Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (7/12): VNM, FPT và TCD
Theo quan điểm của KBSV, với diễn biến lạm phát thế giới vẫn đang ở mức cao và các quốc gia vẫn đang áp dụng các chính sách thắt chặt tiền tệ, nhu cầu chuyển đổi số phần nào sẽ suy giảm trong năm 2023 và sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh thu của FPT. Tuy nhiên trong dài hạn, triển vọng tăng trưởng của FPT vẫn ở mức cao khi thế giới thiếu nguồn lực chuyển đổi số do dân số già.
VNM: MBS khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 91.700 đồng/cổ phiếu
Theo báo cáo tài chính quý III/2022, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (HoSE: VNM) đạt 16.079,5 tỷ đồng giảm nhẹ so với mức 16.194 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Theo đó, doanh thu thuần quý III/2021 cũng là mức doanh thu cao nhất mà VNM đạt được trong một quý một phần nhờ lợi thế điểm bán và hệ thống giao hàng phủ rộng khi thị trường bị lock down do Covid-19.
Lợi nhuận trước thuế đạt 2.859,9 tỷ đồng giảm 20,3% so với cùng kỳ 2021. Thị phần của VNM giảm trong nửa đầu năm nhưng đã tăng nhẹ trở lại trong quý III/2022. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu đạt 44.887,6 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 8.200,3 tỷ đồng giảm lần lượt 0,5% và 19,95 so với cùng kỳ, thực hiện 68,3% kế hoach lợi nhuận cả năm.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo biên lợi nhuận gộp sẽ tăng trở lại từ quý IV/2022. Theo đó, chỉ số giá sữa DPI (Dairy Price Index) đã tăng 8 quý liên tiếp kể từ quý III/2020 đến quý II/2022. Tương ứng, biên lợi nhuận gộp của VNM cũng giảm 8 quý liên tiếp từ quý IV/2020 đến nay (giá nguyên liệu tác động chậm hơn 1 quý). Giá sữa nguyên liệu đã giảm trở lại từ quý III/2022 nên dự kiến lợi nhuận của VNM sẽ tăng trở lại từ quý IV/2022.
Giá sữa nguyên liệu trung bình quý III/2022 đã giảm khoảng 12% so với vùng đỉnh quý II/2022. Các tháng tiếp theo sữa vẫn duy trì xu hướng giảm, trong đó Skim Milk Powder giảm thêm 12%, Whole Milk Powder giảm thêm hơn 5%.
Theo dự báo của ANZ, tương quan cung cầu đang ở mức cân bằng trong giai đoạn này. Khó khăn kinh tế toàn cầu đang làm giảm nhu cầu tiêu thụ sữa . Bù lại mức suy giảm bên cầu, sản lượng sữa hiện đang ở mức thấp nên giá sữa vẫn đang giữ ở mức cân bằng thời điểm hiện tại và tiếp tục duy trì trong vài tháng tới.
Ngoài ra, các chi phí vận tải đang giảm mạnh cũng giúp tiết giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu. Theo MBS, khó khăn vĩ mô có thể làm nhu cầu tiêu thụ sữa tăng chậm lại trong khi VNM không có kế hoạch tăng giá bán sản phẩm sau khi đã tăng giá 5% từ đầu năm.
MBS dự phóng doanh thu quý IV/2022 đạt 16.195 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.986 tỷ đồng, đưa doanh thu cả năm lên mức giá 61.082,7 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 11.186 tỷ đồng, tăng 0,27% về doanh thu và giảm 13,44% về lợi nhuận so với 2021.
Năm 2022, trước khó khăn từ thị trường, VNM đã đưa ra kế hoạch khá thận trọng với doanh thu 64.070 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 12.000 tỷ đồng tăng 5% về doanh thu và giảm 7,1%. Tuy nhiên, tổng doanh thu cả năm 2022 dự báo chỉ đạt 61.083 tỷ đồng, tăng 0,3% so với 2021. Lợi nhuận trước thuế dự báo đạt 11.138 tỷ đồng, giảm 13,8% so với năm 2021 và thực hiện được 92,8% so với kế hoạch đề ra, theo MBS.
Lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ đạt 9.263 tỷ đồng, thu nhập mỗi cổ phần đạt 3.528 đồng/cổ phần. Năm 2023, giá sữa nguyên liệu dự báo sẽ ở vùng đầu 2021 giúp biên lợi nhuận của VNM tăng trở lại mức 45,4% giúp lợi nhuận tăng trở lại trên 11 nghìn tỷ đồng.
