Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (6/4): DHC, POW và VPB
MBS cho rằng NIM của VPB sẽ cải thiện trong năm 2023 nhờ biên lợi nhuận tăng trong nửa cuối năm. Tác động kép từ lãi suất huy động gia tăng cùng với hoạt động cho vay tiêu dùng suy giảm trong năm 2021 và 2022 khiến NIM của VPB bị suy giảm đáng kể.
DHC: SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 43.100 đồng/cổ phiếu
Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre (HoSE: DHC) ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 giảm so với cùng kỳ, đây là mức giảm lần đầu tiên kể từ năm 2018. Doanh thu thuần đạt 3,9 nghìn tỷ đồng (giảm 5,3% so với cùng kỳ) do nhu cầu tiêu thụ giấy giảm, chủ yếu do nhu cầu từ khách hàng công ty xuất khẩu và công ty bao bì giảm
Trong năm 2023, Công ty Chứng khoán SSI ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 4,1 nghìn tỷ đồng (tăng 4,7% so với cùng kỳ) và 404 tỷ đồng (tăng 6,7% so với cùng kỳ). Mức tiêu thụ giấy lượn sóng (testliner và medium) trong nước (đầu vào sản xuất bao bì giấy) đạt 225,7 nghìn tấn (tăng 2% so với cùng kỳ), do số lượng đơn hàng của các công ty xuất khẩu (dệt may, da giày, thủy sản...) chưa hồi phục so với nửa đầu năm 2022.
Theo Hiệp hội giấy bao bì Việt Nam (VPPA), ngành giấy đang dư cung, một số nhà máy hoạt động khoảng 60-70% công suất thiết kế. Mức tiêu thụ bao bì giấy dự kiến tăng nhẹ 2-3% so với cùng kỳ. Giá bán trong nước dự kiến sẽ không tăng trong năm 2023.
Doanh thu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc dự kiến tăng 4% so với cùng kỳ, dựa trên 2 yếu tố sau. Một là việc giảm thuế nhập khẩu từ ngày 1/1/2023. Bộ Tài chính Trung Quốc mới đây đã ra quyết định giảm thuế nhập khẩu đối với 1.020 mặt hàng, trong đó có 67 loại giấy và sản phẩm giấy công nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Danh mục 67 loại giấy có lợi thế tạm thời về thuế suất nhập khẩu dao động trong khoảng 0-5%. Điều này có lợi cho mảng giấy của DHC, như giấy lượn sóng sản xuất từ giấy thu hồi OCC.
Hai là nhu cầu bao bì giấy của Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi từ 4-5% so với cùng kỳ sau khi mở cửa trở lại sau Covid. Giá xuất khẩu cho người mua Trung Quốc tăng 5% so với cùng kỳ, bù đắp mức ưu đãi về thuế nhập khẩu.
Tỷ suất lợi nhuận gộp của DHC dự báo tăng 0,6% so với cùng kỳ lên 16% trong năm 2023, nhờ tồn kho nguyên liệu giấy OCC giá rẻ trong quý IV/2022 và giá OCC dự kiến tăng trở lại trong năm 2023, do Trung Quốc mở cửa trở lại sau Covid (theo RISI - Tổ chức nghiên cứu thị trường và giá cho các sản phẩm gỗ, bao gồm cả bột giấy và giấy).
DHC đang giao dịch ở mức P/E 8 lần, thấp hơn P/E trung bình lịch sử là 8,9 lần trong giai đoạn 2019-2021. DHC là công ty quy mô trung bình với công suất chiếm 3% thị phần giấy lượn sóng. SSI cho rằng hiệu suất hoạt động của DHC cao hơn toàn ngành trong năm 2023 nhờ nhà máy Giao Long 1 và Giao Long 2 hoạt động hết công suất; tỷ trọng giấy testliner có giá trị cao được sử dụng tăng lên so với medium; và việc quản lý hàng tồn kho hiệu quả khi DHC tăng gấp đôi hàng tồn kho trong quý IV/2022 so với cùng kỳ. Trong ngắn hạn, doanh thu dự báo giảm tốc do lượng đơn đặt hàng xuất khẩu từ các khách hàng chính như dệt may, da giày, thủy sản… vẫn chưa phục hồi so với 6 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp trong quý I/2023 có thể được hưởng lợi từ hàng tồn kho giá rẻ trong quý IV/2022.
