Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (14/3): HSG, VSC và MBB
VNDirect nhận thấy MBB vẫn hết sức hấp dẫn với các động lực tăng trưởng dài hạn còn nguyên vẹn bao gồm lợi thế chi phí vốn thấp nhờ tỷ lệ CASA đầu ngành và hệ sinh thái dịch vụ tài chính đa dạng.
HSG: SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 14.900 đồng/cổ phiếu
Theo ước tính của ban lãnh đạo, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) ghi nhận lỗ ròng hơn 100 tỷ đồng trong tháng 1, nhưng quay trở lại lợi nhuận dương 50 tỷ đồng trong tháng 2 và dự kiến ghi nhận khoảng 100 tỷ đồng trong tháng 3. Do đó, công ty sẽ đạt được lợi nhuận dương trở lại trong quý II niên độ tài chính 2023.
Ban lãnh đạo cũng đánh giá khả quan về triển vọng lợi nhuận đến hết tháng 5 do giá HRC phục hồi khoảng 30% trong 3-4 tháng qua. Tồn kho HRC của công ty đủ để sản xuất trong 3 tháng tới, với chi phí trung bình khoảng 630 USD/tấn ở thời điểm hiện tại (trong đó lô hàng thấp nhất có giá 510 USD/tấn vào cuối năm 2022) so với giá thị trường hiện tại là khoảng 690 USD/tấn.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo vẫn thận trọng trước nhu cầu thị trường ở cả trong nước và xuất khẩu trong bối cảnh lãi suất cao trên toàn cầu, vì vậy, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng HSG sẽ cần nỗ lực để đạt được kế hoạch lợi nhuận do khoản lỗ lớn 680 tỷ đồng trong quý I niên độ tài chính 2023.
Ở mảng nhựa, với sản lượng tiêu thụ đạt 31 nghìn tấn, mảng nhựa ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt khoảng 2 nghìn tỷ đồng và 100 tỷ đồng trong năm trước, đứng thứ 3 tại thị trường nội địa sau. HSG đã thành lập Công ty Cổ phần Nhựa Hoa Sen để quản lý mảng này và có thể cân nhắc tiến hành IPO và niêm yết công ty con trong giai đoạn 2023 - 2026.
Về hệ thống bán lẻ Hoasen Home, HSG đã mở 112 cửa hàng Hoasen Home tính từ tháng 3/2021 và dự kiến mở rộng lên 120 cửa hàng trong năm 2023. Hệ thống này tạo ra doanh thu thương mại khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/năm và đã có lợi nhuận, với khoảng 100 cửa hàng đã đạt hoặc vượt qua điểm hòa vốn.
Thông thường, một cửa hàng sẽ hòa vốn sau khoảng 3-6 tháng hoạt động. Doanh thu hàng tháng/cửa hàng là 3 tỷ đồng đối với cửa hàng nhỏ, khoảng 5-7 tỷ đồng đối với cửa hàng trung bình và khoảng 7-10 tỷ đồng đối với cửa hàng lớn.
Kế hoạch kinh doanh năm 2023 đã được thông qua, với hai kịch bản. Theo kịch bản thận trọng, kế hoạch lợi nhuận ròng của HSG năm 2023 đặt ở mức 100 tỷ đồng (giảm 40% so với cùng kỳ), trong đó sản lượng tiêu thụ giả định giảm 16% so với cùng kỳ đạt 1,5 triệu tấn.
Theo kịch bản khả quan, kế hoạch lợi nhuận ròng tăng 20% so với cùng kỳ đạt 300 tỷ đồng nếu sản lượng tiêu thụ giảm 10% so với cùng kỳ đạt 1,6 triệu tấn. Trong cả hai trường hợp, giá bán trung bình được giả định ở mức hơn 22 triệu đồng/tấn, giảm khoảng 18,5% so với cùng kỳ.
Theo SSI, kết quả kinh doanh sơ bộ trong quý I sát với ước tính của công ty chứng khoán này. Hiện tại, SSI duy trì khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu HSG và giá mục tiêu 1 năm là 14.900 đồng/cổ phiếu. SSI dự báo doanh thu HSG đạt 33,9 nghìn tỷ đồng (giảm 32% so với cùng kỳ) và lợi nhuận ròng tăng 4,8% so với cùng kỳ đạt 263 tỷ đồng.
