Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (11/11): FPT, NT2 và PNJ

FPT hiện đang giao dịch ở mức P/E năm 2022 và 2023 hấp dẫn, lần lượt là 15 lần và 12,7 lần, dựa trên mức tăng trưởng EPS lần lượt là 22% và 18% theo kịch bản cơ sở của SSI. Công ty chứng khoán này khuyến nghị khả quan đối với cố phiếu FPT với giá mục tiêu 12 tháng dựa trên phương pháp SOTP là 95.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng với 31% tiềm năng tăng giá.

Lạm phát thấp hơn dự kiến, Dow Jones tăng vọt 1.200 điểm

FPT: SSI khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 95.400 đồng/cổ phiếu

Trong 9 tháng năm 2022, lợi nhuận trước thuế của Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) đạt tăng trưởng hai con số. Trong quý III/2022, FPT ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao từ mảng công nghệ.

Mảng dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài trong quý III/2022 duy trì tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ở mức hai con số là 26,4% so với cùng kỳ (so với mức tăng 22,8% so với cùng kỳ trong quý II/2022).

Tăng trưởng doanh thu của FPT từ thị trường Nhật Bản trong quý III/2022 vượt kế hoạch của ban lãnh đạo là 19% so với cùng kỳ, mặc dù JPY giảm giá. Nếu loại sự ảnh hưởng của đồng Yên Nhật, tăng trưởng doanh thu của thị trường Nhật Bản là khoảng 40% so với cùng kỳ trong quý III/2022.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, FPT có tỷ trọng doanh thu từ thị trường EU thấp nhất so với các công ty cùng ngành. SSI cho rằng mảng công nghệ thông tin nước ngoài của FPT có thể bị ảnh hưởng ít hơn so với các đối thủ trong trường hợp căng thẳng giữa Nga và Ukraine kéo dài hơn. Xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine có thể tác động trực tiếp đến rủi ro lạm phát và suy thoái của EU, đồng thời tạo ra những thách thức đối với mức chi tiêu cho công nghệ thông tin của châu Âu.

Doanh thu của FPT từ thị trường EU chỉ chiếm 8% doanh thu của mảng công nghệ thông tin nước ngoài và ở mức không đáng kể là 3% trong tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2022.

Biên lợi nhuận trước thuế của mảng dịch vụ viễn thông cải thiện 70 điểm cơ bản so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2022 lên 18,8%. Kết quả tích cực này cao hơn một chút so với dự báo của chúng tôi là tăng 10  điểm cơ bản so với cùng kỳ trong năm 2022.

Trong kịch bản cơ sở giai đoạn 2022-2023, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế sẽ tăng ở mức hai chữ số. Về mảng dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài, SSI dự báo lợi nhuận trước thuế tăng trưởng hai con số trong năm 2023 (tăng 21% so với cùng kỳ), thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng năm 2022 (tăng 24% so với cùng kỳ). Với lợi thế chi phí thấp của FPT, SSI cho rằng FPT có thể giành thêm được hợp đồng.

Tăng trưởng doanh thu từ thị trường Nhật Bản dự kiến đạt mức 15% trong năm 2023, so với 15,4% trong năm 2022. Tăng trưởng hữu cơ từ Nhật Bản trong năm 2022 là khoảng 35%; nhưng do ảnh hưởng bởi việc đồng JPY giảm giá trung bình 14,5%, nên tăng trưởng dừng lại ở mức 15,4% trong năm 2022. Chúng tôi dự báo tăng trưởng trong năm 2023 là 15%.

Thị trường Mỹ và Châu Á Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng cao hơn thị trường EU do căng thẳng kéo dài giữa Nga và Ukraine. FPT có tỷ trọng doanh thu tại thị trường EU (chiếm 7% doanh thu mảng dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài và chỉ 3% tổng doanh thu năm 2023 của FPT) thấp nhất so với các công ty cùng ngành. Tăng trưởng doanh thu của thị trường Hoa Kỳ và Châu Á Thái Bình Dương ước tính lần lượt vào khoảng 27% và 33% trong năm 2023, so với mức tăng trưởng 10% của thị trường EU.

Tuy nhiên, trước rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu và biến động tỷ giá, SSI dự báo tỷ suất lợi nhuận trước thuế từ mảng dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài của FPT sẽ giảm trong năm 2023.

Theo SSI, mảng dịch vụ công nghệ thông tin trong nước ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu không đổi, nhưng biên lợi nhuận trước thuế sẽ thấp hơn do tác động của lãi suất cho vay tăng. Lãi suất cho vay tăng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của các doanh nghiệp và ngân sách dành cho công nghệ thông tin có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. SSI dự báo lợi nhuận trước thuế của mảng dịch vụ viễn thông sẽ tăng trưởng ở mức trên 10%.

