới xấp xỉ 700 triệu USD (tăng 42% so với cùng kỳ).

Mặc dù chịu áp lực từ tỷ giá và lãi suất biến động ở các thị trường đối tác, FPT vẫn ghi nhận trúng thầu 18 dự án quy mô lớn (trên 5 triệu USD) nhờ lợi thế về chi phí thấp và nhân lực trình độ cao. Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng doanh thu chuyển đổi số của FPT dự kiến tăng ở mức 35 – 40%, đặc biệt mảng Cloud giúp duy trì đà tăng trưởng quý IV ở các thị trường xuất khẩu như APAC, Nhật, Mỹ.

Mảng công nghệ trong nước dự báo tăng trưởng chậm lại do khó khăn từ các khách hàng bất động sản, tài chính.

Về mảng viễn thông, 9 tháng năm 2022, doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt tăng 17% và 22% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận được cải thiện từ 18,1% lên 18,8% nhờ mảng Pay TV tăng tốt và doanh thu tài chỉnh từ lãi tiền gửi tăng 74% so với cùng kỳ. Trong quý IV/2022, Agriseco kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận trước thuế mảng viễn thông tiếp tục tăng trưởng 2 chữ số. Tuy nhiên, năm 2023, biên lợi nhuận khả năng sẽ giảm do không còn ghi nhận doanh thu tài chính.

Mảng giáo dục dự kiến sẽ tăng quy mô để thu hút người học. Doanh thu giáo dục, đầu tư tăng mạnh 70% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ số lượng người học tăng. FPT đang tăng quy mô chuỗi giáo dục ở Hà Nam và Huế (cuối quý IV/2022) và hợp tác với các tỉnh FPT đang chuyển đổi số để mở rộng hệ thống giáo dục (hiện nay ký kết chuyển đổi số với 12/24 tỉnh). Agriseco kỳ vọng điều này sẽ giúp doanh thu duy trì tăng khoảng 30% so với cùng kỳ.

Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 3 mảng kinh doanh chính của FPT đều vượt 20% trong 9 tháng năm 2022 đúng như kỳ vọng của Agriseco. Trong năm 2022, kết quả kinh doanh dự báo tăng trên 20% chủ yếu nhờ đà tăng từ công nghệ thông tin nước ngoài.

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại khi kinh tế toàn cầu suy thoái nhưng vẫn duy trì tăng trưởng 2 chữ số nhờ nhu cầu lớn từ chuyển đổi số. Trong dài hạn, Agriseco vẫn đánh giá cao FPT bởi vị thế đầu ngành, tỷ lệ cổ tức tiền đều đặn, ROE duy trì trên 15%.

FPT hiện đang được giao dịch P/E 2022 ở mức 14,9 lần, thấp hơn trung bình 3 năm trước. Do đó, Agriseco khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu FPT với hạ giá mục tiêu xuống 90.000 đồng/cổ phiếu, giảm so với lần báo cáo trước do phản ánh rủi ro thị trường trong môi trường lãi suất đang tăng nhanh và sự giảm tốc tăng trưởng doanh thu từ thị trường nội địa.

LPB: VNDirect khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 15.700 đồng/cổ phiếu

Quý III/2022 cho vay của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, HoSE: LPB) tăng trưởng 9,1% so với đầu năm, chỉ tăng 0,5% so với mức tăng 8,6% so với đầu năm cuối quý II/2022. Tuy nhiên, NIM tăng trưởng 66 điểm cơ bản so với cùng kỳ chủ yếu do lãi suất tiền gửi giảm từ 10 – 50 điểm cơ bản so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2022, giúp thu nhập lãi (NII) tăng 58% so với cùng kỳ.

Thu nhập ngoài lãi (nonII) tăng 18,3% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ thu nhập từ phí tăng 66,4% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động chỉ tăng 8,4% so với cùng kỳ, kéo CIR xuống mức 36,2%, thấp nhất kể từ năm 2016. Mặt dù LPB đã mạnh tay trích lập dự phòng (tăng 238,3% so với cùng kỳ) nhưng lợi nhuận ròng vẫn tăng 61,1% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, lợi nhuận ròng tăng 72,1% so với cùng kỳ đạt 4.822 tỷ đồng, chủ yếu nhờ khoản thu nhập bất thường từ hoạt động chứng khoán trong quý II/2022. Nếu loại khoản này ra, 9 tháng năm 2022 lợi nhuận ròng tăng 59,4% so với cùng kỳ.

Công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá chất lượng tài sản đang ở mức tốt nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) được kiểm soát ở mức 1,4% trong 9 tháng năm 2022. Kết quả hoạt động tốt trong 9 tháng năm 2022 giúp ngân hàng xử lý tích cực hơn các khoản nợ xấu.

VNDirect ước tính LPB đã xử lý xong 462 tỷ đồng nợ xấu và ghi nhận 1.876 tỷ đồng (tăng 110,4% so với cùng kỳ) trong 9 tháng năm 2022, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) lên mức cao nhất 143,1%, lần đầu gia nhập top 7 các ngân hàng niêm yết.

VNDirect nâng dự báo lợi nhuận lên 5,5%/0,9% giai đoạn 2022-2023. Công ty chứng khoán này giảm tăng trưởng cho vay 2023 về 10,5% từ mức 11,5% do nhu cầu tín dụng toàn ngành có xu hướng chậm lại. VNDirect kỳ vọng NIM đạt 3,6% năm 2023 và 3,9% năm 2022.

VNDirect giảm CIR xuống 40% từ mức 45% dự báo cũ khi ngân hàng đã quản lý chi phí tốt hơn trong 9 tháng năm 2022. Chi phí dự phòng tăng 81,1%/56,7% giai đoạn 2022-2023 khi công ty chứng khoán này cho rằng nợ xấu có xu hướng gia tăng khi thông tư 14 hết hạn.

Kết quả, dự phóng lợi nhuận ròng tăng 5,5%/0,9% so với dự báo cũ giai đoạn 2022-2023. VNDirect duy trì khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu thấp hơn là 15.700 đồng/cổ phiếu. Công ty chứng khoán này nâng lợi nhuận ròng giai đoạn 2022-2023, tuy nhiên giảm P/B về 1 lần từ mức 1,5 lần nhằm phản ánh giai đoạn khó khăn đối với ngành ngân hàng khi tín dụng thắt chặt, NIM bị nén và chi phí tín dụng ngày một tăng.

Hải Đường

Theo VietnamFinance