Dài hạn hơn, SSI cho rằng nhà máy Giao Long 3 sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026. Ngoài ra, việc nâng cấp lên kraftliner sẽ là động lực tăng trưởng chính cho DHC trong giai đoạn 2026-2030. SSI đưa ra khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu DHC với giá mục tiêu là 43.100 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 8.6%), tương đương với P/E mục tiêu là 9 lần.
POW: BSC khuyến nghị theo dõi với giá mục tiêu 14.500 đồng/cổ phiếu
Doanh thu thuần 2022 của Công ty Cổ phần Điện lực dầu khí (PV Power, HoSE: POW) tăng 15% đạt 28.235 tỷ đồng nhờ giá bán bình quân tăng 19% bù đắp sản lượng điện sản xuất giảm 3,4% đạt 14.197 triệu kWh.
Sản lượng điện năm 2022 của POW giảm do tổ máy S1 của nhà máy Vũng Áng gặp sự cố và nhà máy Cà Mau 1 và 2 được giao sản lượng Qc thấp. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 2.061 tỷ đồng (tăng 14,5%). Việc trích lập dự phòng khoản dự phòng phải thu khó đòi của EVN khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh (trong khi cùng kỳ 2021 POW thực hiện hoàn nhập).
Năm 2023, POW đặt kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là: 30.332 tỷ đồng (tăng 25%) và 1.118 tỷ đồng (giảm 52%) với giá bán bình quân đạt 1.946 đồng/kWh (giảm 2%) và sản lượng điện thương phẩm đạt 15.590 triệu kWh (tăng 10%).
Kế hoạch sản lượng của POW tăng 9,8% thấp hơn một chút so với ước tính của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) là tăng 13%. BSC cho rằng kế hoạch kinh doanh của POW năm 2023 tương đối thận trọng, và POW thường vượt kế hoạch kinh doanh đã đề ra.
BSC kỳ vọng tổng sản lượng điện khí của POW tăng trưởng 15% trong năm 2023. Tăng trưởng sản lượng nhiệt điện khí của POW sẽ đến từ nhà máy Cà Mau 1 và 2 (tăng 38%) và nhà máy Nhơn Trạch 1 (tăng 12%) bù đắp cho nhà máy Nhơn Trạch 2 giảm 5,5% sản lượng.
Bên cạnh hiệu ứng từ Elnino, BSC cho rằng sản lượng nhà máy Cà Mau 1 và 2 sẽ phục hồi từ mức nền thấp trong năm 2022. Nhà máy Cà Mau 1 và 2 bắt đầu tham gia thị trường điện cạnh tranh từ đầu năm 2022 vì vậy sản lượng hợp đồng được giao năm 2022 đạt mức thấp kỷ lục. Từ quý IV/2022 sản lượng hợp đồng nhà máy Cà Mau 1 và 2 đã phục hồi về gần so với năm 2021.
Theo BSC, nhiệt điện than là điểm sáng của POW trong năm 2023. Theo thông tin từ POW, tổ máy số 1 của nhà máy Vũng Áng 1 kỳ vọng sẽ vận hành ổn định từ cuối tháng 3/2023. BSC dự phóng sản lượng của Vũng Áng 1 đạt khoảng 4,310 triệu kWh (tăng 30%).
Bên cạnh đó, BSC cũng kỳ vọng nhà máy sẽ được nhận khoảng 300 tỷ tiền bồi thường bảo hiểm trong năm tới. Nhà máy Vũng Áng gặp sự cố từ cuối năm 2021 khiến sản lượng điện cả năm 2022 đạt mức thấp, giảm 40%. Quá trình sửa chữa hoàn tất cùng với giá nguyên liệu hạ nhiệt sẽ giúp nhà máy Vũng Áng phục hồi sản lượng trong 2023.
Năm 2023, BSC kỳ vọng giá than trung bình sẽ giảm so với trung bình cả năm 2022, giúp giảm chi phí biến đổi cho các nhà máy điện than
BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của POW trong năm 2032 lần lượt đạt 31.299 tỷ đồng (tăng 11%) và 2.779 tỷ đồng (tăng 13%) tương đương EPS dự phóng 2023 đạt 958 đồng/cổ phiếu, P/E dự phóng năm 2023 đạt 13,8 lần.
BSC khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu POW với giá trị hợp lý năm 2023 là 14.500 đống/cổ phiếu, dựa trên phương pháp định giá từng phần (SOTP) với mức chiết khấu -10% cho rủi ro thị trường. BSC áp dụng tỷ lệ EV/EBITDA mục tiêu đối với POW trong năm 2023 là 6,2 lần.
