Cổ phiếu tăng mạnh: Cầm 'vàng' chẳng sợ tiền rơi?

Với chất xúc tác là thông tin về 40 mỏ vàng mới được phát hiện, nhóm khoáng sản gây chú ý khi có tới 6 đại diện góp mặt trong danh sách cổ phiếu tăng mạnh tuần này, bất chấp tác động từ cơn bão thuế quan.

Chính sách thuế quan mới do Tổng thống Donald Trump công bố vào rạng sáng ngày 3/4 (theo giờ Việt Nam) đã khiến thị trường tài chính toàn cầu “chao đảo”. Trước thông tin Mỹ áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam, VN-Index phản ứng dữ dội, giảm gần 88 điểm trong phiên giao dịch ngày 3/4, với hàng trăm mã cổ phiếu bị bán tháo và nằm sàn.

Mặc dù lực cầu bắt đáy đã xuất hiện trong phiên giao dịch 4/4, kéo VN-Index thoát khỏi vùng đáy một năm nhưng sau cùng, chỉ số vẫn đánh mất hơn 100 điểm và kết thúc tuần ở mức 1.210,67. Thành quả tích luỹ cả năm theo đó đã bị “cơn bão” thuế quan “thổi bay”.

Giữa “tâm bão”, cổ phiếu khoáng sản nổi lên như một nhóm có sức “chống chịu” tốt nhất. Thông tin về việc phát hiện 110 mỏ khoáng sản quý ở khu vực Tây Bắc được cho là đã “kích hoạt” đà tăng giá, đồng thời trở thành “điểm tựa” tâm lý, giúp nhóm này vững vàng giữa cơn chao đảo của thị trường. Theo đó, nhiều mã khoáng sản đã ghi tên vào danh sách cổ phiếu tăng mạnh tuần này.

Thông tin về 110 mỏ khoáng sản quý, trong đó có 40 mỏ vàng được xem là bệ đỡ giúp nhóm cổ phiếu khoáng sản vững vàng giữa "cơn bão" thuế quan  
Thông tin về 110 mỏ khoáng sản quý, trong đó có 40 mỏ vàng được xem là bệ đỡ giúp nhóm cổ phiếu khoáng sản vững vàng giữa "cơn bão" thuế quan  
HoSE: YBM và FCM “lên ngôi”, nhóm cao su bị “nhấn chìm”

Trên sàn HoSE, hai cổ phiếu khoáng sản là YBM của Công ty CP Khoáng sản Công nghiệp Yên Bái và FCM của Công ty CP Khoáng sản FECON “chễm chệ” trên đầu bảng xếp hạng tăng trưởng.

“Quán quân” YBM bỏ xa phần còn lại với 4 phiên tím trần liên tiếp mà không hề bị gián đoạn bởi thông tin thuế quan. Thậm chí, trong phiên giao dịch 3/4, giữa lúc hàng trăm cổ phiếu bị bán tháo, mã này “cháy hàng” với khối lượng khớp lệnh lên tới 179.100 đơn vị, mức cao thứ hai trong vòng một năm trở lại đây.

Tăng hơn 35% sau một tuần, YBM hiện đang trên đường trở về vùng đỉnh lịch sử thiết lập hồi cuối tháng 2.

Ngược lại, cổ phiếu FCM vẫn chịu tác động đáng kể từ “bão thuế” khi “nằm sàn” trong phiên giao dịch 3/4. Tuy nhiên, sắc tím đã trở lại ngay sau đó, giúp FCM có được mức tăng ấn tượng 15,24%, cao thứ hai toàn sàn.

Diễn biến tích cực của bộ đôi khoáng sản được ghi nhận trong bối cảnh Cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) công bố phát hiện 110 mỏ khoáng sản quý. Đáng chú ý, Yên Bái - “quê hương” của YBM - sở hữu tới 2 trong số 40 mỏ vàng được tìm thấy. Một tác nhân khác giúp YBM bật tăng là lực cầu bắt đáy khi mã này đã giảm hơn 12% trong tuần trước đó.