Sản lượng tiêu thụ dự kiến sẽ giảm 16,6% so với cùng kỳ đạt 1,5 triệu tấn do kênh xuất khẩu giảm 35% so với cùng kỳ. Giá bán bình quân của công ty được giả định sẽ giảm 18% so với mức giảm 23% của giá HRC trung bình (do mức nền cao trong 6 tháng đầu năm 2022).
VSC: MASVN khuyến nghị mua với giá mục tiêu 41.300 đồng/cổ phiếu
Công ty Cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam (HoSE: VSC) là một doanh nghiệp cảng biển lớn ở Việt Nam hoạt động chủ yếu ở phía Bắc khu vực sống Cấm, Hải Phòng. Hiện tại, doanh nghiệp đang sở 2 cảng biển là VIP Green và Green Port. Năm 2022, công suất khai thác của 2 cảng trên đạt gần 1,2 triệu TEU.
Doanh thu hợp nhất năm 2022 của VSC đạt 2.108 tỷ (tăng 6,1%) và lợi nhuận sau thuế đạt 393 tỷ đồng (giảm 5%). Biên lợi nhuận gộp tăng 1% so với cùng kỳ, đạt 32,8%. Chi phí tài chính tăng từ mức 2 tỷ lên hơn 5 tỷ, bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh gần 30%, đạt 105 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) đã nêu một số điểm mạnh và triển vọng của VSC. Một là VIMC Đình vũ đã được đưa vào khai thác vận tải container cuối năm 2022. Điều này sẽ đóng góp thêm một phần doanh thu vào VSC (sở hữu 36% cổ phần tại VIMC Đình vũ). Hai là trong năm 2022, VSC của đã mua lại thành công Công ty Cổ phần Cảng cạn Quảng Bình – Đình Vũ từ QBS với mức chuyển nhượng gần 500 tỷ đồng. Đây sẽ phần nào đóng góp vào doanh thu của VSC trong năm 2023.
Ngoài ra, vào cuối năm 2022 VSC đã đặt cọc 1.000 tỷ mua lại toàn bộ cổ phần của cảng Nam Hải Đình Vũ từ GMD. Đây là cảng được đưa vào khai thác từ năm 2014 với công suất thiết kế giai đoạn 1 đạt 500,000 TEU/năm. Như vậy, MASVN kỳ vọng nếu như thương vụ này được hoàn thành trong năm 2023 thì doanh thu của VSC sẽ tiếp tục được tăng mạnh.
Với triển vọng đầy lạc quan của VSC, MASVN dự phóng doanh thu của VSC ước đạt 2.348 tỷ (tăng 17%) và lợi nhuận sau thuế đạt 467 tỷ (tăng 18,7%). Biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ lên mức 33,2% cho cả năm 2023. Chi phí tài chính tăng mạnh ở mức hơn 40 tỷ đồng, nguyên nhân đến từ các khoảng vay dài hạn của doanh nghiệp trong năm 2022. Chi phí quản lý doanh nghiệp có phần được tiết giảm ở mức 100 tỷ (giảm 5%).
EPS dự phóng của VSC ước đạt 3.271 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức P/E là 9,2 lần, là mức thấp so với trung bình 5 năm của doanh nghiệp. Vì vậy MASVN đánh giá khả quan với VSC nhờ đóng góp doanh thu từ một số cảng mới thực hiện M&A trong năm 2022 và việc Trung Quốc mở cửa lại giúp lượng hàng đi qua khu vực Hải Phòng sẽ tăng trở lại.
Cổ phiếu VSC hiện đang kiểm định ngưỡng kháng cự ngắn hạn tại 30.200 đồng/ cổ phiếu. Tuy nhiên MASVN đánh giá ngưỡng 31.200 đồng/cổ phiếu mới thực sự sẽ tạo ra thử thách cho VSC. Theo MASVN, VSC đã tích lũy một thời gian dài và nếu như bật được khỏi nền giá này kỳ vọng cổ phiếu sẽ kiểm định những ngưỡng kháng cự cao hơn.