VPB: MBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 25.540 đồng/cổ phiếu
Luỹ kế cả năm 2022, TOI hợp nhất của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) đạt 57.797 tỷ đồng (tăng 16,3%), trong đó thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi tăng trưởng lần lượt tăng 19,4% và tăng 68,6%
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm 2022 đạt 21.219 tỷ đồng (tăng 47,5%). Tuy rằng lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ nhưng chỉ đạt 71,6% kế hoạch đề ra tại ĐHCĐ năm 2022.
VPB có độ dày vốn lớn nhất toàn ngành nhờ kế hoạch tăng vốn diễn ra thuận lợi. Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng với những nỗ lực đáng ghi nhận của VPB trong việc gia tăng độ dày vốn cấp 1, hệ số an toàn vốn (CAR) của VPB sẽ được nâng lên đáng kể, từ đó tạo lợi thế cho ngân hàng trong việc ưu tiên giành hạn mức tăng trưởng tín dụng (TTTD) cao từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Đặc biệt, trong bối cảnh dự trữ ngoại hối của NHNN đang ở mức thấp, việc bổ sung nguồn vốn ngoại tệ cho nền kinh tế cũng sẽ là một điểm cộng cho VPB. MBS dự phóng mức CAR của VPB sẽ đạt 15,6% vào cuối năm 2023, cao nhất toàn ngành.
MBS cho rằng NIM của VPB sẽ cải thiện trong năm 2023 nhờ biên lợi nhuận tăng trong nửa cuối năm. Tác động kép từ lãi suất huy động gia tăng cùng với hoạt động cho vay tiêu dùng suy giảm trong năm 2021 và 2022 khiến NIM của VPB bị suy giảm đáng kể.
Tuy nhiên, đây vẫn là mức NIM cao nhất thị trường tính đến cuối năm 2022. NIM của ngân hàng mẹ có sự tăng trưởng mạnh nhờ các mảng cho vay chủ lực. Cụ thể, NIM 2022 của ngân hàng mẹ đạt 5,5%, tăng 20 bps so với năm 2021 và là mức NIM cao thứ 2 toàn ngành, sau MB.
Hiệu quả hoạt động của VPB tiếp tục nằm trong nhóm cao nhất ngành ngân hàng. Điểm nhấn lớn nhất trong bức tranh kết quả kinh doanh của VPB trong năm 3 năm gần đây đến từ sự cải thiện rất đáng kể của tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR).
CIR hợp nhất của VPB giảm từ mức 34,2% trong năm 2019 xuống còn 24,4% trong 2022, mức giảm lớn nhất trong các ngân hàng thương mại. Điều này đạt được nhờ các hoạt động chuyển đổi số được đầu tư mạnh mẽ giúp chi phí hoạt động giảm trong khi vẫn duy trì đà tăng trưởng của TOI.
MBS dự phóng TOI của của VPB trong năm 2023 sẽ đạt 64.760 tỷ đồng (tăng 12%), lợi nhuận trước thuế đạt 23.362 tỷ đồng (tăng 10,1%) với các giả định TTTD đạt 25,4% cả năm 2023; tỷ lệ CIR đạt 24%. Chi phí dự phóng rủi ro tín dụng đạt 25.855 tỷ đồng (tăng 15,1%) với giả định VPB sẽ duy trì tỷ lệ trích lập dự phòng/dư nợ cho vay tương đương với năm 2022.
NIM của VPB trong năm 2023 sẽ đạt 7,5%, đi ngang so với 2022 với kỳ vọng NIM sẽ gia tăng mạnh trong nửa cuối năm 2022 khi lãi suất huy động hạ nhiệt và tốc độ gia tăng lãi suất cho vay bắt kịp đà tăng của lãi suất huy động. ROE và ROA được dự báo lần lượt đạt mức 15,6% và 2,6% trong năm 2023, sau khi chia cổ tức tiền mặt 10%.
Tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 được dự phóng lần lượt đạt 5,1% và 5,4% cùng với mức LLR được duy trì ở mức 77,9%. MBS cũng kỳ vọng CAR của VPB sẽ đạt mức 15.6% tại cuối năm 2023
MBS khuyến nghị mua cổ phiếu VPB với mức giá mục tiêu 25.540 đồng/cổ phiếu dựa theo 2 phương pháp: thu nhập thặng dư và so sánh P/B.