Hai cổ phiếu khoáng sản YBM - FCM tăng mạnh nhất sàn HNX  
Hai cổ phiếu khoáng sản YBM - FCM tăng mạnh nhất sàn HNX  

Các vị trí còn lại trong danh sách 10 cổ phiếu tăng mạnh lần lượt gọi tên DTT (+13,33%), CRC (+9,16%), MHC (+8,81%), VCF (+5,53%), CDC (+4,68%), SMC (+4,62%), HAS (+4,42%), TCR (+4,23%).

Hầu hết các mã này ghi nhận mức tăng dưới 10%. Theo quan sát, nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm mạnh trong 2 phiên cuối tuần, trong bối cảnh thị trường chung diễn biến tiêu cực.

Đáng chú ý, cổ phiếu VCF của Công ty CP Vinacafé Biên Hòa đã góp mặt trong danh sách tăng mạnh tuần thứ hai liên tiếp. Thông tin về mức chi trả cổ tức cao “chót vót” công bố từ tuần trước vẫn tiếp tục tác động tích cực lên giá cổ phiếu, cho đến khi “bão” thuế quan ập đến.

Ở chiều ngược lại, danh sách 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất là DPR (-23,14%), GVR (-20,55%), UIC (-20,38%), PHR (-19,85%), AGM (-19,29%), TRC (-18,71%), SIP (-18,56%), SGR (-18,44%), CSV (-17,923%), DGC (-17,88).

Trong đó, nhóm cao su có tới 4 đại diện: DPR, GVR, PHR, TRC. Thực tế, nhóm này đã chịu áp lực chốt lời mạnh ngay từ cuối tháng 3, sau giai đoạn tăng nóng trước đó. Mặt khác, thông tin về chính sách thuế quan mới từ Tổng thống Mỹ cũng gây ảnh hưởng tiêu cực lên cổ phiếu cao su. Các doanh nghiệp trong ngành này được cho là sẽ đối mặt với nguy cơ mất thị phần tại thị trường này, khi các đối thủ cạnh tranh từ Thái Lan và Hàn Quốc hưởng mức thuế đối ứng thấp hơn, lần lượt là 36% và 24%.

Tương tự, cổ phiếu CSV và DGC của hai “đại gia” hoá chất là Công ty CP Hoá chất Cơ bản Miền Nam và Công ty CP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang cũng “chịu trận” khi ngành này bị cho là sẽ gặp nhiều thách thức bởi chính sách thuế quan mới.

HNX: BKC và KSV tìm về đỉnh cũ, VFS gây bất ngờ

Tương tự những gì xảy ra trên sàn HoSE, với chất xúc tác là thông tin về 40 mỏ vàng, không có gì bất ngờ khi hai cái tên “thống trị” sàn HNX đều thuộc nhóm khoáng sản.

Tuần qua, cổ phiếu BKC của Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn tăng 39,45%, trong khi cổ phiếu KSV của Tổng Công ty Khoáng sản TKV – Công ty CP (Vimico) tăng 37,29%.

Bộ đôi khoáng sản BKC - KSV tạo ra cách biệt lớn với phần còn lại trên sàn HNX  
Bộ đôi khoáng sản BKC - KSV tạo ra cách biệt lớn với phần còn lại trên sàn HNX  

Đà tăng của hai cổ phiếu này phản ánh kỳ vọng lớn của giới đầu tư rằng việc mở rộng quy mô khai thác và chế biến vàng, cùng với các khoáng sản quý hiếm khác, sẽ là động lực giúp các doanh nghiệp trong ngành bứt phá về doanh thu và lợi nhuận, từ đó tiếp tục hỗ trợ xu hướng đi lên của giá cổ phiếu.

Bắc Kạn - nơi Khoáng sản Bắc Kạn “đóng đô” là một trong hai địa phương sở hữu nhiều mỏ vàng nhất trong đợt công bố vừa qua, với tổng cộng 8 mỏ. Trong khi đó, Vimco là “tay đào vàng” số một cả nước.

Trước đó, nhóm cổ phiếu khai khoáng từng có một giai đoạn tăng tốc ngoạn mục từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2/2025, sau khi Trung Quốc tuyên bố hạn chế xuất khẩu một số khoáng sản chiến lược sang Mỹ – một động thái được xem là đòn trả đũa trong cuộc chiến bán dẫn. Tuy nhiên, sau cơn sốt, thị trường đã chứng kiến nhịp điều chỉnh khá mạnh ở nhóm này.

