Cổ phiếu 'lau sàn' vì bị bán giải chấp, Đua Fat quay cuồng trong nợ nần

Không chỉ lao đao trên sàn chứng khoán, Đua FAT hiện đang mắc kẹt với những khoản vay đến hạn do liên tục thua lỗ.

Chỉ trong vòng 2 tháng trở lại đây, ông Lê Minh Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đua Fat (UPCoM: DFF) và người thân đã bị bán giải chấp lượng lớn cổ phiếu DFF.

Do thanh khoản chỉ ở mức vài nghìn đơn vị mỗi phiên, việc gia đình ông Lê Minh Hưng bị bán giải chấp tiếp tục khiến cho cổ phiếu này giảm sàn liên tục. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, sau 28 phiên giao dịch với 22 phiên nằm sàn (trong đó có 18 phiên nằm sàn liên tiếp), giá trị của DFF đã giảm 46%, xuống còn 4.200 đồng/cp.

Cổ phiếu DFF vừa có chuỗi 18 phiên liên tiếp nằm sàn  
Cổ phiếu DFF vừa có chuỗi 18 phiên liên tiếp nằm sàn  

Nhìn rộng hơn, cổ phiếu xây dựng này đã giảm 63% trong vòng 3 tháng và mất hơn 87% giá trị từ mức đỉnh lịch sử ghi nhận tháng 11/2022.

Cần biết, số cổ phiếu mà Chủ tịch Lê Minh Hưng cùng người thân bị bán giải chấp chính là tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu DFFH2123001 do Đua Fat phát hành. Theo quan sát, tình hình nợ nần của doanh nghiệp này đang không mấy khả quan.

Kinh doanh thua lỗ, Đua Fat mắc kẹt với nợ vay trái phiếu

Theo tìm hiểu, ông Lê Duy Hưng lập công ty Đua Fat vào năm 2009, hoạt động chính trong lĩnh vực san lấp mặt bằng, xử lý nền móng công trình, phá dỡ các kết cấu công trình và cấu kiện xây dựng… Doanh nghiệp này bắt đầu giao dịch cổ phiếu trên UPCoM vào giữa năm 2021.

Tháng 3/2022, Đua Fat đã tăng vốn gấp đôi từ 400 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, trong 5 quý trở lại đây, Đua Fat liên tục báo lỗ hàng chục tỷ đồng. Tính riêng trong năm 2023, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu giảm mạnh so với năm trước, dẫn tới lỗ đậm gần 200 tỷ đồng. Kết thúc nửa đầu năm 2024, Đua Fat tiếp tục lỗ thêm 60 tỷ đồng.

Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ghi nhận con số âm 114 tỷ đồng.  
Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ghi nhận con số âm 114 tỷ đồng.  

Điều này khiến cho “dòng dinh dưỡng” của Đua Fat có dấu hiệu "ách tắc". Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ quý II/2024, lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ghi nhận con số âm 57 tỷ đồng.

Ngược lại, lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính ghi nhận con số dương 72 tỷ đồng. Tuy nhiên khoản này đến từ việc đi vay.

Nửa đầu năm, Đua Fat thu hơn 190 tỷ đồng từ việc đi vay  
Nửa đầu năm, Đua Fat thu hơn 190 tỷ đồng từ việc đi vay  

Theo quan sát, Đua Fat hiện vẫn mắc kẹt với những khoản nợ vay trái phiếu của mình. Được biết, doanh nghiệp đã phát hành lô trái phiếu DFFH2123001 quy mô 150 tỷ đồng vào ngày 1/9/2021 và đáo hạn vào ngày 1/3/2023 với lãi suất 11,75%/năm song hết hạn ngày 1/3/2023 vẫn chưa thể thanh toán 89,52 tỷ đồng còn lại cho trái chủ.

Theo Nghị quyết được người sở hữu trái phiếu thông qua vào ngày 2/3/2023 do Đua Fat công bố, Tập đoàn cùng với trái chủ đã thông qua lộ trình thanh toán trái phiếu kéo dài đến ngày 14/7/2023, chậm 4 tháng so với kế hoạch. Lãi suất tính trong thời gian quá hạn ở mức 17,625%/năm, tăng vọt so với mức lãi suất ban đầu.

Theo báo cáo tài chính quý II/2024, số dư của lô trái phiếu DFFH2123001 còn khoảng 81,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Đua Fat cũng còn khoản trái phiếu ký hiệu DFFH2124002 trị giá 299,8 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào cuối năm nay.

Danh sách các khoản nợ trái phiếu của Đua Fat
Danh sách các khoản nợ trái phiếu của Đua Fat
Khả năng thanh toán các khoản nợ liệu có được đảm bảo?

Ghi nhận tại ngày 30/6/2024, tổng nợ phải trả của Đua Fat ở mức 3.248 tỷ đồng, chiếm 82,7% tổng tài sản, gấp 5 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm hơn 50%, tương ứng hơn 1.794 tỷ đồng.

Theo thuyết minh, Đua Fat đang ghi nhận khoản vay ngắn hạn gần 551 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (HoSE: SHB) - Chi nhánh Thăng Long, khoản vay ngắn hạn 192,7 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh Tây Hồ, khoản vay 152,9 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank, HoSE: TPB) - Chi nhánh Sơn Tây…

Ngoài ra, còn các khoản vay dài hạn đến hạn trả cũng như nợ thuê tài chính đến hạn trả tại các Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (nay là Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV, HoSE: BID), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, Hose: VCB),... trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Các khoản vay đều có tài sản bảo đảm như bất động sản, quyền đòi nợ hình thành trong tương lai từ hợp đồng thi công, máy móc thiết bị... Tuy nhiên, với việc dòng tiền hoạt động kinh doanh ghi nhận con số âm cũng như doanh nghiệp liên tục báo lỗ, khả năng thanh toán các khoản nợ trên của doanh nghiệp vẫn đang là dấu hỏi.

Trong trường hợp Đua Fat khó đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, các khoản vay trên sẽ được chuyển thành nợ xấu và đây sẽ là tín hiệu không vui cho các ngân hàng trên.

Hoàng Anh

Theo VIetnamFinance