MBB: VNDirect khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 29.300 đồng/cổ phiếu
Ngân hàng TMCP Quân đội (HoSE: MBB) ghi nhận tăng trưởng tín dụng 25% so với cùng kỳ trong 2022, nhờ tăng trưởng cho vay mạnh mẽ 27% so với cùng kỳ. Tiền gửi khách hàng cũng tăng mạnh 15% so với cùng kỳ khi MBB đã thành công trong việc thu hút gần 7 triệu khách hàng mới trong 2022, nâng tổng số lượng khách hàng lên 20 triệu tính đến cuối năm.
Nhờ đó, MBB đã vượt qua Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) để đạt tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống là 40,6% vào cuối 2022 (giảm 1,8 điểm % so với quý trước và giảm 8,1 điểm % so với cùng kỳ). NIM năm 2022 được cải thiện ~70 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 5,8%, một trong những mức cao nhất trong hệ thống. Kết quả, MBB đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng lên đến 38% so với cùng kỳ trong 2022.
Tỷ lệ nợ xấu MBB chỉ tăng 5 điểm cơ bản so với quý trước và 20 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 1,1% cuối 2022. Trong 2022, ngân hàng đã sử dụng dự phòng để xử lý 4,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu (tăng 24% so với cùng kỳ), tương ứng với tỷ lệ 1,1% trên dư nợ cho vay (không đổi so với cùng kỳ).
Đối với MBB và các ngân hàng có tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp (9% tổng tín dụng đối với MBB) và cho vay ngành bất động sản/xây dựng cao (30-35% tổng tín dụng, bao gồm vay mua nhà), chất lượng tài sản tiếp tục là mối quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của MBB vẫn tốt ở mức 238% vào cuối 2022 so với 268% vào cuối 2021. Điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng dự phòng của MBB trong các kịch bản bất lợi.
Công ty Chứng khoán VNDirect dự phóng chi phí dự phòng của ngân hàng sẽ tăng 26% và 14% so với cùng kỳ trong 2023-2024, lên 9,9 nghìn tỷ đồng/11,3 nghìn tỷ đồng–tương đương với 2,0% dư nợ cho vay so với 1,9% trong 2022.
VNDirect kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ giảm tốc xuống 17% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2023-2024 từ mức 23-25% trong 3 năm qua, nhưng vẫn cao hơn định hướng của Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho toàn hệ thống trong 2023 ở mức 14-15%.
VNDirect dự phóng NIM sẽ giảm 15 điểm cơ bản xuống 5,6% trong 2023-2024 so với năm 2022 do chi phí vốn cao hơn. Về chi phí hoạt động, VNDirect kỳ vọng tỷ lệ chi phí/tổng thu nhập (CIR) sẽ cải thiện nhẹ về 32,3% và 32% trong 2023-2024 từ mức 32,5% trong 2022.
Nhìn chung, lợi nhuận ròng trong giai đoạn 2023-2024 dự kiến sẽ tăng 10% và 16% so với cùng kỳ, đạt 19,2 nghìn tỷ và 22,3 nghìn tỷ. ROE vẫn sẽ vẫn ở mức cao trong khoảng 21-23%.
VNDirect cho rằng phần lớn những yếu tố bất lợi và rủi ro xung quanh chất lượng tài sản của MBB đã được phản ánh vào giá cổ phiếu vì MBB hiện chỉ đang giao dịch ở mức 0,8 lần P/B 2023, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3 năm là 1,5 lần.
Với mức định giá này, VNDirect nhận thấy MBB vẫn hết sức hấp dẫn với các động lực tăng trưởng dài hạn còn nguyên vẹn bao gồm lợi thế chi phí vốn thấp nhờ tỷ lệ CASA đầu ngành và hệ sinh thái dịch vụ tài chính đa dạng. Do đó, VNDirect duy trì khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu thấp hơn một chút là 29.300 đồng/cổ phiếu. Rủi ro giảm giá bao gồm nợ xấu cao hơn và tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với dự kiến.