Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (16/3): BMP, DCM và BID

SSI dự báo lợi nhuận sẽ tăng trưởng cao so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023 do mức nền thấp trong nửa đầu năm 2022, việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong nửa đầu năm 2023 sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu BMP trong ngắn hạn.

BMP: SSI khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 62.000 đồng/cổ phiếu

Lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) đạt mức cao nhất trong 3 năm qua do giá PVC đầu vào giảm (PVC chiếm 80% chi phí giá vốn). Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ của BMP suy yếu do hoạt động xây dựng giảm tốc. Sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 24 nghìn tấn (giảm 8% so với cùng kỳ, giảm 5% so với quý trước) trong quý IV/2022, tương đương 89% kế hoạch trong quý IV/2022.

Trong quý IV/2022, BMP ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 1,4 nghìn tỷ đồng (giảm 1% so với cùng kỳ, giảm 6% so với quý trước) và 248 tỷ đồng (tăng 117% so với cùng kỳ, tăng 41% so với quý trước). Biên lợi nhuận gộp tăng đáng kể từ 19,9% trong quý IV/2021 lên 33,7% trong quý IV/2022, do giá bán bình quân vẫn ở mức cao trong khi chi phí đầu vào duy trì ở mức thấp.

Kể từ mức đỉnh của quý II/2022, giá hạt nhựa PVC đã giảm mạnh từ 1.430 USD/tấn trong quý II/2022 xuống còn 950 USD/tấn trong quý IV/2022. Do biên lợi nhuận gộp tăng, lợi nhuận ròng/tấn đạt mức cao kỷ lục 10,4 triệu đồng/tấn trong quý IV/2022, đây là mức tăng đáng kể so với 4,4 triệu đồng/tấn trong quý IV/2021.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của BMP lần lượt đạt 5,8 nghìn tỷ đồng (tăng 28% so với cùng kỳ) và 696 tỷ đồng (tăng 225% so với cùng kỳ), hoàn thành 101% và 106% dự báo năm 2022 của Công ty Chứng khoán SSI.

Trong năm 2023, SSI dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 5,6 nghìn tỷ đồng (giảm 4% so với cùng kỳ và 635 tỷ đồng (giảm 9% so với cùng kỳ), trong đó lợi nhuận ròng/tấn duy trì ổn định ở mức 6,4 triệu đồng so với mức bình quân năm 2022.

Ban lãnh đạo của BMP kỳ vọng giá bán bình quân sẽ duy trì ở mức hiện tại trong năm 2023. Tuy nhiên, SSI cho rằng sản lượng tiêu thụ và giá bán bình quân của công ty có thể giảm 2% so với cùng kỳ do hoạt động xây dựng chững lại.

Biên lợi nhuận gộp dự kiến sẽ duy trì ở mức 27,9% trong năm 2023 so với 27,7% trong năm 2022 do giá PVC dự kiến sẽ giảm 5% so với cùng kỳ trong năm 2023. SSI kỳ vọng rằng tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu sẽ đạt mức 10% trong năm 2023 so với 8,7% trong năm 2022 do giá đầu vào thấp khuyến khích nhà sản xuất đưa ra mức chiết khấu cho nhà phân phối hoặc khách hàng.

BMP đang được giao dịch với P/E dự phóng là 7,5 lần, đây là mức bình quân 5 năm trong khoảng 7-10 lần. SSI duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu BMP, với giá mục tiêu 1 năm là 62.000 đồng/cổ phiếu từ 58.800 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 6%, tổng mức sinh lời là 16%), dựa trên P/E mục tiêu là 8 lần (giảm từ 9 lần do mức nền lợi nhuận cao của năm 2023).

SSI dự báo lợi nhuận sẽ tăng trưởng cao so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023 do mức nền thấp trong nửa đầu năm 2022, và việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong nửa đầu năm 2023 sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu BMP trong ngắn hạn.

DCM: MBS khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 24.104 đồng/cổ phiếu

Quý IV/2022, giá phân bón điều chỉnh giảm nhưng DCM vẫn tăng trưởng 11% về doanh thu tương ứng 4.458,5 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận chỉ giảm 8,5% so với cùng kỳ, đạt 1.000,8 tỷ đồng. Nhờ kết quả rất tốt 3 quý trước, lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của DCM đạt 15.924,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 4.316 tỷ đồng, lần lượt tăng 67,4% và 137% so với năm 2021.

Doanh thu và lợi nhuận năm 2022 của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, HoSE: DCM) đạt được nhờ vào gía phân bón tăng cao đột biến. Giá phân bón đã tạo đỉnh vào giữa năm 2022 và điều chỉnh giảm cho tới nay.

Xu hướng giảm giá phân bón vẫn tiếp tục duy trì trong năm 2023 và có thể kéo dài sang năm 2024. Trong khi đó, giá dầu FO và Brent thế giới (là căn cứ tính giá khí nguyên liệu) Với dự báo giá phân bón sẽ giảm trong năm 2023, công ty đặt kế hoạch sản xuất 882 nghìn tấn Urea quy đổi giảm khoảng 4% so với mức thực hiện năm 2022. Chỉ tiêu kế hoạch với sản lượng tiêu thụ và hàng kinh doanh lần lượt là 760 nghìn tấn Đạm Cà Mau, 100 nghìn tấn sản phẩm gốc Urea, 160 nghìn tấn NPK và 211 nghìn tấn phân bón tự doanh.