MBS xác định giá mục tiêu 12 tháng của cổ phiếu VNM vào khoảng 91.700 đồng/cổ phiếu dựa trên phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền FCFE. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward khoảng 20,08 lần (theo EPS 2023F khoảng 4.568 đồng/cổ phiếu).
FPT: KBSV khuyến nghị mua với giá mục tiêu 101.900 đồng/cổ phiếu
Quý III/2022, Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) tiếp tục có mức tăng trưởng ấn tượng với doanh thu đạt 11.149 tỷ đồng, tăng 27,8% so với cùng kỳ. Trong đó khối công nghệ tăng 24,9% so với cùng kỳ, khối viễn thông tăng 20,1% so với cùng kỳ và khối giáo dục & đầu tư tăng 119% so với cùng kỳ; khiến lợi nhuận sau thuế 3Q2022 đạt 1,756 tỷ đồng, tăng 27.7% so với cùng kỳ.
Doanh thu ký mới 9 tháng năm 2022 của khối dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài đạt 16.799 tỷ đồng, tăng 42.6% so với cùng kỳ, tăng mạnh so với mức tăng trưởng của năm 2021 là 18.7%. Tính đến hết tháng 9/2022, số lượng khách hàng lớn mới tiếp tục gia tăng với nhóm doanh thu trên 500 nghìn USD tăng 18.5% so với cùng kỳ và nhóm doanh thu trên 1 triệu USD tăng 21.1% so với cùng kỳ.
Số lượng dự án mega (lớn hơn 1 triệu USD) và dự án lớn (lớn hơn 5 triệu USD) lần lượt tăng 18,9% so với cùng kỳ và 45,2% so với cùng kỳ. Ngày 13/10/2022, FPT tại Nhật ký kết thỏa thuận đầu tư, trở thành cổ đông chiến lược của LTS, Inc., là công ty nằm trong top 20 công ty tư vấn, quản trị kinh doanh và chuyển đổi số tại Nhật với 20 năm kinh nghiệm. LTS được FPT kì vọng sẽ mang lại các hợp đồng trị giá hàng chục triệu đô tại thị trường Nhật Bản cũng như quốc tế.
Hoạt động kinh doanh mảng chuyển đổi số có dấu hiệu chậm lại với doanh thu chuyển đổi số trong quý III đạt 1.810 tỷ đồng, giảm 1,1% so với cùng kỳ trong khi nửa đầu năm 2022 tăng 64,6% so với cùng kỳ. Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) chỉ ra 2 nguyên nhân chính bao gồm blockchain và thị trường các app, đặc biệt liên quan đến mảng game bị suy giảm; mức nền quý III/2021 cao.
FPT kì vọng doanh thu chuyển đổi số cả năm sẽ tăng trưởng khoảng 35 - 40% so với cùng kỳ tương đương mức tăng trưởng quý IV/2022 khoảng trên 37% so với cùng kỳ.
Theo quan điểm của KBSV, với diễn biến lạm phát thế giới vẫn đang ở mức cao và các quốc gia vẫn đang áp dụng các chính sách thắt chặt tiền tệ, nhu cầu chuyển đổi số phần nào sẽ suy giảm trong năm 2023 và sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh thu của FPT. Tuy nhiên trong dài hạn, triển vọng tăng trưởng của FPT vẫn ở mức cao khi thế giới thiếu nguồn lực chuyển đổi số do dân số già.
KBSV ước tính doanh thu năm 2022 của FPT đạt 43.252 tỷ đồng tăng 21,3% so với cùng kỳ. Doanh thu khối công nghệ tăng trưởng 23,4% so với cùng kỳ, đạt 25.595 tỷ đồng với doanh thu khối công nghệ thông tin trong nước tăng trưởng không cao như kì vọng. Doanh thu khối viễn thông ước tính đạt 14.863 tỷ đồng, tăng 17,2 % so với cùng kỳ, trong đó dịch vụ viễn thông tăng 16% so với cùng kỳ với động lực từ mảng PayTV trong khi mảng nội dung số tăng 40% so với cùng kỳ nhờ mức nền thấp năm 2021.
Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ dự kiến đạt 5.524 tỷ đồng, tăng 27,4% so với cùng kỳ, EPS dự kiến đạt 5.035 đồng/cổ phiếu. Đối với năm 2023, KBSV ước tính doanh thu đạt 51.531 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ với động lực từ mảng xuất khẩu phần mềm và dịch vụ viễn thông. lợi nhuận sau thuế 2023 dự phóng đạt 6.555 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ.
Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FPT. Giá mục tiêu là 101.900 đồng/cổ phiếu.
SBT: MASVN khuyến nghị mua với giá mục tiêu 18.000 đồng/cổ phiếu
Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (HoSE: SBT) là doanh nghiệp dẫn đầu ngành đường Việt Nam, chiếm hơn 46% thị phần trong nước. SBT sở hữu vùng nguyên liệu rộng 68.000ha, trải dài 3 nước Đông Dương với 10 nhà máy đường, cùng tổng công suất ép mía hơn 41.000 tấn mía/ngày, 4.690 tấn đường/ngày.
Quý I niên độ 2022-2023, doanh thu thuần và lãi ròng của SBT lần lượt đạt 5.309 tỷ đồng và 262 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 23% và 34% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 11,5% lên 12,5% so với cùng kỳ nhờ giá bán đường tăng. Chi phí tài chính tăng 12% so với cùng kỳ, do chi phí lãi vay tăng 18% so với cùng kỳ do mặt bằng lãi suất tăng. Doanh thu tài chính giảm 25% so với cùng kỳ, do lợi nhuận từ đầu tư hợp đồng tương lai giảm.
Theo Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2022-2023 dự kiến tăng 0,9% lên 183 triệu tấn do thời tiết thuận lợi ở cả Brazil và Thái Lan, và năng suất mía tăng cao. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), giá đường thế giới từ tháng 1 đến tháng 10 trung bình đạt 18.5 cents/lb tăng 6.2%so với cùng kỳ, dự báo đến năm 2029 giá đường trung bình đạt 21.3 cents/lb. Theo Hiệp hội Mía Đường Việt Nam (VSSA), niên độ 2021-2022, toàn ngành ép được 7,5 triệu tấn mía, sản lượng sản xuất đường đạt 742 nghìn tấn lần lượt tăng hơn 11,6% và tăng 7,5% so với niên độ 2020 – 2021.
Lượng đường này chỉ đáp ứng 35% nhu cầu thị trường trong nước. Điều này cho thấy sự thiếu hụt lớn về cung nội địa, khi nhu cầu tiêu thụ đường (2 triệu tấn/năm) của Việt Nam vẫn rất cao.
mức thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65% đối với các sản phẩm đường nhập khẩu từ Thái Lan và các nước có nguyên liệu đường xuất xứ từ Thái Lan chính thức được áp dụng từ tháng 8/2022. MASVN dự báo giá đường trong nước sẽ ở mức cao 18.000 - 22.000 đồng (chưa bao gồm VAT) trung bình tăng 11% so với cùng kỳ vào cuối năm 2022 và tiếp tục duy trì ở mức cao trong dài hạn đến ngày 15/6/2026 (kỳ hạn chính sách thuế với đường Thái Lan).
Giai đoạn 2021-2025, SBT tập trung mở rộng vùng nguyên liệu tại Úc đến 20.000ha. Tháng 8/2022, SBT đưa vào vận hành 1.244ha, năng suất thu hoạch dự kiến trung bình 900 tấn mía/ngày. SBT đẩy nhanh tiến độ với mục tiêu 5.000ha trong niên độ 2022-2023.
Niên độ 2022-2023 (1/7/2022-30/6/2023), MASVN dự phóng doanh thu và lãi ròng của SBT đạt 20.229 và 1.077 tỷ đồng, tăng 10% và 29% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 12,5% lên 13% nhờ giá đường tăng. Doanh thu mảng sản xuất đường tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 18.902 tỷ đồng.
USDA dự báo Trung Quốc sẽ nhập khẩu 4,4 triệu tấn đường niên độ 2022-2023. MASVN cho rằng đây là triển vọng từ Trung Quốc - thị trường nhập khẩu lớn của SBT.
MASVN dự phóng EPS niên độ 2022 - 2023 của SBT ước đạt 1.494 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/E dự phóng ở mức 9,2 lần. Công ty chứng khoán này đánh giá tích cực dành cho SBT với vị thế dẫn đầu ngành mía đường; nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế và triển vọng tăng trưởng nhờ áp thuế phòng vệ với đường Thái Lan.
MASVN cho rằng SBT đang có nhịp hồi phục tốt với lực cầu ngày càng cải thiện. Mục tiêu ngắn hạn của SBT sẽ là mốc kháng cự quanh 15.500 đồng/cổ phiếu. Trường hợp vượt qua được ngưỡng trên, tiến về kháng cự cao hơn ở 18.000 đồng/cổ phiếu.