Giờ đây, với sự hỗ trợ của thông tin tích cực cùng lực cầu bắt đáy, bộ đôi BKC – KSV đang từng bước lấy lại phong độ và tiến gần về vùng đỉnh cũ.

Trở lại với bảng xếp hạng 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất trên sàn HNX tuần qua, dễ dàng nhận thấy cách biệt lớn giữa bộ đôi khoáng sản dẫn đầu với phần còn lại. Các mã theo sau bao gồm KDM (+20,25%), CX8 (+15,12%), TPH (+10,66%), NAP (+9,47%), SRA (+8,57%), SDU (+7,89%), FID (+7,69%) và VFS (+7,27%).

Trong số này, cổ phiếu VFS của Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt gây chú ý khi mã duy nhất thuộc nhóm tài chính giữ được đà tăng trong tuần qua. Kết tuần, VFS đóng cửa tại 17.700 đồng/cp, đưa vốn hóa của Chứng khoán Nhất Việt vượt ngưỡng 2.100 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, danh sách 10 cổ phiếu giảm mạnh lần lượt là VMS (-26,16%), DTD (-25,00%), AME (-23,44%), PV2 (-21,21%), TIG (-21,05%), IDV (-20,57%), ATS (-20,57%), GKM (-19,57%), PVC (-18,75%), CTP (-18,69%).

Đáng nói, có tới 4 mã cổ phiếu trong nhóm HNX30 lọt vào danh sách này, đó là DTD, PVC, TIG, IDV. Việc các mã vốn hóa lớn này lao dốc đã trực tiếp tạo áp lực lên HNX-Index trong tuần qua, kéo chỉ số chung giảm điểm.

UPCoM: AGX lọt top đắt đỏ, MGC và KCB “nổi sóng”

Trên sàn UPCoM, 10 cổ phiếu bứt phá mạnh nhất là AGX (+93,17%), MGC (+74,17%), FRM (+58,54%), DND (+51,06%), BBM (+41,38%), PAI (+39,83%), DLT (+38,71%), MGR (+36,11%), KCB (+31,50%), UDC (+31,71%).

Trong đó, “quán quân” AGX nổi bật khi gần như tăng gấp đôi giá trị chỉ sau một tuần. Kết phiên giao dịch 4/4, cổ phiếu này đóng cửa ở mức 166.900 đồng/cp, qua đó lọt vào top 10 cổ phiếu đắt đỏ nhất sàn UPCoM. Tại mức giá này, vốn hoá của Công ty CP Thực phẩm Nông sản Xuất khẩu Sài Gòn (Agrex) đạt hơn 1.802 tỷ đồng.

Dù vậy, “spotlight” dường như vẫn thuộc về cổ phiếu khoáng sản khi nhóm này có tới 2 đại diện góp mặt trong danh sách cổ phiếu tăng mạnh. Đó là cổ phiếu MGC của Công ty CP Địa chất Mỏ - TKV và cổ phiếu KCB của Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng. Thanh khoản của hai mã này cũng cải thiện đáng kể, dù không quá lớn.

Thêm hai đại diện của nhóm khoáng sản góp mặt trong danh sách cổ phiếu tăng mạnh  
Thêm hai đại diện của nhóm khoáng sản góp mặt trong danh sách cổ phiếu tăng mạnh  

Ở chiều ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất là MBT (-46,40%), USC (-39,82%), CH5 (-39,47%), DRI (-30,07%), MH3 (-29,79%), NTC (-29,59%), RTB (-29,02%), QNW (-27,96%), QNT (-27,14%), HMS (-26,93%).

Trong đó, cú “lao dốc không phanh” của cổ phiếu MBT – Công ty CP Bất động sản cho thuê Minh Bảo Tín – là trường hợp điển hình cho sự biến động dữ dội của một cổ phiếu có thanh khoản yếu. Chỉ một tuần trước, MBT còn khiến giới đầu tư sửng sốt khi tăng gần gấp đôi giá trị, thì tuần này lại quay đầu giảm sâu tới gần 50%, xóa sạch thành quả trước đó và khiến nhiều nhà đầu tư “trở tay không kịp”.

Hoàng Anh

Theo VietnamFinance