FPT hiện đang giao dịch ở mức P/E năm 2022 và 2023 hấp dẫn, lần lượt là 15 lần và 12,7 lần, dựa trên mức tăng trưởng EPS lần lượt là 22% và 18% theo kịch bản cơ sở của SSI. Trong khi đó, các công ty cùng ngành có mức tăng trưởng EPS trung bình lần lượt là 6% và 15% trong năm 2022 và 2023, đang giao dịch ở mức P/E trung bình năm 2022 và 2023 lần là 17 lần và 15 lần.

Mặc dù cần phải quan sát thêm về mức chi tiêu cho công nghệ thông tin đang giảm đi, nhưng do FPT có lợi thế chi phí thấp, tỷ trọng doanh thu từ thị trường EU thấp nhất so với các công ty cùng ngành, tỷ lệ thanh toán lãi vay cao, và lượng tiền mặt ròng dồi dào, SSI đánh giá tích cực về cổ phiếu FPT.

Công ty chứng khoán này khuyến nghị khả quan đối với cố phiếu FPT với giá mục tiêu 12 tháng dựa trên phương pháp SOTP là 95.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng với 31% tiềm năng tăng giá.

NT2: PHS khuyến nghị mua với giá 31.200 đồng/cổ phiếu

Trong 9 tháng năm 2022, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2) đạt 6.863 tỷ đồng (tăng 52% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế tăng vọt lên 723.6 tỷ đồng (tăng 75% so với cùng kỳ), hoàn thành lần lượt 85% và 78% con số dự báo của chúng tôi cho năm 2022.

Theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng, sự tăng trưởng đột biến về kết quả hoạt động xuất phát từ những điều kiện thuận lợi chưa từng có khi nhiệt điện than đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu đầu vào trên toàn quốc và mức giá cao của than trên toàn cầu, do đó, khiến cho nhu cầu về điện khí tăng cao để duy trì sự ổn định cho nguồn điện.

PHS kỳ vọng doanh thu thuần của NT2 sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải trong năm 2023. Theo đó, doanh thu thuần có thể đạt 8,745 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế có thể tăng nhẹ lên 957 tỷ đồng (tăng 3% so với cùng kỳ). Kể từ quý I/2022, biên lợi nhuận gộp đã phục hồi nhanh chóng nhờ mức giá bán cao trong bối cảnh cả nước đang thiếu than cho sản xuất nhiệt điện than.

Ngoài ra, biên lợi nhuận ròng cũng được củng cố nhờ chi phí lãi vay ở mức khiêm tốn, do tổng nợ vay giảm đáng kể qua trong các giai đoạn vừa qua (tỷ số Nợ/Vốn chủ sở hữu là gần 14% tại ngày 30 tháng 9 năm 2022).

PHS kỳ vọng biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng sẽ được ổn định lần lượt ở mức 14% và 11% trong năm tài chính 2022 và 2023.

Doanh thu và lợi nhuận của NT2 được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022 và đà tăng này có thể tiếp tục trong năm 2023, chủ yếu là do việc chuyển sang nhiệt điện khí để bù đắp tình hình than thiếu hụt và giá than tăng cao.

PHS kỳ vọng sản lượng điện của công ty năm 2023 sẽ lớn hơn 13,7% so với con số ước tính cho năm 2022 và 36,5% so với năm 2021, trong khi giá bán có thể giảm nhẹ 5% so với 2022.

NT2 đang tăng tốc giảm nợ và củng cố hoạt động kinh doanh trong bối cảnh lãi suất tăng cao. Điều này cho phép công ty đảm bảo lợi nhuận và tỷ lệ chi trả cổ tức cao trong tương lai.

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá trị hợp lý là 31.200 đồng/cổ phiếu. Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 23%. Trong định giá này, PHS nâng lãi suất phi rủi ro tính đến thời điểm hiện tại lên 5% (từ mức 3,5%) để dự tính các động thái sắp tới của lãi suất trong bối cảnh chính sách tiền tệ đang bị thắt chặt.

PNJ: KBSV khuyến nghị mua với giá mục tiêu 121.100 đồng/cổ phiếu

Kết thúc quý III/2022, Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 104,4% so với cùng kỳ, đạt 25,574 tỷ đổng – hoàn thành 99% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.340 tỷ đồng (tăng 132,7% so với cùng kỳ) – hoàn thành 101% kế hoạch năm.

Biên lợi nhuận gộp giảm còn 16,9% trong quý III từ mức 18% của quý II do các sản phẩm hàm lượng vàng cao (có biên gộp thấp) được ưa chuộng nhiều hơn ở thị trường 2,3 và do PNJ đẩy mạnh nhiều chương trình khuyến mãi.

Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng so với quý II do PNJ đẩy mạnh hoạt động tiếp thị cũng làm biên lợi nhuận ròng giảm về 3.4% trong quý III. Hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản (70-80%), và có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Ban lãnh đạo cho biết do PNJ tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, ít đầu tư tài sản nên tỷ lệ hàng tồn kho/tổng tài sản cao. Hoạt động quản trị hàng tồn kho vẫn hiệu quả khi hệ số vòng quay hàng tồn kho cải thiện qua các năm.

Quý III dù là quý thấp điểm của PNJ nhưng vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng 739,7% so với cùng kỳ trong bối cảnh hồi phục và trên nền thấp của quý III năm ngoái (tạm đóng cửa nhiều cửa hàng thực hiện giãn cách xã hội). Nếu so với quý III/2019 và quý III/2018 (thời điểm chưa có dịch bệnh), doanh thu tăng trưởng lần lượt 87% và 114%.

Kết quả này đến từ việc PNJ liên tục phát triển sản phẩm, mở rộng mạng lưới hoạt động với số lượng cửa hàng đã tăng lên 354 cửa hàng tính đến cuối quý III. Các mảng kinh doanh đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, doanh thu bán lẻ luỹ kế 9 tháng năm 2022 tăng 113,3% so với cùng kỳ nhờ vào sự tăng trưởng ở tất các các nhãn hàng.

Doanh thu vàng 24K tăng 104,2% so với cùng kỳ trong bối cảnh lạm phát cao và bất ổn chính trị.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, bước sang mùa cao điểm quý IV, doanh thu các mảng kinh doanh sẽ tiệm cận với mức cao trong quý 1 năm nay nhờ vào tín hiệu cầu tăng mạnh khi ban lãnh đạo cho biết PNJ đã lập kỷ lục doanh số mới trong dịp lễ 20/10 vừa qua.

Theo đánh giá của ban lãnh đạo, sức mua trong quý III chưa bị ảnh hưởng bởi lạm phát, tuy nhiên yếu tố này cần phải theo dõi trong thời gian tới. Dự báo lạm phát trong năm 2023 sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm trang sức, nhưng với PNJ mức độ ảnh hưởng sẽ thấp hơn và có độ trễ hơn do phân khúc khách hàng của công ty là nhóm trung-cao cấp (ít bị tác động).

Về dài hạn, công ty đang hướng đến phân khúc khách hàng mới, mà ngay cả khi có lạm phát thì vẫn tiếp cận hiệu quả.

Kế hoạch mở mới cửa hàng mỗi năm của PNJ là 30-40 cửa hàng /năm và tính đến cuối quý III/2022 công ty đã mở mới 25 cửa hàng. Mặc dù quá trình xin kế hoạch xây dựng bị chậm nhưng ban lãnh đạo vẫn tự tin có thể hoàn thành kế hoạch mở mới trong năm nay và các năm tới.

Đối với kế hoạch xây dựng nhà máy mới, PNJ cho biết vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu tính khả thi của dự án này. Trong năm nay, PNJ liên tục nghiên cứu sản phẩm và cho ra mắt các bộ sưu tập mới, hướng đến từng đối tượng khách hàng. Với thế mạnh sở hữu đội ngũ kim hoàn chất lượng, chúng tôi kỳ vọng mảng bán lẻ trang sức của PNJ sẽ tiếp tục gia tăng thị phần và tăng trưởng trong dài hạn.

Với kết quả kinh doanh tích cực sau quý III và những triển vọng trong thời gian tới, KBSV tiến hành điều chỉnh nâng mức dự phóng kết quả kinh doanh. Theo đó, doanh thu thuần năm 2022 kỳ vọng đạt 33.926 tỷ đồng (tăng 73% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.838 tỷ đồng (tăng 78% so với cùng kỳ). Cho năm 2023, mức doanh thu thuần đạt 38.786 tỷ đồng (tăng 14,32% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế ở mức 2.093 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ).

KBSV tiến hành định giá cổ phiếu PNJ bằng việc kết hợp hai phương pháp định giá DCF và so sánh P/E (tỷ trọng 50-50). Với phương pháp DCF, KBSV điều chỉnh tăng chi phí vốn chủ sở hữu do lãi suất tăng và rủi ro đầu tư cao. Phương pháp P/E, công ty chứng khoán này đặt điều chỉnh P/E mục tiêu của PNJ là 15 lần, EPS cho năm 2022 ở mức 7.470 đồng/cổ phiếu.

KBSV khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PNJ, mức giá mục tiêu 121.100 đồng/cổ phiếu (giảm 14% so với mức dự phóng lần trước), cao hơn 24,7% so với mức giá đóng cửa ngày 10/11/2022.

Hải Đường

Theo VietnamFinance