Về kế hoạch tài chính, DCM dự kiến đạt doanh thu 13.458,5 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 1.383,1 tỷ đồng, giảm lần lượt 15,5% về doanh thu và 68% về lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, mức lợi nhuận sau thuế này vẫn gấp đôi lợi nhuận năm 2020.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, DCM đặt kế hoạch khá thận trọng. Với triển vọng tiêu thụ sản phẩm khá ổn định và giá phân bón bình quân vẫn ở mức tốt cộng thêm chi phí tài chính hạ, nhiều khả năng DCM sẽ vượt kế hoạch đề ra.

Theo MBS, hoạt động sản xuất của nhà máy Urea của DCM đang ổn định, đảm bảo sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Với nhu cầu thị trường có xu hướng giảm, nhà máy có kế hoạch điều chỉnh giảm nhẹ sản lượng sản xuất để cân đối với khả năng tiêu thụ.

Nhà máy NPK công nghệ Urê hóa lỏng với công suất 300 nghìn tấn/năm đã đưa sản phẩm ra thị trường được 2 năm. Sản lượng tiêu thụ NPK của DCM đang tăng dần từng năm. Để bù đắp sụt giảm nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước, DCM có thể tăng cường xuất khẩu sản phẩm Urea đặc biệt là thị trường Campuchia với sản phẩm Urea hạt đục đã chiếm lĩnh được 30% thị phần.

Theo ước tính của MBS, sản lượng tiêu thụ Urea năm nay sẽ đạt khoảng 800 nghìn tấn, thấp hơn năm 2022 nhưng vẫn cao hơn dự kiến của DCM. Với sản phẩm NPK, công ty đưa ra kế hoạch tiêu thụ 160 nghìn tấn tăng gần gấp đôi so với năm 2022 nhưng với tình hình tiêu thụ sản phẩm các năm trước, kế hoạch trên hoàn toàn có thể thực hiện được.

Dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2023 có thể đạt lần lượt 11.431 tỷ đồng và 1.469 tỷ đồng, giảm 28% và 66% so với thực hiện 2022.

MBS xác định giá mục tiêu cuối năm 2023 của cổ phiếu DCM ở mức 24.104 đồng/cổ phiếu dựa trên phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền FCFE. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E dự phóng khoảng 9,3 lần (dự phóng EPS năm 2023 khoảng 2.600 đồng/cổ phiếu).

BID: KBSV khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 44.300 đồng/cổ phiếu

Quý IV/2022, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) duy trì kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt với thu nhập lãi thuần đạt 14.532 tỷ đồng (tăng 3.1% so với quý trước, tăng 33.9% so với cùng kỳ); tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 17.680 tỷ đồng (tăng 0,7% so với quý trước, tăng 15,9% so với cùng kỳ).

Lợi nhuận trước thuế quý IV/2022 đạt 5.381 tỷ đồng (giảm 19.4% so với quý trước, tăng 87.6% so với cùng kỳ). Lũy kế cả năm 2022, LNTT đạt 23,058 tỷ đồng, tăng 70.2% so với cùng kỳ với tăng trưởng tín dụng đạt 12.1%.

NIM 4Q2022 đạt 2.92% (giảm 1 điểm cơ bản so với quý trước, tăng 2 điểm cơ bản so với cùng kỳ) trong đó lãi suất đầu vào bình quân tăng 18 điểm cơ bản so với quý trước do mặt bằng lãi suất huy động tăng ở cả thị trường 1 và thị trường 2 trong quý IV/2022. Trong khi đó lãi suất bình quân đầu ra tăng tương ứng 17 điểm cơ bản so với quý trước nhờ đẩy mạnh cho vay nhóm bán lẻ và SME vốn có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối quý IV/2022 đạt 1,16% giảm19 điểm cơ bản so với quý trước nhờ đẩy mạnh xử lý nợ xấu bằng nguồn dự phòng, đạt 9.581 tỷ đồng tương đương 47,6% nợ xấu tính đến cuối quý III/2022.

Trong khi đó nợ nhóm 2 tăng 43 điểm cơ bản so với quý trước cho thấy các áp lực từ diễn biến vĩ mô tiêu cực bắt đầu có tác động đến chất lượng tài sản của BID. Áp lực nợ xấu sẽ gia tăng trong năm 2023 khi thị trường bất động sản đang có những dấu hiệu suy yếu về cả giá và thanh khoản gây ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các ngân hàng.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự phóng tăng trưởng tín dụng của BID trong năm 2023 đạt 11,4% với giả định tăng trưởng tín dụng toàn ngành khoảng 13,5 - 14%. KBSV ước tính NIM năm 2023 của BID giảm 7 điểm cơ bản so với cùng kỳ, đạt 2,85% do ảnh hưởng của lãi suất đầu vào cao trong nửa cuối năm 2022 và chất lượng tài sản giảm ảnh hưởng đến thu nhập lãi.

KBSV dự phóng thận trọng tỷ lệ nợ xấu đạt 1,5%, tăng 34 điểm cơ bản so với cùng kỳ. Chi phí trích lập dự phòng dự kiến đạt 27.418 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ để dự phòng cho phần nợ xấu tăng thêm, duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 184%. KBSV dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt 21.033 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.

Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu BID. Giá mục tiêu cho năm 2023 là 44.300 đồng/cổ phiếu.

Hải Đường

Theo VietnamFinance